Chương trình mới sao vẫn còn kiểm tra theo đề chung?

25/12/2022 - 07:09

PNO - Chương trình mới hướng tới dạy học cá thể vì phát triển năng lực mỗi học sinh, vậy các bài kiểm tra chung "chuẩn hóa theo diện rộng" có còn phù hợp?

Dạy cá thể hóa nhưng kiểm tra tập trung

Tại TPHCM, việc kiểm tra học kỳ bậc THCS được tổ chức theo đề chung ở 3 môn là văn, toán, tiếng Anh bởi đây là các môn sẽ thi tuyển sinh vào lớp 10 nên luôn được xem là quan trọng, cần phải "siết" chất lượng học sinh. So với trước đây, hiện nay số môn được chọn để kiểm tra đề tập trung đã giảm rất nhiều.

Dù vậy, theo nhiều giáo viên và nhà quản lý, chương trình GDPT 2018 triển khai suốt 2 năm nay ở bậc THCS với kỳ vọng sẽ giảm áp lực học tập, thi cử; dạy học theo hướng cá thể hóa, phát huy phẩm chất năng lực người học; trao quyền chủ động cho nhà trường, giáo viên và học sinh... thì việc áp dụng hình thức kiểm tra tập trung đã không còn phù hợp.

Dạy học theo hướng cá thể hóa, phát triển năng lực nhưng học sinh vẫn phải làm các bài kiểm tra chung
Dạy học theo hướng cá thể hóa, phát triển năng lực nhưng học sinh vẫn phải làm các bài kiểm tra chung

"Cảm giác những nỗ lực giảng dạy, đánh giá của giáo viên, nhà trường theo hướng phát triển phẩm chất năng lực học sinh theo mục tiêu mà chương trình mới đặt ra không được xem trọng. Chương trình nhà trường không còn ý nghĩa" - hiệu trưởng một trường THCS tại TPHCM băn khoăn về việc tổ chức kỳ kiểm tra cuối kỳ theo đề tập trung toàn quận như hiện nay.

Theo bà, các kỳ kiểm tra theo đề tập trung vô cùng áp lực. Kỳ kiểm tra này, có khi đề ra chưa chắc đã bám sát nội dung học sinh được học trong chương trình, dẫn đến việc giáo viên phải ôn luyện rất mệt mỏi. Chưa kể việc kiểm tra tập trung còn dẫn đến tình trạng giáo viên các môn "được" kiểm tra ép học sinh học, bỏ bê môn khác.

Phó trưởng phòng giáo dục một quận tại TPHCM cho hay, kiểm tra tập trung hiện nay tồn tại mặt được và cả hạn chế. Trong đó, "được" là hình thức kiểm tra theo đề chung sẽ giúp quận đánh giá được mặt bằng chung của học sinh toàn quận, từ đó đánh giá được phần nào việc dạy và học của từng trường để có yêu cầu cụ thể về điều chỉnh phương pháp dạy học. Ngoài ra, cái được nữa là hạn chế các trường "nhẹ tay" với học sinh, dễ dãi khi ra đề, chưa phản ánh được thực chất kết quả học tập của học sinh, thậm chí là hạn chế được tình trạng giáo viên dạy thêm và tình trạng học sinh học vẹt, học tủ.

Về hạn chế, các bài kiểm tra tập trung gây áp lực lớn cho giáo viên, học sinh và phụ huynh, đi ngược với quan điểm rằng bài kiểm tra học kỳ chỉ như một bài đánh giá nhẹ nhàng về năng lực học sinh để có hướng điều chỉnh. Kế đó, hình thức kiểm tra tập trung gây khó cho nhà trường, giáo viên trong việc phát huy dạy học theo hướng cá thể hóa và các phương pháp dạy học tích cực đã được triển khai trong suốt quá trình dạy học, đặc biệt là chương trình nhà trường đã được các trường linh hoạt xây dựng trước đó cho phù hợp với đặc thù học sinh, đội ngũ khi thực hiện chương trình mới.

"Trước kia, bậc tiểu học cũng tổ chức kiểm tra theo đề chung song nhiều năm nay đã bỏ, trước cả khi thực hiện chương trình mới. Nhiều năm đổi mới hình thức kiểm tra ở bậc tiểu học cho thấy việc kiểm tra rất nhẹ nhàng nhưng vẫn đảm bảo đánh giá được năng lực cần đạt của học sinh, tăng quyền chủ động cho nhà trường, giáo viên. Như vậy, ở bậc THCS, việc bỏ kiểm tra theo đề chung hoàn toàn có thể thực hiện, trước hết ở các khối lớp thực hiện chương trình GDPT 2018" - vị này nói.

Học sinh, giáo viên đều... khổ

Phó giáo sư - tiến sĩ Chu Cẩm Thơ - Trưởng ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam - khẳng định, trong cả chương trình cũ và mới đều không có quy định học sinh phải làm các bài kiểm tra tập trung trong các kỳ kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ.

"Khi thông tư 22/2021 áp dụng với chương trình GDPT 2018, giáo viên dạy các môn nhiều tiết rất vui sướng vì giờ đây điểm hệ số 2 chỉ còn 1 lần kiểm tra ở lần đánh giá giữa kỳ chứ không phải như 3-4 đầu điểm như trước. Nhưng nếu Phòng/Sở GD-ĐT lại yêu cầu tổ chức kỳ kiểm tra chung thì cả học sinh và giáo viên đều rất khổ" - phó giáo sư Chu Cẩm Thơ nói.

Bà phân tích, khi kiểm tra chung, học sinh sẽ phải tập trung rất nhiều thời gian cho các môn được chọn kiểm tra. Em nào chủ động thì sẽ sưu tầm hoặc sẽ làm các bài kiểm tra mà giáo viên sưu tầm, không em nào dám "thờ ơ" vì thầy cô, ba mẹ giục giã. Từ khoảng 3-4 tuần trước đó các em phải ôn tập theo đề cương. "Điều này có nghĩa là thời gian học, trải nghiệm, phát triển năng lực lại được dùng nhiều cho việc ôn tập để làm các bài kiểm tra chung" - bà trăn trở.

 

Trong đổi mới giáo dục, các bài kiểm tra chung có còn phù hợp?
Trong đổi mới giáo dục, các bài kiểm tra chung có còn phù hợp?

Với giáo viên, theo phó giáo sư Chu Cẩm Thơ, nỗi khổ dễ thấy nhất khi dạy học đáp ứng kỳ kiểm tra chung đó là tâm lý "sợ kết quả không tốt" nên sẽ rất trách nhiệm trong sưu tầm đề, ôn luyện cho học sinh. Chuyện này không hề dễ dàng bởi giáo viên phải bỏ nhiều thời gian, công sức để làm sao việc luyện tập, chuẩn bị cho học sinh thật sự hiệu quả. Một nỗi khổ nữa mà giáo viên giỏi cũng mắc phải, đó là dù tự tin vào chuyên môn, có quan điểm giáo dục tích cực, muốn phát triển học sinh theo đúng triết lý nhưng vì luyện các kỳ kiểm tra chung mà phải "gò mình". Bởi không ai dám đứng ngoài cuộc với kết quả và các con số sau các kỳ kiểm tra chung.

"Đổi mới giáo dục đang thực hiện phát triển năng lực người học, trao quyền chủ động cho nhà trường, giáo viên. Nếu mỗi học kỳ, các bài kiểm tra định kỳ đều mang xu hướng chuẩn hóa theo diện rộng qua các bài kiểm tra chung thì giáo viên sẽ không còn chủ động, sẽ buông việc dạy theo cá thể hóa phát triển theo năng lực người học, như vậy không còn theo đúng mục tiêu mà chương trình mới hướng tới...".

Quốc Trung 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI