Chương trình khung vẫn… bí ẩn

07/11/2018 - 09:08

PNO - Dự kiến, chương trình khung sẽ được ban hành trong tháng Mười vừa qua. Thế nhưng, trái với niềm tin và sự chờ đợi của xã hội, đến nay chương trình khung vẫn… bặt vô âm tín.

Cuối tháng Chín, tại buổi trao đổi thông tin giữa Bộ GD-ĐT với báo chí, giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông quốc gia khẳng định: “Chắc chắn chương trình khung sẽ được ban hành trong tháng Mười tới”. Thế nhưng, trái với niềm tin và sự chờ đợi của xã hội, đến nay chương trình khung vẫn… bặt vô âm tín.

Vì sao phải “hóng” chương trình khung? Bởi vì, các cá nhân, tổ chức ngoài Bộ GD-ĐT muốn tham gia viết sách giáo khoa đều phải dựa vào chương trình khung này. Chủ trương có tính cách mạng - một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa từ Nghị quyết 88 của Quốc hội - có trở thành hiện thực hay không cũng phải chờ bộ. Người ta trông ngóng còn là vì sau khi có chương trình khung lại phải mất rất nhiều thời gian cho các bước thủ tục mới có thể tham gia viết sách; viết xong rồi cũng gian nan với bao bước thẩm định, đánh giá mới có thể đưa vào sử dụng. 

Trong khi chương trình khung còn bí mật thì dư luận đã râm ran: tuy chưa công bố ra bên ngoài nhưng bộ sách của… Bộ GD-ĐT thì đã sắp hoàn thành. Nếu tin đồn này là thật thì rõ ràng thị trường làm sách giáo khoa không thể có ai nhảy vào mà vẫn là sân chơi độc quyền của bộ và nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Chuong trinh khung van… bi an
Bộ GD-ĐT vẫn chưa ban hành chương trình khung để các cá nhân, tổ chức có thể tham gia viết sách giáo khoa

Câu hỏi đặt ra là khi nào diện mạo của chương trình khung mới xuất hiện? Câu trả lời chỉ có thể là chưa thấy Bộ GD-ĐT công bố mốc thời gian mới sau khi… thất hứa. 

Nghị quyết 88 đề ra chủ trương “xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa”. Từ cuối năm 2017, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp phép thêm cho năm nhà xuất bản tham gia xuất bản sách giáo khoa và xem xét cấp phép cho các nhà xuất bản khác nếu có đủ điều kiện. Thế nhưng, việc chậm chạp ban hành chương trình khung như đang diễn ra thì chỉ nhà xuất bản Giáo dục có lợi thế hơn cả.

Một giáo viên đồng thời là người có nhiều kinh nghiệm trong biên soạn sách tham khảo bật mí: “Bộ càng chậm thì nhà xuất bản Giáo dục càng sướng. Đến thời điểm chương trình mới chính thức áp dụng, nhà xuất bản Giáo dục sẽ tung bộ sách mới ra trước và nắm phần thắng”. 

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (UBVH-GD-TN-TN&NĐ) của Quốc hội vừa đề xuất với Quốc hội xem xét tách việc biên soạn, xuất bản sách giáo khoa giáo dục phổ thông ra khỏi chức năng quản lý nhà nước về giáo dục. Đề xuất này xuất phát từ kết quả khảo sát một số nội dung trong thực hiện chính sách, pháp luật về xuất bản, in, phát hành sách giáo khoa giai đoạn 2012-2017 do Đoàn khảo sát của UBVH-GD-TN-TN&NĐ Quốc hội thực hiện.

Theo đó, trong suốt một thời gian dài, việc xuất bản sách giáo khoa thực hiện theo quy trình… một nhà: bản thảo sau khi được Bộ GD-ĐT thẩm định, phê duyệt sẽ giao cho nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức xuất bản, in và phát hành. Sắp tới, tuy không còn một mình một cõi nhưng với những gì đang diễn ra, nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam nghiễm nhiên vẫn được đi “làn ưu tiên” trong cuộc đua biên soạn và xuất sản sách giáo khoa. 

Dư luận đặt nghi vấn Bộ GD-ĐT có ưu tiên cho “người trong nhà” hay không khi nắm trong tay quyền thẩm định sách giáo khoa? Nghi vấn này hoàn toàn có cơ sở, từ việc lần lữa công bố chương trình khung cho đến những con số chiết khấu khổng lồ. Mức chi chiết khấu phát hành sách giáo khoa 25%, tương đương khoảng 250 tỷ đồng/năm - một con số trong mơ của ngành xuất bản. 

Đó là chưa kể bộ sách VNEN thí điểm nhưng đắt gấp nhiều lần sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Giá bán một bộ sách VNEN cao gấp bốn lần giá một bộ sách giáo khoa chương trình chuẩn 2000 đối với sách lớp Ba và lớp Bốn; gấp ba lần đối với các lớp Năm, Sáu và Bảy. Nếu tính tổng giá tiền bộ sách giáo khoa 2000 có sách bài tập và sách bổ trợ kèm theo thì giá bộ sách VNEN gấp khoảng 1,6 lần.

Mang tiếng thí điểm nhưng hằng năm, số lượng in, phát hành sách VNEN và sách Tiếng Việt lớp 1 công nghệ giáo dục vẫn tăng đột biến. Năm 2017 số lượng in, phát hành tài liệu Tiếng Việt lớp 1 công nghệ giáo dục là 5.307.733 bản, tăng gần 13 lần so với năm 2012. Số lượng phát hành sách VNEN cũng lên đến 10.793.844 bản.

Với những món lời đến choáng ngợp, việc lo ngại, “giấu” chương trình khung cũng là dễ hiểu. Đó là chưa kể, viết và xuất bản sách giáo khoa chỉ là một công đoạn để đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Sau đó cần rất nhiều thời gian chuẩn bị các điều kiện bảo đảm chất lượng: đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất.

Một nhà giáo chỉ ra: theo thống kê của Bộ GD-ĐT mới đây, để triển khai chương trình mới cần phải đầu tư xây dựng bổ sung hơn 57.000 phòng học; kiên cố hóa, đầu tư xây dựng thay thế hơn 96.000 phòng học. Trong khi đó, số lượng thiết bị phòng học bộ môn hiện mới chỉ đáp ứng được khoảng 68% nhu cầu giảng dạy. Số giáo viên còn thiếu sau khi đã được giao thêm biên chế để tuyển dụng hồi tháng Tám là 75.989 người… Còn ngổn ngang nhiều thứ, chỉ mong chỉ huy ngành đừng bình chân như vại. 

Gia Tuệ 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI