Chương trình mới, cách dạy có mới?

09/12/2020 - 07:07

PNO - Sau gần một học kỳ triển khai thực hiện chương trình mới đối với lớp Một, vẫn còn nhiều giáo viên loay hoay trong việc đổi mới dạy học từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực. Các chuyên gia cho rằng không chỉ giáo viên mà cả hiệu trưởng cũng phải thay đổi để đạt được hiệu quả toàn diện.

Trước đây, sách giáo khoa được coi là chuẩn để giáo viên triển khai giảng dạy. Năm nay, chương trình mới mềm dẻo và linh hoạt, giao quyền tự chủ cho giáo viên.

Do vậy, theo giáo sư Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Hà Nội, khi chương trình chuyển từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực, đương nhiên giáo viên phải đổi mới phương pháp dạy. Từ chỗ đã quen với việc dạy học cung cấp kiến thức, nay phải chuyển sang dạy học kiến thức ấy để phát triển phẩm chất năng lực của học sinh.

Học sinh lắp ráp sản phẩm từ tre nứa trong lớp học của thầy  Vũ Hoàng Sơn
Học sinh lắp ráp sản phẩm từ tre nứa trong lớp học của thầy Vũ Hoàng Sơn


“Đúng là giáo viên phải có bước “chuyển mình”. Giáo viên phải thay đổi từ cách nhìn nhận vấn đề, cách tư duy trong phương pháp dạy học”, thạc sĩ Vũ Hoàng Sơn, giáo viên Trường tiểu học Bình Hòa (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), cho hay.

Thầy Sơn giải thích: ngày trước, trên lớp, giáo viên cho học sinh học theo bài có sẵn hoặc cho xem clip liên quan bài học là đủ. Nay, việc cho học sinh xem clip liên quan đến bài học có thể thực hiện ở nhà. Lên lớp, giáo viên chỉ giải đáp những gì các em thắc mắc, củng cố và mở rộng vấn đề… Để làm được điều này, giáo viên phải có kỹ năng công nghệ thông tin, chuẩn kỹ năng bài học cần đạt và phải có sự trao đổi thêm với phụ huynh.

Tuy nhiên, ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Q.Tây Hồ, TP.Hà Nội, cho rằng: “Việc đổi mới hình thức dạy học là cả một quá trình, nếu bây giờ mới chuẩn bị thì cũng bị coi là khá muộn”.

Ông Vũ cũng kể lại câu chuyện đầu học kỳ I vừa qua, ông đã đi dự giờ các lớp, nhiều cô giáo còn loay hoay trong việc thay đổi phương pháp dạy học. Đến nay, các giáo viên đã chuyển mình, không còn dạy theo cách áp đặt cũ là bắt học sinh thuộc cái này nhớ cái kia mà thay vào đó là đặt hàng cho học sinh tự tìm hiểu ở nhà, dạy học theo xu hướng mới. 

Ông Vũ cũng thừa nhận, dạy tiếp cận từ nội dung kiến thức sang năng lực là bước ngoặt lớn. Nhà trường, mà cụ thể là người đứng đầu như hiệu trưởng cần hỗ trợ, tạo điều kiện cho giáo viên phát huy quyền chủ động, sáng tạo và tự chủ trong dạy học. Qua đó giúp giáo viên có tâm thế sẵn sàng, tự tin để bắt nhịp cùng chương trình mới.

Đồng tình với quan điểm trên, thạc sĩ Sơn nhấn mạnh: “Để chương trình mới thành công, không chỉ giáo viên phải thay đổi mà ngay cả ban giám hiệu cũng phải thay đổi cách quản lý. Tức là ban giám hiệu không thể quản lý giáo án kiểu hình thức theo sách giáo khoa như xưa.

Hiện nay, giáo dục hướng tới từng học sinh nên khi ban giám hiệu dự giờ không thể cào bằng năng lực, trình độ lớp này với lớp khác; cũng như không cào bằng để đánh giá giáo viên tốt hay chưa tốt”.

Quả thực, khi thực hiện chương trình phát triển năng lực, giáo viên phải tổ chức cho học sinh tự tìm hiểu kiến thức bằng hoạt động kiến tạo, khám phá. Thông qua đó, sẽ đạt được một lúc hai mục tiêu là học sinh vừa có được kiến thức vừa tự mình kiến tạo nên kiến thức ấy để ghi nhớ lâu hơn.

Để làm được điều này, người trực tiếp đứng lớp thay đổi thôi chưa đủ, cần phải có sự “thay da đổi thịt” đồng bộ từ người đứng đầu và kể cả phụ huynh cũng phải trở thành người hỗ trợ giáo dục tại nhà cho trẻ. Nhiều giáo viên cho biết, trước nay, phụ huynh vẫn luôn có tâm lý việc dạy học là của nhà trường, kiểu như “trăm sự nhờ thầy”. Trong khi đó, trên lớp chỉ đủ thời lượng để truyền tải những kiến thức cơ bản phù hợp với trình độ chung của tất cả học sinh trong lớp.

Vì vậy, cha mẹ phải là người giúp con hiểu thêm các vấn đề thực tế, tư vấn trao đổi khi con làm bài ở nhà, gợi mở thêm các nguồn tài liệu liên quan từ sách, báo…

Trong khi đó, năm học tới, học sinh lớp Hai và lớp Sáu sẽ học theo chương trình mới, việc tập huấn dạy học cho các giáo viên như thế nào cho hiệu quả là vấn đề Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chuẩn bị kỹ càng. 

Đại Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI