Chương trình giáo dục phổ thông mới bậc THPT sẽ triển khai ở lớp 10 trong năm học tới. Điểm mới của chương trình là học sinh được chọn các môn học theo sở thích, đồng thời xuất hiện môn học mới âm nhạc, mỹ thuật. Trước đây, môn âm nhạc, mỹ thuật chỉ được dạy ở bậc tiểu học và THCS. Khi hai môn này được đưa vào bậc THPT, tình trạng thiếu giáo viên là bài toán khó đối với các trường.
Không thể triển khai dạy môn nghệ thuật
|
Tiết sinh hoạt của lớp năng khiếu âm nhạc Trường THPT Lê Quý Đôn (TPHCM) - Ảnh: Hồng Ân |
Nói về việc triển khai chương trình mới, thầy Đào Ngọc Sỹ - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo (Q. Hà Đông, TP. Hà Nội) - cho hay, trường “xin nợ” môn nghệ thuật trong năm học tới vì thiếu giáo viên.
“Hiện trường chưa có giáo viên môn nghệ thuật cũng như chưa có phòng âm nhạc, mỹ thuật nên năm học tới chưa triển khai dạy hai môn này. Trường cũng đã báo cáo tình hình lên Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội”, thầy Sỹ nói.
Theo thầy Sỹ, âm nhạc và mỹ thuật là môn năng khiếu, rất đặc thù nên không thể đưa giáo viên bộ môn khác sang dạy thay được. Về phương án bổ sung giáo viên, thầy Sỹ cho biết cũng đã nghĩ đến việc tuyển giáo viên hợp đồng hoặc mượn giáo viên của trường khác đến dạy. Nhưng cái khó nhất là hiện nay không cho tăng biên chế nên không thể xin thêm biên chế cho giáo viên âm nhạc, mỹ thuật.
Thầy Đỗ Văn Chiến - Hiệu trưởng Trường THPT Ba Vì (H. Ba Vì, TP. Hà Nội) - cũng cho biết, căn cứ vào điều kiện cơ sở vật chất cũng như giáo viên, với tổ hợp môn âm nhạc và mỹ thuật năm học 2022-2023, nhà trường chưa thể triển khai dạy cho học sinh. Trường đã đề xuất được trang bị về cơ sở vật chất cũng như giáo viên để dạy tổ hợp môn nghệ thuật trong năm học 2023 - 2024. Còn môn giáo dục kinh tế và pháp luật, trường cử giáo viên giáo dục công dân dạy đúng theo chương trình của Bộ GD-ĐT.
Tại TPHCM, thầy Hà Hữu Thạch - Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3) - nhận định: Việc thiếu giáo viên môn nghệ thuật là khó khăn của các trường khi triển khai chương trình lớp 10 mới.
“Trường tôi hiện cũng chưa có giáo viên chính quy môn nghệ thuật nên tạm thời học kỳ I của năm học 2022-2023 chưa triển khai dạy âm nhạc, mỹ thuật cho học sinh. Chúng tôi cũng đã đề xuất được ký hợp đồng với giáo viên THCS để dạy trong lúc chờ giáo viên chính quy. Về cơ sở vật chất, trường có thể đầu tư kinh phí và triển khai, chỉ cần có giáo viên là đáp ứng được việc mở môn học”, thầy Thạch cho hay.
Thầy Thạch cho biết thêm, hiện nay, học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn đang được tham gia các câu lạc bộ trong đó có câu lạc bộ về âm nhạc và mỹ thuật. Hơn nữa, trường cũng có truyền thống dạy môn năng khiếu cho học sinh như thanh nhạc, guitar nhưng để đưa vào chương trình chính khóa thì giáo viên chính quy là nhân tố quan trọng.
Giải pháp nào cho các trường?
Trong tình hình đó, Trường THPT Lê Văn Thiêm (Q. Long Biên, TP. Hà Nội) có cách làm là triển khai dạy môn âm nhạc và mỹ thuật bằng cách kết hợp với trung tâm đào tạo nghệ thuật theo hình thức xã hội hóa.
Thầy Nguyễn Công Sở - Hiệu trưởng nhà trường - cho rằng: “Nếu chưa tìm được giáo viên chuyên trách từ các trường sư phạm, tôi nghĩ rằng các trường THPT có thể phối hợp với thầy cô hiện dạy ở trường THCS, vì nguồn này khá dồi dào và quan trọng là giáo viên có chuyên môn”.
Thầy Sở lo ngại rằng, với quy định nhóm môn công nghệ và nghệ thuật (tin học, công nghệ, nghệ thuật), có thể nhiều trường sẽ né luôn môn nghệ thuật, chọn dạy tin học, công nghệ. Không ít trường không cho học sinh đăng ký môn nghệ thuật với lý do thiếu giáo viên, như vậy là thiệt thòi cho học sinh.
Trao đổi với Báo Phụ Nữ TPHCM, ông Nguyễn Bảo Quốc - Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM - thừa nhận: Năm học tới khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 10, nếu học sinh có nhu cầu chọn lựa môn âm nhạc và mỹ thuật nhiều thì các trường sẽ gặp khó khăn về đội ngũ giáo viên.
Về giải pháp, sở đã làm việc với Trường đại học Sài Gòn và Trường đại học Sư phạm TPHCM, đề xuất mở các mã ngành liên quan để bổ sung nguồn giáo viên.
Ngoài ra, sở cũng liên hệ với các trường đào tạo chuyên ngành âm nhạc, mỹ thuật như Nhạc viện TPHCM hay Trường đại học Mỹ thuật TPHCM để phối hợp cùng các trường sư phạm mở lớp đào tạo bồi dưỡng về chứng chỉ sư phạm.
Về kế hoạch năm học tới, hiện nay, Sở GD-ĐT TPHCM đã chỉ đạo cụ thể tới các trường THPT. Theo đó, các trường có thể tuyển giáo viên hợp đồng với thầy cô đủ điều kiện giảng dạy để mở lớp. Các đơn vị khối THPT liên hệ với các phòng GD-ĐT quận, huyện để cùng chia sẻ giáo viên dạy âm nhạc, mỹ thuật.
Cụ thể, giáo viên trường này có thể dạy các trường khác thông qua hình thức hợp đồng, thỉnh giảng. Hơn nữa, chương trình giáo dục phổ thông mới có yêu cầu nếu đủ điều kiện về giáo viên cũng như cơ sở vật chất thì mới tổ chức dạy. Một số trường chưa đủ điều kiện thì hiện nay từng bước xây dựng kế hoạch để triển khai trong những năm học kế tiếp.
Ông Nguyễn Bảo Quốc cũng khẳng định, về vấn đề thiếu giáo viên dạy mỹ thuật, âm nhạc, sở có lộ trình tuyển dụng, thực hiện các kỳ tuyển dụng bổ sung kể cả thu hút nguồn giáo viên từ ngoài tỉnh.
Hồng Ân