Chương trình học bổng "Nữ sinh hiếu học, vượt khó" lần thứ 26: Con muốn trở thành nhà thiết kế

25/07/2016 - 15:24

PNO - Buổi sáng ấy, chọn mặc chiếc áo trắng mới nhất, Trần Thanh Phượng buồn xo, thưa mẹ đi học. Chị Trần Thị Lan (ngụ số nhà 7/19 Vườn Điều, P.Tân Quy, Q.7, TP.HCM) dõi theo con với tâm trạng thắc thỏm, ngổn ngang.

Sực nhớ điều gì, chị với theo con nhưng đôi chân liệt giữ rịt chị trên chiếc giường. Bao lần dặn dò con mà vẫn như chưa đủ. Nào chuyện xin cô giáo cho ngồi bàn trên, đừng ngồi bàn chót vì Phượng bị cận thị; nào phải chăm chú nghe cô giảng, không lo nghĩ về mẹ ở nhà; nào chuyện gửi xe đạp đàng hoàng, kẻo mất; phải vui vẻ, hòa đồng, khiêm tốn thì bạn sẽ chơi với mình…

Hết buổi học, nhác thấy bóng con về, chị Lan dồn dập hỏi han, tâm tư bớt quằn nặng khi con cười, nói: “Hôm nay con học cũng ổn, mẹ à! Có bạn Yến làm quen, chơi với con và giới thiệu con cho các bạn khác nên con cũng không thấy lạc lõng”. Vài ngày sau, trong câu chuyện kể của Phượng có thêm vài cái tên khác của bạn cùng lớp, mỗi buổi đi học về, lại có thêm một kiểu tóc mới bạn thắt cho, chị Lan mừng thầm.

Quyết định chuyển trường không dễ dàng với hai mẹ con chị Lan nhưng không còn cách nào khác khi hoạn nạn giáng xuống chị và gia đình nhỏ. Ngày 18/8/2015, chị Lan đang tham gia tổng duyệt biểu diễn văn nghệ tại phường bỗng thấy mệt mỏi, xây xẩm, khó chịu. Đưa đến bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán chị bị trượt đốt sống, thoát vị đĩa đệm, phải mổ cấp cứu ngay hôm sau. Một viễn cảnh đen tối xâm chiếm đầu óc chị Lan khi nằm trên giường bệnh, nhất là lo lắng cho tương lai của con.

Chuong trinh hoc bong
Trần Thanh Phượng cùng mẹ đọc sách và bàn luận những điều thú vị

“Có chết thì khỏe thân mình nhưng con còn quá nhỏ dại, học hành chưa tới đâu. Mình tạo ra mầm sống nhưng chưa lo trọn vẹn thì tội cho con quá, không thể an lòng ra đi” - chị Lan rưng rưng hồi tưởng. Chị càng chạnh tủi khi nhắc đến dự định tích lũy số tiền, mẹ con sẽ dắt nhau về quê nội Phượng ở Bạc Liêu. Ba mất vì tai nạn giao thông lúc Phượng mới mấy tháng tuổi, đến nay đã 13 tuổi mà chưa một lần về thăm.

Rồi ngôi nhà bị âm một mét rưỡi so với mặt đường, bước vào nhà phải nhờ đến một chiếc ghế, chị mới mượn tiền xây vừa xong thì ngã bệnh… Rối rắm, hoang mang, tuyệt vọng. Cũng nhờ tình thương, sự giúp đỡ, động viên của các chị em ruột, đồng nghiệp của chị Lan ở công ty, những bạn bè cùng tham gia hoạt động đoàn thể ở địa phương, cùng thầy cô, bạn bè của Phượng mà mẹ con chị gạt đi nước mắt, quyết tâm vượt lên số phận, bước tiếp để trả ơn cuộc đời.

Bốn tháng ròng chị Lan nằm viện, cũng là suốt học kỳ I, bác bán hủ tíu tốt bụng có con từng học chung Phượng ròng rã đưa Phượng đến trường. Đôi bạn học khác lớp, lệch giờ, nhiều lúc bác phải gác lại việc buôn bán để chở Phượng đi và nhất quyết không nhận tiền xăng. Xuất viện về nhà, dù đã qua cơn nguy kịch nhưng đôi chân chị Lan đã bị liệt, mọi sinh hoạt đều không tự lực được.

Thấy hoàn cảnh chị khó khăn, neo đơn, các ban ngành địa phương nhiệt tình giúp chị chuyển hồ sơ của Phượng về Trường THCS Nguyễn Thị Thập (Q.7) cho gần nhà, Phượng có thể tự chạy xe đạp đến trường, trong khi trường cũ quá xa, đến 9km. Con khóc, không đành lòng lìa xa trường cũ, bạn cũ; mẹ khóc vì con cãi lời và hơn cả là bất lực trước nghịch cảnh. Chuyển trường hay nghỉ học? Cuối cùng Phượng đã dũng cảm đón nhận đổi thay.

Tuy chuyển trường ở giữa hai học kỳ năm lớp 7 nhưng Phượng nhanh chóng vượt qua những xáo trộn tâm lý, sớm bắt nhịp, hòa nhập, thích nghi. Kết quả học kỳ II và cuối năm của Phượng vẫn tốt, giữ vững thành tích giỏi liên tục từ năm lớp 1. Đặc biệt, với gia cảnh đặc biệt khó khăn, năm học 2016- 2017, lần đầu tiên Phượng vinh dự được nhận học bổng Nữ sinh hiếu học, vượt khó của báo Phụ Nữ TP.HCM.

Niềm vui bất ngờ này tiếp thêm động lực để Phượng cố gắng học tập, theo đuổi ước mơ sau này trở thành nhà thiết kế thời trang, kiếm tiền lo cho mẹ. Từng là giáo viên cấp II, chị Lan ít nhiều nhớ kiến thức đã học để dạy con. Tuy không thường xuyên khảo bài nhưng chị thỉnh thoảng kiểm tra con bằng những câu hỏi “đánh úp”, bất kể bài học mới hay cũ. Khi được hỏi về hành trang bước vào năm học mới, lớp 8, Phượng tươi cười cho biết đã chuẩn bị xong hết. “Xong hết” của con nhà nghèo thương thay chỉ là một bộ sách cũ của người quen mới cho, hai chiếc áo trắng và độc nhất một chiếc váy mới mặc… năm rồi.

Ngày hè, Phượng không đi chơi, dành trọn thời gian ở nhà giúp mẹ các công việc nội trợ, dọn dẹp nhà cửa. Phượng xoa bóp, massage cho mẹ, hỗ trợ mẹ tập luyện đôi chân hoặc chỉ ngồi trò chuyện cho mẹ vui, quên đi đau đớn, muộn phiền của bệnh tật. Niềm hạnh phúc của cả nhà là khi chị Lan tập luyện có tiến bộ, lần lượt bỏ đi các dụng cụ như giày tập chân, ròng rọc kéo… Nghe học bổng sẽ trao vào cuối tháng Tám, chị Lan rướn người kéo dây trên nóc giường, gượng đứng và cho biết ngày mai sẽ tập bước ra cửa, ra sân. Tôi chợt nghĩ, phải chăng chị cố gắng tập mong có thể hiện diện trong giây phút tự hào của con mình và được trực tiếp cảm ơn những tấm lòng vàng đã không bỏ rơi mẹ con chị trong hoạn nạn?

Kim cương Kita tiếp tục đồng hành cùng chương trình nữ sinh hiếu học, vượt khó

Ngày 22/7, ông Nguyễn Thành Long, Giám đốc Kỹ thuật Công ty TNHH Kim cương Kita đã trao tặng 50 triệu đồng cho chương trình học bổng Nữ sinh hiếu học, vượt khó lần thứ 26 năm học 2016-2017 của báo Phụ Nữ.

Chuong trinh hoc bong
Ông Nguyễn Thành Long - Giám đốc kỷ thuật, đại diện Công ty TNHH Kim cương KITA trao tặng số tiền 50 triệu đồng cho chương trình học bổng Nữ sinh hiếu học vượt khó lần thứ 26 năm học 2016 - 2017

Nhiều năm qua, Công ty TNHH Kim cương KITA đã đồng hành với báo Phụ Nữ thực hiện chương trình hỗ trợ học sinh nghèo, nỗ lực vượt khó, học giỏi tại TP.HCM và các tỉnh thành lân cận. Theo ông Long, đồng hành với các hoạt động xã hội từ thiện của báo Phụ Nữ không chỉ là sự quan tâm, chia sẻ mà còn là trách nhiệm của công ty đối với cộng đồng.

Công ty TNHH Kim cương KITA chuyên kinh doanh kim cương tự nhiên, nhập khẩu chính thức từ HRD Hoge Raad voor Diamant, Diamond High Council - Hội đồng Kim cương tối cao của Vương quốc Bỉ.

Nguyễn Thiện

Tô Diệu Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI