Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể: Học sinh vẫn chưa được dạy để phản biện

12/05/2017 - 22:07

PNO - Hạn chế của Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể là chưa dạy học sinh phát triển tư duy phản biện, sáng tạo. Giáo viên vẫn chưa thoát được lối mòn trong tư duy và phương pháp dạy học.

Đó là ý kiến của rất nhiều chuyên gia giáo dục tâm huyết tại toạ đàm góp ý dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể do Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục tổ chức vào chiều 12/5.

Bà Trần Thúy Hằng, nguyên giáo viên trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa cho rằng dự thảo không đề cập khía cạnh đào tạo giáo viên và thay  đổi tư duy người dạy học. Đổi mới giáo dục phải bắt đầu từ người thầy. Theo bà Hằng, tư duy của giáo viên là rất quan trọng, nếu người dạy không chịu đổi mới, không theo hướng mở thì đừng đòi hỏi học sinh dám phản biện.

Hiện giáo viên đang bị áp đặt nhiều thứ, “ngụp lặn” trong việc biên soạn giáo án, các loại sổ đánh giá nhận xét đến phương pháp giảng dạy... Cả thầy và trò đang bị gò trong khuôn mẫu nhất định. Bà Hằng khẳng định, việc giáo dục tư duy phản biện là cần thiết. "Có thể sự phản biện của học sinh chưa đúng, thầy cô mới biết mà điều chỉnh, đừng bao giờ dập tắt ý tưởng sáng tạo của các em", bà Hằng nói.

Chuong trinh giao duc pho thong tong the: Hoc sinh van chua duoc day de phan bien
Nhiều giáo viên, chuyên gia giáo dục góp ý nên để học sinh được bày tỏ quan điểm

TS Nguyễn Khánh Trung, Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục, dẫn chứng tại các nước phát triển như Phần Lan, Pháp, giáo dục tư duy phản biện là nội dung cốt lõi, là trung tâm trong sứ mệnh của hệ thống giáo dục quốc gia. Nó không ở đâu xa xôi, mà được thể hiện xuyên suốt chương trình giáo dục, có mặt trong từng môn học và từng hoạt động giáo dục.

Theo ông Trung, tinh thần phản biện không chỉ là chuyện luôn nói "phản" lại những gì có sẵn. Trước một sự việc, học sinh không có óc phản biện thì sẽ chấp nhận một cach đơn giản. Nhưng em có tinh thần phản biện sẽ tò mò, biết đặt câu hỏi và muốn khám phá.

Bà Lê Thị Nga, một giáo viên trường THPT Lê Quý Đôn, nêu ra thực trạng giáo viên đang chịu nhiều áp lực khi cứ tiến hành thử nghiệm nhiều phương pháp giảng dạy khác nhau nhưng thi cử đánh giá học trò, lại áp dụng tiêu chuẩn chung do Bộ Giáo dục đề ra.

Nữ giáo viên này lo lắng những kỳ thi dồn dập suốt năm học khiến học sinh quay cuồng, lúc nào cũng chỉ lo học và thi, tất nhiên người thầy cũng bị cuốn theo vòng xoáy đó. "Khi nào còn cách thi cử, đánh giá như hiện nay thì còn áp lực. Chương trình mới cần có những nội dung giải phóng được những áp lực trên", bà Nga đề xuất.

Thanh Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI