“Cuộc sống không ưu đãi mình”, khi chị Đồng Thị Luyện - người được vinh danh thủ lĩnh câu lạc bộ Cuộc chiến ung thư - ngồi trên khán đài nhớ lại những tháng ngày bệnh tật, tôi nhìn xuống khán phòng, nhiều người trong hơn một trăm bệnh nhân đang có bất giác khẽ cúi đầu. Họ như thấy lại bản thân quãng đường cũ: một ngày, cơ thể lên cơn đau, đi khám, phát hiện bị ung thư, thế giới xung quanh sụp đổ…
|
Các nhân vật đã vượt nghịch cảnh để sống đẹp với khát vọng đẹp |
Nhưng cuộc đời vẫn trôi, ngày vẫn qua, những rủi may đâu dừng lại. Ở buổi giao lưu của chương trình Khát vọng sống lần III do Báo Phụ Nữ tổ chức tại Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM chiều 12/9, nhiều bệnh nhân bật khóc khi theo dõi hành trình giành sự sống, tìm hạnh phúc của 10 nhân vật trong loạt bài Khát vọng sống (đăng trên Báo Phụ nữ Chủ nhật từ ngày 8/7/2018).
Sức bật từ nội tâm
Có vài lần đặt chân đến Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM theo đơn thư xin được Báo Phụ Nữ giúp đỡ của bạn đọc, chưa kịp gặp người bệnh, tôi nhận được thông tin: họ vừa… “đi”.
Bần thần giở lá đơn ra xem để xác tín lần nữa, tôi hoang mang hơn khi nhìn từng con chữ họ viết, vừa mới gửi hôm qua, hồ sơ bệnh cho thấy, tình trạng bệnh chưa đủ sức cướp đi sự sống của họ. Vậy điều gì dẫn đến cái chết chóng vánh? Một bác sĩ lý giải: “Là một tâm hồn bị đánh mất niềm tin, sự khát khao sống. Họ để cho tâm trí choán lấy, dìm chết bởi hằng hà cảm xúc tiêu cực. Những cái chết vô lý như vậy không ít đâu!”.
|
Mẹ Lan chính là ánh sáng của Duy An |
Trong chương trình giao lưu, khi câu chuyện chị Đồng Thị Luyện được kể lại cùng nhận định của bác sĩ Lâm Đức Hoàng - Trưởng khoa Hội chẩn, Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM “cơ thể chị đã không còn tế bào ung thư nào tồn tại”, bác sĩ khẳng định đó không phải là một phép mầu!
Còn nhớ ngày chị nhập viện cũng là ngày được chẩn đoán quá trễ, chứng ung thư vòm họng đã di căn. Hoạch định cho đời mình, chị thu xếp cho cái chết nhiều hơn suy nghĩ phải chuyên tâm điều trị. Rồi chị giật mình: “Sao không dành tâm trí cho toan tính cái chết để nghĩ về sự sống”. Tuân thủ phác đồ trị liệu, chị đeo đuổi một hành trình của ý chí: 41 lần hóa xạ trị với những ngày tháng chán ăn, rã rời chỉ muốn nằm xuống, quên đi tất cả. Nhưng ý chí đã trợ lực, để chị cố gắng vận động, cố gắng ăn uống để có sức chống chọi.
Có lẽ chỉ những ai từng thoát được cuộc dìm chết của cảnh ngộ, bệnh tật mới thấu hiểu giá trị lớn lao của cuộc sống. Chàng trai Nguyễn Đình Vinh tâm sự đơn giản: chương trình đã cho em cơ hội một lần vào TP.HCM, nhìn ngắm sự nhộn nhịp lâu nay chỉ “nghe nói”.
|
Những giọi nước mắt đồng bệnh tương lân khi người trong cuộc chia sẻ hành trình chống chọi ung thư |
Hai mươi năm mang vác “chiếc mai rùa” là khối u 15kg trên lưng, em chỉ được ngủ ngồi, cuộc sống là chuỗi ngày dài đớn đau hành hạ và mặc cảm, tự ti. Vinh của ngày hôm nay nhanh nhẹn bước lên khán đài bằng nụ cười rộng mở. Em khoe vừa tìm được việc làm, dẫu còn suy thận độ 4, em thấy mình thoải mái như sống lại lần nữa sau khi cởi bỏ“mai rùa”.
Trong nghịch cảnh ai cũng dễ nản lòng, muốn buông. Thái Duy Đức cũng vậy! Đó là câu chuyện đến từ một tai nạn mà giờ đây anh phải làm bạn suốt đời với xe lăn. Nhưng nỗi khao khát được sống lại cũng chưa bao giờ mãnh liệt như lúc này trong Đức, khi tìm được bình an nội tâm, anh còn tìm thấy hạnh phúc. Đức chia sẻ: “Giờ tôi ham sống và sợ chết lắm!”.
Nhờ cảnh ngộ, Đức gặp được người phụ nữ của đời mình. Ngày đến với anh, cô phải vượt qua muôn vàn ngăn cản của gia đình. Mối lương duyên thi vị của vợ chồng chàng trai trên xe lăn đã truyền cảm hứng cho bạn trẻ khi họ thường xuyên chia sẻ hình ảnh vợ đẩy xe lăn đưa chồng đi chơi, hay Đức chở vợ trên chiếc xe ba bánh, nắm tay nhau đi khắp nơi thăm thú.
Ánh sáng tình yêu dẫn lối
|
Cậu bé Thông Thái Lâm trong vòng tay vị bác sĩ ân nhân Nguyễn Xuân Anh. Lâm khoe bàn tay đã được phẫu thuật để có thể cầm bút |
Chỉ mất ba ngày chị Hoàng Hiếu đã vượt qua cú sốc choáng váng, tuyệt vọng khi “cái án” ung thư giáng xuống. Đó là nhờ tình thương của chồng - người chấp nhận bỏ việc để túc trực bên vợ. Hành trình chiến thắng bệnh tật sau đó chị dựa vào nguyên tắc 4T - thuốc, thực phẩm, thể dục và tinh thần. Chị cho hay, sức mạnh tinh thần ấy được vun bồi trong từng cảm nhận sự chăm sóc của người thân - cảm nhận để biết ơn và nhìn ra được hạnh phúc - điều này người bệnh cần hơn tất thảy.
Tình thương của mẹ cũng là “từ khóa” giúp Duy An vượt qua xui rủi của số phận. Em thổn thức: “Dẫu không sáng mắt để nhìn thấy mẹ, nhưng trong em, mẹ là người xinh đẹp, tuyệt vời nhất. Mẹ là siêu nhân”. Chị Lan - mẹ em không đầu hàng số phận, mà, giờ đây thi thoảng nhắm mắt nghĩ về, chị còn rùng mình tự hỏi nếu ngày ấy nghe theo lời khuyên để cho con được chết, cuộc đời chị sẽ ra sao?
Giành giật sự sống cho con khỏi căn bệnh thiếu máu không tái tạo (cơ thể không sản sinh ra máu); chị bỏ nghề giáo, từng bước lặn lội theo con trên các nẻo đường bệnh tật để nuôi con lớn khôn. Duy An khiếm thị, nhưng em vẫn tỏa sáng với thành tích học giỏi, hát hay, điệu nghệ từng ngón đàn. Ôm bó hoa trao tặng mẹ, Duy An xúc động nói: “Con muốn viết tiếp ước mơ nghề giáo đã dang dở của mẹ”. Người mẹ rưng rưng: “Con hãy cố gắng sống như cách mẹ con mình đã cố gắng”.
|
Tình yêu trên chiếc xe lăn cùa chàng trai Thái Duy Đức |
Nhắm nghiền đôi mắt cho những giọt nước mắt chảy dài khi dõi theo chương trình, bệnh nhân Trần Q. (64 tuổi, ung thư trực tràng) nghẹn ngào: “Dự buổi giao lưu này, tôi được tiếp thêm sức mạnh để chiến thắng căn bệnh đang ở giai đoạn cuối của mình”.
Ông Q. trầm tư, cách đây hai năm cho đến trước giờ diễn ra chương trình, trong ông chất chứa nỗi oán trách cuộc đời, oán trách sự quay lưng của vợ con vào ngày ông phát bệnh. Nhưng, chia sẻ của các nhân vật đã cho ông hiểu rằng, tình thân không có, ông vẫn có tình thương của bác sĩ cùng sự quan tâm của xã hội - món quà, những câu chuyện lay động của Khát vọng sống đã cho ông cách nhìn cởi mở hơn. “Tôi thấy tâm hồn đầy đau khổ của mình được giải thoát” - ông Q. nhẹ nhàng nói.
Đó cũng là thông điệp từ chương trình mà thạc sĩ - bác sĩ Lê Anh Tuấn - Phó giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM tâm đắc: “Chỉ cần có khát vọng sống, có tâm lý mạnh mẽ trong việc điều trị, cơ thể sẽ sản sinh ra những chất kháng bệnh tật. Những tấm gương, nghị lực của các nhân vật đã minh chứng điều này”.
Sẽ không dừng lại ở con số ba năm, Khát vọng sống còn tiếp diễn như một chương trình thường niên của Báo Phụ Nữ; bởi giá trị, ý nghĩa lan truyền nhờ sức mạnh điểm tựa của biết bao câu chuyện, bà Nguyễn Thị Thu Mai - Phó tổng biên tập Báo Phụ Nữ TP.HCM gửi gắm: “Ai trong chúng ta cũng có khát vọng của riêng mình. Đó có thể là thành công hơn, giàu có hơn nhưng cũng có thể chỉ đơn giản mỗi sáng thức dậy còn được thấy ánh mặt trời hay những người thân yêu của mình. Thật đẹp khi ai đó thua thiệt vẫn yêu đời, lan tỏa năng lượng tích cực đến cho người khác”.
Tuyết Dân