Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ở khối 10: Học sinh còn lúng túng, giáo viên chưa "quen tay"

08/10/2022 - 08:34

PNO - Sau 1 tháng Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 "chạy" ở khối lớp 10, học sinh, giáo viên TPHCM vẫn còn gặp nhiều lúng túng...

Giáo viên "chủ yếu đứng lớp bằng kinh nghiệm"

Là giáo viên Sinh, năm học này cô Lương Thị Nga (giáo viên Trường THPT Trần Khai Nguyên, quận 5) được điều động phụ trách thêm hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp khối 10. Đảm nhiệm thêm 1 vai trò mới, cô Nga cho biết bản thân gặp nhiều khó khăn và "chủ yếu đang đứng lớp bằng kinh nghiệm" do không được đào tạo bài bản.

"Nội dung hướng nghiệp học sinh trước giờ không phải là mới song khi được đưa thành môn học, có sách giáo khoa, có thời lượng dạy rõ ràng, có kiểm tra đánh giá thì việc giảng dạy đòi hỏi giáo viên phải chuyên sâu hơn. Trước khi lên lớp, ngoài nghiên cứu sách, soạn kế hoạch bài học, giáo viên phải tìm hiểu thêm, từng bước từng bước vừa dạy vừa rút kinh nghiệm. Để học sinh hiểu thì trong từng hoạt động giáo viên phải xây dựng các ví dụ thực tế cho học sinh trải nghiệm", cô Nga chia sẻ.

Nhiều giáo viên vẫn chủ yếu đứng lớp bằng kinh nghiệm ở các môn học mới
Nhiều giáo viên vẫn chủ yếu đứng lớp bằng kinh nghiệm ở các môn học mới

 Với thời lượng 3 tiết/tuần/lớp, Trường THPT Trần Khai Nguyên phân công hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp cho 3 giáo viên cùng phụ trách, bao gồm giáo viên chủ nhiệm, giáo viên sinh học, giáo viên công nghệ. Cô Nga cho hay, để có thể hài hòa được nội dung chương trình thì cả 3 giáo viên phải cùng soạn lại phân phối chương trình. Điều này khiến giáo viên gặp khó khăn về thời gian và khó có sự kế thừa trong các hoạt động môn học.

Cô Trương Võ Ngọc Châu (Giáo viên ngữ văn, Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu, huyện Hóc Môn) nhìn nhận, khác với chương trình cũ, khi giảng dạy theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ở khối 10 thì giáo viên phải thiết kế được phiếu học tập cho học sinh trong mỗi tiết học.

"Phiếu học tập trong từng tiết học được phát đến học sinh không phải tiết nào cũng giống nhau mà phải có sự nghiên cứu theo đặc thù bài học và học sinh trong lớp. Học sinh sẽ học, thảo luận, đóng góp ý tưởng, chia sẻ về hiểu biết, kiến thức thu thập được từ tiết học qua chính phiếu học tập. Giáo viên chỉ đóng vai trò gợi mở, dẫn dắt...", cô Châu chia sẻ.

Sau hơn 1 tháng đứng lớp, giáo viên này thừa nhận do là phương pháp học tập mới, tiếp cận kiến thức bài học theo hướng hoàn toàn khác so với những gì học sinh đã quen, vì thế thời điểm này học sinh khối 10 vẫn còn gặp nhiều lúng túng, bản thân giáo viên cũng chưa thực sự "quen tay". Cụ thể, giáo viên phải luôn cập nhật kiến thức thực tế bởi việc giảng dạy hiện nay đã không còn lệ thuộc vào sách giáo khoa.

Để học sinh hiểu và mở rộng kiến thức bài học thì phần bài tập vận dụng đòi hỏi giáo viên phải đưa nội dung vận dụng bên ngoài vào, phải vất vả nhiều hơn khi soạn bài. Về phía học sinh, buộc phải "chuyển động" trong lớp học thì mới có thể nắm bắt kiến thức chứ không thể thụ động chờ thầy cô như trước đây...

Trao cơ hội cho thầy cô lên tiếng

"Khi triển khai Chương trình mới, dù đã được tập huấn, bồi dưỡng song do là năm đầu thực hiện, giáo viên vẫn còn dư âm của phương pháp cũ, vẫn còn tư tưởng sử dụng giáo án giảng dạy, lệ thuộc vào giáo án", thầy Ngô Hùng Cường, Phó hiệu trưởng Trường THPT Trần Khai Nguyên nhìn nhận.

Để gỡ khó cho giáo viên, thầy Cường cho biết nhà trường thành lập một group, thiết kế các đường link để thầy cô chia sẻ khó khăn đang gặp phải khi triển khai Chương trình. Ngoài ra, bất cứ khi nào thầy cô đều có thể gặp trực tiếp ban giám hiệu để chủ động trao đổi. Các ý kiến của giáo viên thường là làm sao giúp học sinh tiếp cận phương pháp mới nhanh hơn; phân bố thế nào trong các chủ đề học tập... Ban giám hiệu, tổ trưởng chuyên môn tăng cường dự giờ thăm lớp ở tất cả các bộ môn để nắm bắt, hướng dẫn và tháo gỡ kịp thời. 

Học sinh còn gặp nhiều lúng túng khi tiếp cận Chương trình mới
Học sinh còn gặp nhiều lúng túng khi tiếp cận Chương trình mới

Cô Hoàng Thị Hảo, Hiệu trưởng Trường THPT Đào Sơn Tây (TP.Thủ Đức) chia sẻ, điểm mới của Chương trình GDPT 2018 ở là ở các bộ môn giáo viên đều phải thiết kế phiếu học tập cho học sinh để tổ chức hoạt động giảng dạy trong tiết học. Tuy nhiên, phiếu học tập đã được nhà trường "đón đầu" từ các năm trước nên giáo viên không gặp nhiều khó khăn trong nhận diện, thiết kế.

"Đến thời điểm này, khó khăn nằm nhiều ở phía học sinh khi các em phải thay đổi phương pháp học tập, tiếp cận bài giảng ngay giai đoạn chuyển giao cấp học. Điều này đòi hỏi thầy cô phải đa dạng hơn nữa hoạt động bài học. Ngay đầu năm, trường đã thành lập những group "gỡ khó" cho giáo viên triển khai Chương trình mới, nhất là giáo viên kiêm nhiệm thêm bộ môn mới. Thầy cô sôi nổi lên tiếng, trao đổi, thắc mắc, các vấn đề học sinh gặp phải cũng được mang ra "mổ xẻ" để tìm hướng tháo gỡ với việc đa dạng hơn nữa các hoạt động, không tạo khoảng cách, hỗ trợ kịp thời để các em thích nghi với Chương trình mới". 

Quốc Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI