Trên Báo Phụ Nữ (ra ngày 9/8/2017) có đăng bài Chương trình chất lượng cao gây bất công với sĩ tử nghèo. Sau bài báo, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục đại học (ĐH) đã đồng tình chỉ ra: chất lượng cao (CLC) thực chất chỉ là cách làm cho người ta quen với học phí cao!
|
Sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM trong một giờ thực hành |
Chất lượng cao nhưng “chuẩn đầu ra” thì… đại trà!
Nhiều nhà giáo cho rằng, chương trình CLC trong các trường ĐH công đã gây ra nhiều mâu thuẫn. Có hai hệ, nếu một hệ là CLC thì hệ còn lại (hệ đại trà) sẽ là “chất lượng không cao”(!?). Nếu sự thật như vậy thì thật là tai hại.
Nhưng hãy xem CLC là cao ở chỗ nào, cao như thế nào?
Tại Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐHQG TPHCM), SV theo học chương trình CLC được hưởng các lợi thế so với SV chương trình đại trà như: môi trường học tập thoải mái, lớp học chỉ khoảng 30- 40 SV và được tương tác nhiều hơn với giảng viên; SV được kiến tập, thực tập ngay từ năm nhất tại các doanh nghiệp uy tín trong và ngoài nước. Một số chương trình CLC còn phối hợp với các hiệp hội ngành nghề nên tích hợp được các chứng chỉ trong nước và quốc tế về tài chính, kinh doanh…
Trong các cuộc tư vấn tuyển sinh, một thành viên Ban giám hiệu Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM khẳng định chương trình CLC với những ưu thế như được đầu tư thầy giỏi nhất, trang thiết bị thực hành tốt nhất, ứng dụng phương pháp giảng dạy mới nhất, thuê thầy Anh thầy Mỹ về kèm tiếng Anh, chương trình giảng dạy được nhập khẩu từ Mỹ…
Nhưng về chất lượng đầu ra thì vị này lấp lửng: dù điểm đầu vào chương trình CLC có thấp hơn nhưng trường vẫn cam đoan SV ra trường chất lượng chỉ có ngang bằng hoặc cao hơn hệ đại trà.
Nhưng tất cả những cam kết đều là... định tính. Chúng tôi thử vào trang web của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật để tìm hiểu về sự khác biệt về chất lượng giữa chương trình đại trà và CLC thì không thấy có sự khác biệt nào. Về chất lượng đầu ra, trường này chỉ công bố chung chung các tiêu chí về kiến thức, kỹ năng và phẩm chất.
Trên các trang web của nhiều trường ĐH khác, những cam kết được công bố cũng tương tự. Hiệu trưởng một trường ĐH đặt vấn đề: bảo là CLC nhưng chuẩn đầu ra y chang đại trà thì CLC chỗ nào?
Biến tướng so với ban đầu
Về nguồn thu, một chuyên gia tính toán: theo quy định của Nhà nước, học phí năm 2017-2018 tại các trường ĐH công lập sẽ dao động khoảng 7,5-10 triệu đồng/ SV/ năm tùy nhóm ngành đào tạo. Nhưng nếu mỗi năm tuyển 1.000 SV CLC, thì trường sẽ thường xuyên có 4.000 SV theo học hệ này và sẽ thu được 120 tỷ đồng/năm từ học phí (trung bình 30 triệu đồng/SV/ năm), tức bằng nguồn thu học phí của khoảng 15.000SV hệ đại trà (trung bình khoảng 8 triệu đồng/năm).
Nhưng trên thực tế, học phí hệ CLC ở một số trường lên đến 60-74 triệu đồng/năm, gấp 8-9 lần học phí bình thường.
Có người nhận xét, cùng một trường công lập nhưng có đến hai chương trình đào tạo với hai mức học phí khác nhau thì chẳng khác nào sử dụng cơ sở công để làm dịch vụ tư. Nếu có thể đầu tư tốt, sao không dành cho tất cả SV cùng được thụ hưởng?
Một chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục ĐH thẳng thắn: “Ban đầu, SV chương trình CLC trước tiên phải là những SV đậu ĐH chính quy, có điều kiện và có nguyện vọng sang học CLC, nên số lượng không nhiều. Nhưng với những gì đang diễn ra (tỉ lệ tuyển SV CLC ngày càng nhiều, có trường chiếm đến 50- 60%; điểm chuẩn thấp hơn 3-6 điểm so với hệ đại trà), rõ ràng chương trình CLC đã bị biến tướng, không thực sự nhắm vào chất lượng, mà chỉ nhắm vào tăng học phí, và bản chất của nó là làm cho mọi người quen với mức học phí cao hơn".
Về mặt tâm lý, sự chênh lệch về học phí giữa hai chương trình còn khiến người học trở nên hoang mang: sao chương trình kia học phí cao như thế mà chương trình này lại quá thấp, để rồi tự trấn an rằng: chắc tiền nào của đó, học phí thấp thì chất lượng chắc cũng tệ và cố đu đeo chương trình CLC để an tâm.
Với cách mà các trường ĐH công đang làm, người ta có thể đoán được chương trình đại trà sẽ “teo” dần và tàn lụi, hoặc nếu còn tồn tại thì sẽ xảy ra tình trạng phân biệt đối xử khi dạy chương trình CLC thì được trả lương cao, được dạy trong những căn phòng đẹp đẽ, mát mẻ... tức là tạo sự phân hóa giàu nghèo ngay trong cùng một môi trường giáo dục.
Quan trọng hơn, các trường công, dù có tự chủ hay không tự chủ về tài chính, thì vẫn sử dụng nguồn lực của Nhà nước rất nhiều, nên mục đích tồn tại vẫn phải là phục vụ công ích. Học cùng một trường, cùng một chương trình đào tạo, cùng đội ngũ thầy cô, thì chất lượng không thể khác nhau trời - vực. Nếu có khác thì cũng chỉ là sự khác biệt hời hợt ở hình thức. Vì thế, không nhất thiết phải có hệ CLC trong trường công lập.
Chuẩn đầu vào và sự thụ hưởng trong đào tạo phải công bằng
SV được tuyển vào với điểm chuẩn thấp hơn (dù phải trả học phí cao) nhưng lại được đáp ứng tốt hơn so với SV giỏi (không có điều kiện trả học phí cao) là hết sức bất công và tạo nên sự mâu thuẫn ngay trong trường công lập.
Nên nhớ, cơ sở vật chất của Nhà nước là dành chung cho tất cả SV chứ không phải ưu tiên cho những SV có điều kiện, cho nên các trường khi chạy theo CLC là chạy theo doanh thu, dùng uy tín của ĐH nhà nước để tuyển những em lẽ ra không đủ điểm vào học, gây bất công cho những em đáng được vào học mà lại không được.
Việc đẻ ra hệ CLC theo tôi là hình thức “trường tư trong trường công” và Bộ GD-ĐT không nên cho phép. Để nâng cao chất lượng đào tạo ĐH thì nên tăng học phí đi kèm với các chế độ hỗ trợ SV nghèo vay vốn, sau này các em trả nợ dần. Còn lại về mặt học thuật, chuẩn đầu vào và sự thụ hưởng trong đào tạo đều phải công bằng như nhau.
PGS-TS Nguyễn Thiện Tống (ĐH Bách khoa TPHCM)
|
Tiêu Hà