Chương trình GDPT 2018 bậc THPT: Vẫn… “đi trong sương mù”

18/04/2023 - 12:41

PNO - Ngay cả khi Bộ GD-ĐT ban hành dự thảo thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, giáo viên, nhà trường vẫn “đi trong sương mù” khi triển khai Chương trình GDPT 2018.

Vẫn… “đi trong sương mù” là lời ví von được cô Nguyễn Hoàng Thanh Tâm- Phó hiệu trưởng Trường THPT Phú Nhuận (quận Phú Nhuận) chia sẻ về thực tế triển khai Chương trình GDPT 2018 tại trường, dù chương trình hiện đã chạy được 1/3 chặng đường ở bậc THPT. 

Đầu ra Chương trình GDPT 2018 bậc THPT chưa rõ ràng khiến cả thầy và trò vẫn như đi trong sương mù
Đầu ra Chương trình GDPT 2018 bậc THPT chưa rõ ràng khiến cả thầy và trò vẫn như "đi trong sương mù"

Theo cô, khi định hướng đầu ra của chương trình chưa rõ ràng, cụ thể thì cả cô và trò đều mơ hồ. Điều này cũng gây khó khăn cho giáo viên khi dạy học, kiểm tra, đánh giá, thậm chí là tư vấn cho phụ huynh học sinh trong môn học lựa chọn.

“Học sinh, giáo viên cần phải có một cái “đích” để có thể mạnh dạn tổ chức, triển khai sâu vào các hoạt động dạy và học cũng như định hướng hướng nghiệp cho học sinh học Chương trình GDPT 2018 một cách hợp lý nhất. Thời điểm này, thầy cô chưa dám tư vấn gì cho học sinh, phụ huynh về tuyển sinh đại học, ngay cả khi phụ huynh nêu thắc mắc. Chỉ động viên các em cố gắng học theo nhóm môn học lựa chọn mà mình đã chọn…” - cô Tâm bày tỏ.

Phó hiệu trưởng này nói thêm về lo lắng cho những học sinh chọn các môn học lựa chọn về nghệ thuật như âm nhạc, mỹ thuật để định hướng nghề nghiệp song trong dự thảo kỳ thi tốt nghiệp THPT lại hoàn toàn “vắng bóng” hai môn này. “Như vậy thì khá thiệt thòi cho học sinh” - cô nói. 

Một giáo viên tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong cũng chia sẻ, việc chưa rõ ràng về đầu ra của Chương trình GDPT 2018 ở bậc THPT khiến ngay cả học sinh chuyên cũng lo lắng, thậm chí nhiều em và gia đình vẫn “cuống” lên đi học thêm.

Giáo viên này phân tích: Học sinh trường chuyên có định hướng rõ ràng về mục tiêu nghề nghiệp, hướng đi vào các trường đại học, ngành học từ rất sớm. Đa phần từ khi học lớp 10 các em đã xác định rõ mục tiêu này và lập kế hoạch để học tập. Do vậy, dù Chương trình GDPT 2018 ở bậc THPT được đánh giá là nhẹ nhàng, giảm tải áp lực hơn cho các em nhưng cũng chính vì vậy mà khi chương trình chưa có định hướng đầu ra rõ ràng khiến nhiều em không biết phải học thế nào để đáp ứng được trong kỳ tuyển sinh vào đại học năm 2025.

“Rất nhiều em lựa chọn đi học thêm để cảm thấy an tâm hơn, sau này khi định hướng đầu ra của chương trình có thế nào các em cũng có thể chủ động được”- giáo viên này cho hay. 

Đến thời điểm này, dù đã công bố phương án tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2023-2024 song hiệu trưởng một trường THPT tại quận Gò Vấp thừa nhận, nhà trường hiện vẫn “lần mò” xây dựng nhóm môn học lựa chọn theo đặc thù đội ngũ giáo viên và dựa vào các khối, ban truyền thống là khoa học tự nhiên, khoa học xã hội…

Nếu không đổi mới cách ra đề thi thì có thể đổi mới sẽ chỉ là bình mới rượu cũ
Nếu không đổi mới cách ra đề thi thì có thể đổi mới sẽ chỉ là "bình mới rượu cũ"

“Nhà trường rất muốn để học sinh thoải mái, tự do chọn môn học ở cả 4 môn học lựa chọn song trước hết trường gặp khó khăn về đội ngũ, đặc biệt là rào cản về đích đến của chương trình chưa được rõ ràng. Hiện nay, trường vẫn xây dựng nhóm môn học lựa chọn dựa trên quan niệm về các ban, khối thi truyền thống là khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, theo hướng mà nhà trường đánh giá là có lợi nhất cho học sinh. Và sau này khi tư vấn nhóm môn học lựa chọn cho phụ huynh học sinh đầu cấp, nhà trường cũng chỉ tư vấn theo các ban, khối thi truyền thống… ”- hiệu trưởng này băn khoăn. 

Lo “bình mới, rượu cũ”

Nhìn từ dự thảo thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 ở môn lịch sử, thầy Hoàng Ngọc Lữ- giáo viên Lịch sử, Trường THPT Đào Sơn Tây (TP Thủ Đức) nhấn mạnh, nếu hình thức thi trắc nghiệm khách quan tiếp tục được áp dụng trong môn lịch sử ở kỳ thi từ năm 2025 thì chẳng khác nào “bình mới, rượu cũ”. 

Cụ thể, việc một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa, nếu đề thi ra theo hướng trắc nghiệm thì làm thế nào để khách quan nhất là điều rất khó. Đặc biệt, với đề trắc nghiệm thì việc đánh giá khả năng tư duy của học sinh sẽ như thế nào để không chỉ là kiểm tra kiến thức đơn thuần. 

“Nếu không đổi mới cách thức ra đề thi thì việc đổi mới dạy học ở môn học sẽ không còn ý nghĩa. Giáo viên chắc chắn sẽ lại quay về cách dạy truyền thống cũ là dạy cho học sinh ghi nhớ kiến thức, số liệu để giúp các em làm được bài thi”- thầy Lữ chỉ rõ. 

Quốc Trung 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI