Đỏ mắt tìm chương trình giải trí cho trẻ
Hàng loạt chương trình dành cho thiếu nhi của Điền Quân, Jet Studio, Sen Vàng… như Biệt tài tí hon, Thần tượng tương lai, Gia đình thông thái, Người hùng tí hon, Tuyệt đỉnh song ca nhí, Thử tài siêu nhí, Sao nối ngôi nhí, Tiếu lâm tứ trụ nhí, Đấu trường âm nhạc nhí, Sếp nhí khởi nghiệp, Ai sẽ thành sao nhí… đều đã tạm dừng. Công ty Điền Quân cho biết sẽ tiếp tục với Thần tượng tương lai nhưng cũng phải chờ đến cuối năm.
Một vài kế hoạch khác của Điền Quân, Jet Studio dự kiến cũng đang được tính toán thực hiện, dẫu vậy thực tế vẫn cho thấy các chương trình nhí đang rơi vào thoái trào. Trong khi đó, chi phí sản xuất các chương trình nhí không nhỏ, vì không thể quay gộp, ép sức như người lớn.
Khi đang phải hoạt động rất cầm chừng với đầy âu lo, thì thương hiệu Ngày xửa ngày xưa vẫn lên sàn tập luyện và cho ra mắt vở diễn mới, chuẩn bị cho mùa hè. Nhà hát kịch Sân khấu Nhỏ cũng xây dựng chương trình phục vụ thiếu nhi vào mỗi sáng cuối tuần. Nhưng dịch bệnh bất ngờ bùng phát, sân khấu tạm đóng cửa, các chương trình phải tạm dừng vô thời hạn.
|
Siêu tài năng nhí, một trong những chương trình giải trí hấp dẫn dành cho trẻ em trên truyền hình |
Chương trình xiếc của Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam, chương trình văn nghệ tổng hợp của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang cũng trong tình cảnh tương tự. Cùng với sự thoái trào của gameshow, cộng thêm ảnh hưởng dịch bệnh, chưa bao giờ việc tìm chương trình giải trí cho trẻ trong mùa hè nan giải như năm nay.
Thời dịch bệnh, các nhà sản xuất, đơn vị tổ chức nhanh chóng tìm cách vượt khó. Chỉ trong thời gian ngắn, nhiều chương trình ca nhạc, giải trí được tổ chức trực tuyến dành cho người lớn, nhưng mảng giải trí thiếu nhi vẫn là một khoảng trắng. Khi các nhà sản xuất “buông” chương trình giải trí cho thiếu nhi, hầu hết các nhà đài cũng làm ngơ và bỏ rơi đối tượng khán giả này.
“Các chương trình giải trí lành mạnh phải đặc biệt quan tâm đến trẻ em, bởi đây là khán giả đặc biệt, có tính kết nối với các đối tượng khác. Các bạn nhỏ xem thì các anh chị, bố mẹ, ông bà cũng cần xem. Vì thế, không có lý do nào để chúng ta lơ là. Chưa kể, về mặt trách nhiệm xã hội, những đơn vị sản xuất tử tế cần phải xem đây là nhiệm vụ ý nghĩa, có giá trị”, đạo diễn Lại Bắc Hải Đăng, Phó ban Sản xuất các chương trình giải trí VTV3, cho biết.
Trong khi đó, truyền hình và các phương tiện giải trí số lại có nhiều cơ hội hơn. Nhưng dạo một vòng truyền hình chắc chắn vẫn khó tìm được một thương hiệu giải trí đúng nghĩa dành cho trẻ, giúp trẻ vừa chơi vừa học, rèn luyện kỹ năng… như trước đây. Phim, chương trình ca nhạc tổng hợp cũng đếm trên đầu ngón tay. Những năm qua, ít nhiều gameshow cho người lớn đã bóp nghẹt mảng nội dung này.
Cái khó bó cái khôn?
Việc thiếu thương hiệu giải trí chính thống cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ đổ xô sang môi trường mạng, bất chấp nhiều lời cảnh báo những nội dung nguy hại. Nghệ sĩ Quang Thảo cho rằng mùa hè năm nay, nguy cơ đó sẽ càng lớn hơn, nhưng lại là cơ hội để các nghệ sĩ, nhà sản xuất, đài truyền hình nhìn lại nội dung dành cho trẻ, có nghiên cứu, điều chỉnh, đầu tư hợp lý hơn. “Trẻ con là nguồn cội cho mọi phát triển sau này. Vì thế, đời sống tinh thần của trẻ phải được quan tâm đầu tư đúng mức, đảm bảo sự phát triển toàn diện về kỹ năng, cảm xúc”, anh nói.
|
Trạng nguyên nhí, chương trình vừa chơi vừa học được chú ý trên VTV3 |
Quang Thảo và Đình Toàn đang dành thời gian này để hoàn chỉnh kế hoạch viết một số kịch bản dành cho thiếu nhi. Nếu kêu gọi được vốn đầu tư, họ sẽ phát triển dự án lớn hơn, mong được sự chú ý của các đài, còn không thì sẽ tự đầu tư để phát trên YouTube. Họ không ngại những nội dung giáo điều, vì sẽ được thể hiện dưới góc nhìn hài hước, nhẹ nhàng hơn.
Sau phim hoạt hình, Điền Quân hiện có một số dự án nội dung dành cho thiếu nhi nhưng chưa công bố cụ thể. Trong nỗ lực chung đó, Cục Điện ảnh cũng tổ chức cuộc thi Sáng tác kịch bản phim tài liệu và kịch bản phim hoạt hình năm 2021 để tìm nguồn kịch bản sản xuất phim hoạt hình.
Gần đây, chương trình Trạng nguyên nhí (VTV3) được chú ý, giúp các bé vừa chơi vừa học, tái hiện việc thi cử ngày xưa. Đạo diễn Lại Bắc Hải Đăng chia sẻ đây là sân chơi đúng nghĩa cho các bé thể hiện tài năng, suy nghĩ, kết nối thầy cô, phụ huynh, mong rằng sẽ phát triển thương hiệu này đến trẻ em ở các tỉnh trong thời gian tới.
VTV3 sẽ tập trung phát triển nhiều hơn những chương trình hỗ trợ sự phát triển của trẻ. Trong đó, tinh thần đáng yêu, những chia sẻ chân thật, tạo cơ hội thể hiện chỉ số IQ và EQ (thông minh và cảm xúc) là điều họ hướng tới và kỳ vọng đạt được.
VTVGo tổ chức tuần lễ phim hoạt hình từ 1-10/6, chiếu khoảng 50 phim, gồm nhiều thể loại như: cổ tích, lịch sử, dã sử…
Một số chương trình truyền hình phụ huynh giúp con vừa chơi vừa học có thể tham khảo như: Siêu tài năng nhí, Siêu nhí đấu trí (HTV7).
Kênh YouTube Đồng ấu Bạch Long hiện có chương trình Thằng bờm kể chuyện xưa bao gồm nhiều tập.
|
Nếu xây dựng các chương trình theo hướng chính quy hơn, theo nghệ sĩ Quang Thảo, chắc chắn nhà sản xuất, nhà đầu tư khó thể thu lời hoặc tìm được một lượng khán giả lớn ngay từ đầu. Vì thế, điều cần trước tiên là sự đầu tư với tâm thế vì trẻ em thật sự, kế đến là sự hỗ trợ nhất định từ Nhà nước về mặt chính sách lẫn tài chính. Quang Thảo mong các đài truyền hình sẽ lưu tâm, dành nhiều khung giờ phát sóng hơn cho chương trình thiếu nhi.
“Format thực ra chỉ là một bộ trang phục, sẽ thay đổi, rồi có vòng lặp lại, nâng cấp. Nhưng có hai thứ không thể bỏ qua: mục đích sử dụng, tính thẩm mỹ. Gameshow, phim ảnh, kịch, ca nhạc hay phim hoạt hình… các nhà sản xuất sẽ dựa trên tính thời điểm, còn nội dung phù hợp, tiến bộ, ý nghĩa mới cần phải bàn đến”, đạo diễn Lại Bắc Hải Đăng chia sẻ.
Trung Sơn