Chương trình bình ổn thị trường giúp CPI của TPHCM luôn thấp hơn cả nước

29/12/2022 - 13:54

PNO - Tại Hội nghị tổng kết 20 năm năm thực hiện chương trình Bình ổn thị trường (BOTT) trên địa bàn TPHCM sáng 29/12, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đánh giá, 20 năm qua chương trình bình ổn thị trường góp phần vào giúp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của thành phố ổn định và luôn thấp hơn mức bình quân cả nước.

Thứ trưởng Bộ Công Thương và Lãnh đạo TPHCM trao tặng bằng khen cho những doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường đạt kết quả tốt
Thứ trưởng Bộ Công thương và lãnh đạo TPHCM trao tặng bằng khen cho các doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong tham gia chương trình bình ổn thị trường của TP - Ảnh: Nguyễn Cẩm

Theo lãnh đạo TPHCM, chương trình BOTT tạo kênh mua sắm hàng hóa thiết yếu cho người dân với giá cả ổn định. Trong thời điểm TP bị ảnh hưởng bởi COVID-19, chương trình được điều chỉnh linh hoạt giúp duy trì các kênh phân phối hàng hóa đến người dân. Mạng lưới liên kết giữa TPHCM với các tỉnh, thành trên cả nước đã tạo được vùng nguyên liệu ổn định từ sản xuất đến lưu thông hàng hóa, hình thành chuỗi cung ứng hàng hóa bền vững đáp ứng kịp thời nhu cầu của người tiêu dùng.

Bà Phan Thị Thắng - Thứ trưởng Bộ Công thương - đánh giá chương trình BOTT của TPHCM đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ổn định giá cả hàng hóa nhờ triển khai hiệu quả, đồng bộ các nhóm giải pháp, đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa, xử lý, ngăn chặn kịp thời các hiện tượng khan hàng, sốt giá. Tuy nhiên, vẫn còn một số khu vực chưa đáp ứng yêu cầu mua sắm của người dân, đặc biệt tại các quận ven, các huyện ngoại thành, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu lưu trú công nhân, khu dân cư tập trung đông người lao động thu nhập thấp.

Bà Phan Thị Thắng cho rằng, để khắc phục, các sở, ngành chức năng cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội doanh nghiệp, Hiệp hội ngành nghề, Hội hàng Việt Nam chất lượng cao tăng cường hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”. Có thể thông qua việc phối phợp tổ chức phiên chợ hàng Việt, đưa hàng Việt về nông thôn, kết nối hàng hóa vào chợ truyền thống, gắn kết các hoạt động của chương trình bình ổn với các chương trình Tuần hàng Việt, Tháng hàng Việt của địa phương...

“Nhiệm vụ trọng tâm tiếp theo của chương trình BOTT là phát triển hệ thống phân phối, phủ rộng mạng lưới điểm bán hàng, gia tăng hiệu quả lưu thông hàng hóa, giảm tối đa chi phí trung gian từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng. Đồng thời, thực hiện cơ cấu lại lĩnh vực thương mại trong nước theo hướng đổi mới sáng tạo và số hóa, công nghệ hóa phương thức kinh doanh; tăng cường kết nối, tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, các hệ sinh thái toàn cầu và khu vực” - Thứ trưởng Bộ Công thương nói.

Hiện, trên địa bàn TP có 10.983 điểm bán hàng BOTT. Ngày càng có nhiều nhóm hàng tham gia bình ổn thị trường, người dân có cơ hội mua sản phẩm có giá thấp hơn 5% - 10% so với sản phẩm cùng chủng loại trên thị trường
Tại TPHCM hiện có 10.983 điểm bán hàng BOTT, giá các mặt hàng thấp hơn 5-10% sản phẩm cùng loại trên thị trường. Ngày càng có nhiều nhóm hàng tham gia chương trình - Ảnh: Nguyễn Cẩm

Ông Phan Văn Mãi đề nghị Sở Công thương và các sở, ban, ngành TP tiếp tục nghiên cứu, tham mưu UBND TP các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp BOTT trên tinh thần tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động và phát triển. Đồng thời, phát huy tính chủ động, sáng tạo của doanh nghiệp cũng như tạo động lực cho doanh nghiệp đồng hành cùng TP thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội.

“TP khuyến khích DN làm kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh và bắt kịp các xu hướng công nghệ, thương mại điện tử. Ngoài ra, ứng dụng chuyển đổi số, xây dựng văn hóa doanh nghiệp làm sao đảm bảo phát triển bền vững, đồng thời cập nhật các tiêu chí của thế giới để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu” - lãnh đạo TP nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Anh Đức - Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TPHCM (Saigon Co.op) - kiến nghị TP nên xác định rõ các mặt hàng bình ổn phù hợp với những thay đổi trong thời kỳ mới. Phát triển kênh bình ổn trực tuyến bên cạnh kênh trực tiếp và tăng cường kiểm soát nguồn hàng trôi nổi trên thị trường, đảm bảo giám sát nghiêm vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Đặc biệt, cần huy động tổng thể các nguồn lực từ các thành phần khác nhau tham gia chương trình, tạo sức mạnh tổng hợp để phát huy tối đa hiệu quả của chương trình.

Nguyễn Cẩm

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI