Từ nhỏ, ông trời đã “ban” cho họ một cơ thể không trọn vẹn. Người thì bị bại liệt, người thì mù, người chỉ cao 1m2… Nhưng nghịch cảnh không khuất phục được họ. Mỗi ngày là một ngày vật lộn, đấu tranh để sống sót, bảo toàn sinh mệnh quý giá của mình. Vượt lên tất cả, tình yêu thương của những con người cùng khổ dành cho nhau đã giúp họ chiến thắng. Ngày 17/10 này, lần đầu tiên, trong trang phục cô dâu - chú rể, họ sẽ bước vào giấc mơ có thật mà cả đời có lẽ chưa từng dám nghĩ đến.
|
Bài 1: Trên chiếc xe lắc, đi qua “ổ gà” thân phận
Khi chưa có xe lắc, anh và chị bặm chặt 10 ngón tay trên mặt đất để di chuyển, trong cuộc sinh tồn. Rồi chiếc xe trở thành phương tiện đi lại, đưa đón người yêu, vượt qua quãng đường cát trồi sụt lúc ngả lúc nghiêng trong suốt 8 tháng trời. Trước khi gặp anh chị, chúng tôi chưa từng nghĩ, chiếc xe lắc được thiết kế riêng cho người khuyết tật lại ám ảnh mình đến thế.
|
Huy chương thi bơi lội của vợ chồng anh Thanh - chị Phượng. |
Gặp nhau tại Trung tâm Dạy nghề cho người khuyết tật tỉnh Cần Thơ hơn 10 năm trước, giữa rất nhiều người, anh Nguyễn Duy Thanh (sinh năm 1980) “nhìn trúng” chị Lê Thị Trúc Phượng (sinh năm 1985). Cả hai đều quê ở Hậu Giang, đều bị khuyết tật vận động từ nhỏ, cùng chung hoàn cảnh nên dễ đồng cảm, dần dần thương nhau. Tuy nhiên, khi anh Thanh dẫn chị Phượng về ra mắt, gia đình anh quyết ngăn cản, dọa từ mặt nếu anh không bỏ người yêu. Lý do: “Ốc không mang nổi mình ốc, lại mang cọc cho rêu”. Bất chấp sự cấm đoán của gia đình, bất chấp cả đám mây đen bủa vây số phận, đứa con trai tên Minh Hiếu của anh chị chào đời lành lặn, khỏe mạnh trong nỗi hoang mang lẫn hạnh phúc của hai con người lần đầu làm cha làm mẹ.
Ở với nhau hơn 10 năm, nay con trai đã học tới lớp Năm, nhưng ngày 17/ 10 này, anh chị mới được khoác lên mình bộ đồ cưới. Trong lúc ngồi kể về đoạn đường dài đã qua, thỉnh thoảng, những giọt nước mắt đã rơi vì không kìm được cơn xúc động. Chị nói, chị muốn mặc váy cưới màu trắng, như bắt đầu một cuộc đời mới. Chị thích anh mặc vest đen, hai màu đối ngược nhau, trắng đen rõ rệt, không phải là một thứ hạnh phúc mờ mờ, ảo ảo.
“Gặp con lần đầu trước thôi nôi nó một ngày”
“Khi anh đưa tôi về giới thiệu với gia đình, tôi cứ ngỡ mình đã là vợ anh rồi, nhưng nhà anh không chịu. Lúc đó, tôi mặc cảm đủ đường. Mình số phận như vậy, lại không giữ gìn cuộc đời mình. Gần như trầm cảm, tôi nhốt mình trong phòng trọ, không tiếp xúc với ai. Sau đó nghĩ, có những người còn khổ hơn mình, cực hơn mình, nhưng người ta vẫn sống. Tại sao mình không làm được?” - chị Phượng kể.
|
Anh Thanh cưa lọng mỹ nghệ cho khách. |
Thời gian chị Phượng mang thai cũng là lúc họ bị chia cắt. Gia đình tìm đến, đưa anh Thanh về quê “giam lỏng”, bắt anh lấy một người khác. Sắp sinh, chị ôm bụng về nhà, để mẹ chăm sóc. Ngày chị ốm nghén, trở dạ, mặt mũi con ra sao, con lớn như thế nào, anh đều không biết. Cho tới trước thôi nôi con một ngày, mẹ chị ôm con tới gần nhà anh, rồi gọi điện cho anh ra để xem mặt con. Đó là lần đầu anh gặp con trai. Tự nhủ không thể sống như thế, anh hết lần này tới lần khác nói dối cha, trốn nhà lên Cần Thơ kiếm việc, để mong gặp lại vợ con.
Anh nhớ thời đó, anh chị liên lạc với nhau chủ yếu qua điện thoại bàn. Cốc cà phê loại sang lúc đó giá 3.000 đồng mà một cuộc điện thoại đã tốn 2.000 đồng. Tiền cước đắt đỏ, lúc gọi được lúc không, nửa tháng mới nói được dăm câu với nhau. Hỏi anh nói gì với chị qua điện thoại, anh cười tít mắt, gãi đầu, thực thà: “thì nói thương, nói nhớ”, “nói ngày mai mà em không ôm con lên đây, mình sẽ chia tay”. Thế mà hôm sau, chị ôm con lên gặp anh thật. Ở Cần Thơ một thời gian, anh chị chuyển về quê chị sống. Hiện gia đình anh chị ở tạm nhà của chị gái chị Phượng tại phường Thuận An, thị xã Long Mỹ.
|
Con trai khôi ngô, ngoan ngoãn là niềm hy vọng tiếp thêm nghị lực cho anh Thanh - Chị Phượng. |
Câu chuyện xen chút tếu táo, hài hước lẫn khóe mắt cay đỏ của cả vợ lẫn chồng. “Nhiều lúc nghĩ, tại sao số phận mình lại như vậy? Nhưng nếu ôm lấy số phận đó nghĩ hoài, rồi vợ con mình sẽ ra sao. Nghĩ vậy rồi thôi, không nghĩ nữa. Có những lúc, số phận sẽ đặt mình vào hoàn cảnh không còn thời gian mà nghĩ ngợi”. Anh nói, thế mà hơn 10 năm ròng cũng đã qua. Nghĩ dài sẽ là dài nhưng nghĩ ngắn cũng ngắn.
Vài năm gần đây, gia đình anh mới tạm chấp nhận quan hệ của hai người. Khi con trai 3 tuổi, anh chị mới dẫn cháu ra mắt ông bà. Bữa cơm đoàn viên, cha mẹ chồng “đãi” chị món vịt nấu chao. Chị nói, lúc đó chị như nằm mơ, bởi chưa bao giờ dám nghĩ tới điều đó. Mặc cảm bị từ chối thuở nào vẫn còn ám ảnh chị suốt nhiều năm.
Tình yêu nối dài sự sống
Anh chị đã đi qua những tháng năm dài đó ra sao? Bằng cách nào mà dù teo tóp đôi chân, họ vẫn đến được với nhau, bảo vệ hạnh phúc của mình? Anh Thanh nói: “Có lẽ tình yêu đã giúp chúng tôi vượt qua nghịch cảnh”.
|
Anh chị có số với nhau, nợ nhau, yêu nhau, bù đắp cho nhau phần thua thiệt của cuộc đời. |
Lúc mới yêu, anh chị ở hai khu nam - nữ tách biệt của Trung tâm Dạy nghề cho người khuyết tật tỉnh Cần Thơ. Hằng ngày, anh ngồi xe lắc, băng qua đoạn đường 3,5km mà có tới 1km cát lún để đón chị đi học. Trên chiếc xe lắc ấy, họ đi qua những đoạn đường ổ gà, cát lún, bánh xe nghiêng ngả, người có lúc như sắp rơi. Suốt 8 tháng trời, cho tới khi kết thúc khóa học. Họ về ở với nhau trong căn nhà trọ rộng 12m2, giá thuê 300.000 đồng/tháng, chỉ có vài cái chén ăn cơm và một mảnh chiếu để ngủ. Dù phải vật lộn mưu sinh - bán vé số mỗi ngày, tình yêu giữa hai con người khuyết tật vẫn không vơi đi. Khi có con, tình yêu ấy phát triển lên một nấc thang mới, thành tình thương, thành nghĩa vợ chồng; vượt qua bao cấm đoán, bất hạnh để giữ gìn hạnh phúc đơn sơ.
Hiện tại, anh Thanh làm nghề lộng chữ/hình nghệ thuật, bôn ba hết hội chợ này tới hội chợ khác khắp miền Tây và xa nhất là đến Đắk Nông. Anh nói, anh vẫn mong có cơ hội được ra Hà Nội, để xem ngoài đó thị trường rộng lớn thế nào. Mỗi lần hội chợ, anh xa nhà cả tuần liền; số tiền kiếm được cũng bấp bênh, không nhiều nhưng vẫn hơn ở nhà - không bán được hàng. Đi thì mới có tiền nuôi vợ con. Để rồi vui nhất là khi xong việc, về nhà thấy vợ khỏe mạnh, con lớn lên mỗi ngày, không ai chia cắt ba người. Bữa cơm thường ngày của cả gia đình anh chỉ từ 20.000-30.000 đồng, thường có cá kho và canh chua. Ngày nào có tiền, chị sẽ “đãi” con trai thịt chiên - món ăn sang nhất cả nhà được ăn.
|
Con trai sớm biết phụ ba mẹ việc nhà. |
Có một điều khá bất ngờ, dù cả hai vợ chồng đều hạn chế về vận động, họ tham gia các câu lạc bộ bơi lội dành cho người khuyết tật ở thành phố Cần Thơ, dự Para Games quốc gia và mang về nhiều huy chương. Khoe thành tích của cha mẹ, cậu con trai chạy ù vào nhà, mang ra hàng chục huy chương, vàng bạc đủ cả. Với người bình thường, mỗi chiếc huy chương là niềm hãnh diện, tự hào; nhưng với anh Thanh, chị Phượng, ngoài ý chí, nghị lực, sự tự hào, những chiếc huy chương tượng trưng cho “những ngày không phải lo cơm áo”; bởi mỗi kỳ thi đấu, kéo dài từ 30-45 ngày, suốt thời gian đó, cái ăn cái mặc đều được ban tổ chức lo hết. “Anh không phải bán mặt cho đường, chị không phải lo chạy gạo từng bữa”. Nghe chị tâm sự mà ứa nước mắt.
“Có phải duyên nhau thì thắm lại”. Chị cười, anh chị có số với nhau, nợ nhau, yêu nhau, bù đắp cho nhau phần thua thiệt của cuộc đời. Hạnh phúc, với họ, không phải là những thứ xa vời, mà chỉ đơn giản là có nhau mỗi ngày.
Đậu Dung - Thảo Vân
Chương trình “Cau quyện trầu xanh” là lễ cưới tập thể dành cho 41 cặp đôi khuyết tật, do Báo Phụ Nữ TP.HCM và NSND Kim Cương phối hợp tổ chức, sẽ diễn ra lúc 18g, ngày 17/10, tại Trung tâm Hội nghị tiệc cưới Long Biên Palace (số 6 Tân Sơn, P.12, Q.Gò Vấp, TP.HCM). Ngoài những phần quà do ban tổ chức chuẩn bị, toàn bộ tiền mừng của khách mời đến dự đám cưới sẽ được công bố ngay tại tiệc cưới và chia đều cho các đôi. Báo Phụ nữ TP.HCM dành 40 vị trí cho 40 khách mời là các cá nhân, doanh nghiệp có nhã ý hỗ trợ cho các đôi uyên ương trong ngày trọng đại của họ.
Chi tiết liên hệ số điện thoại: (028) 39316160; (028) 39316854; (028) 39316629, gặp cô Bạch Sương.
|