Chương trình Lương thực Thế giới cảnh báo năm 2021 sẽ tồi tệ hơn

15/11/2020 - 11:48

PNO - Giám đốc Điều hành Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) David Beasle cho biết Giải Nobel Hòa bình 2020 đã mang lại cho cơ quan này vị thế và tiếng nói để cảnh báo thế giới rằng việc thiếu hụt hàng tỷ đô la khiến nạn đói vào năm 2021 sẽ vô cùng tồi tệ.

Giám đốc Điều hành WFP David Beasley gặp gỡ giới truyền thông ở Burkina Faso sau khi đoạt Giải Nobel Hòa bình 2020 - Ảnh: AP
Giám đốc Điều hành WFP David Beasley gặp gỡ giới truyền thông ở Burkina Faso sau khi đoạt Giải Nobel Hòa bình 2020 - Ảnh: AP

Trả lời phỏng vấn của AP, Giám đốc WFP David Beasley nói rằng Ủy ban Nobel Na Uy đang xem xét công việc hàng ngày của Chương trình Lương thực Thế giới trong các cuộc xung đột, thảm họa và các trại tị nạn – thường khiến nhân viên của WFP gặp nguy hiểm đến tính mạng khi cung cấp lương thực cho hàng triệu người đói ăn. Cơ quan này còn gửi cho thế giới một thông điệp rằng “tình hình sẽ còn tồi tệ hơn và công việc khó khăn nhất của WFP vẫn đang ở phía trước”.

Ông Beasley nhấn mạnh việc WFP được chọn để trao giải Nobel Hòa bình năm 2020 rất đúng lúc và có ý nghĩa, vì nó giúp cơ quan này của LHQ gánh vác trọng trách “chống đói” toàn cầu, trong bối cảnh sự quan tâm của thế giới đang tập trung vào các sự kiện bầu cử tổng thống Mỹ và đại dịch COVID-19. Ông nói, “vì vậy, đây thực sự như một món quà cho 20.000 nhân viên của WFP trên toàn thế giới”.

Giám đốc Beasley nhắc lại lời cảnh báo của mình trước Hội đồng Bảo an LHQ hồi tháng Tư năm nay rằng trong khi phải tập trung đối phó với đại dịch COVID-19, thế giới cũng "trên bờ vực của một đại dịch đói" có thể dẫn đến "nhiều nạn đói khủng khiếp" trong vòng vài tháng nữa, nếu các quốc gia không thực hiện hành động khẩn cấp.

Ông Beasley nói: “Chúng ta có thể ngăn chặn nạn đói vào năm 2020, bởi vì các nhà lãnh đạo thế giới đã ứng phó bằng tiền bạc, các gói kích cầu, các quyết định hoãn nợ. Nhưng giờ đây, COVID-19 đang tăng mạnh trở lại, các nền kinh tế tiếp tục xấu đi, đặc biệt là ở các nước thu nhập thấp và trung bình, và xuất hiện một làn sóng phong tỏa và đóng cửa các hoạt động kinh tế. Ông nói rằng, số tiền (cứu trợ) có được năm 2020 sẽ không có vào năm 2021, vì vậy ông đã sử dụng giải thưởng Nobel để gặp gỡ trực tiếp các nhà lãnh đạo, nói chuyện với các Nghị viện và đăng đàn phát biểu ‘để cảm hóa’ những người có quyền lực về “bi kịch mà chúng ta đang phải đối mặt - những cuộc khủng hoảng thực sự sẽ rất bất thường trong tương lai, có thể xảy ra sau 12-18 tháng nữa”.

Vị giám đốc WFP ví cuộc khủng hoảng sắp tới giống như những gì xảy ra với con tàu Titanic, ông nói “ngay bây giờ, chúng ta thực sự cần tập trung vào các tảng băng trôi, và các tảng băng trôi đó là nạn đói, bất ổn xã hội và làn sóng di cư”.

Ông Beasley cho biết WFP cần 15 tỷ USD vào năm tới, trong đó, 5 tỷ USD “chỉ để ngăn chặn nạn đói” và 10 tỷ USD để thực hiện các chương trình toàn cầu, bao gồm cứu trợ trẻ em suy dinh dưỡng và tài trợ bữa trưa học đường – bữa ăn duy nhất trong ngày của nhiều trẻ em trên thế giới. 

Hồi tháng Tư, ông Beasley cho biết 135 triệu người phải đối mặt với “cuộc khủng hoảng đói”. Một phân tích của WFP sau đó cho thấy COVID-19 có thể đẩy thêm 130 triệu người “đến bờ vực của nạn đói vào cuối năm 2020”. Giám đốc WFP dự báo “khoảng ba chục quốc gia có thể rơi vào tình trạng đói ăn nếu chúng ta không có đủ tiền cần thiết”.

Theo một phân tích chung của WFP và Tổ chức Nông lương LHQ (FAO) công bố tháng trước, 20 quốc gia “có khả năng phải đối mặt với nguy cơ mất an ninh lương thực cấp độ cao” trong ba đến sáu tháng tới. Trong số đó, Yemen, Nam Sudan, đông bắc Nigeria và Burkina Faso có một số khu vực “đã đạt đến tình trạng đói nghiêm trọng” sau nhiều năm xung đột và các nguyên nhân xã hội khác.

Cũng theo báo cáo của WFP và FAO, các quốc gia khác cần "được chú ý khẩn cấp" là Afghanistan, Cameroon, Cộng hòa Trung Phi, Congo, Ethiopia, Haiti, Lebanon, Mali, Mozambique, Niger, Sierra Leone, Somali, Sudan, Syria, Venezuela, Zimbabwe.

Hoàng Diệu (theo AP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI