|
Báo Phụ nữ TPHCM thực hiện chương trình “1.000 áo mới cho em” tại huyện Cần Giờ - Ảnh: Phùng Huy |
Thương con, thương cháu cút côi
Ngồi ở cửa hội trường, bà Linh đưa mắt nhìn theo đứa cháu nội trên sân khấu. Bà kể: “Hay tin được tặng quà, bà cháu tôi nôn nao mấy ngày qua. Từ sáng đến giờ, thằng Phúc (Phạm Hoàng Phúc - cháu bà Linh) nó không chịu ăn uống gì, chỉ hối tôi chở đến đây thật sớm”.
Bà Linh nhắc lại chuyện khi cháu Phúc được 3 tháng 4 ngày tuổi thì cha qua đời, mẹ bỏ đi biền biệt. Thương cháu nội bơ vơ, bà phải tần tảo đi làm thuê nuôi cháu. Vất vả 11 năm qua, nay Phúc chuẩn bị vào lớp Sáu. Bà Linh nay cũng đã 67 tuổi, trong người mang nhiều bệnh như gai xương sống, bao tử, tiểu đường, huyết áp... nên không còn đủ sức để lao động. Tiền thuốc, tiền ăn uống hằng ngày đều dựa vào người con trai 40 tuổi làm tài xế.
Bà Linh cảm ơn Báo Phụ nữ TPHCM cùng các đơn vị, cá nhân đã cùng mang đến cho cháu bà và nhiều học sinh khó khăn chiếc áo, cái cặp mới và niềm vui ngày hè. Với bà, món quà dù lớn hay nhỏ đều đáng quý, nhất là với những gia đình còn nhiều khó khăn.
Cùng chung cảnh mồ côi là em Quách Hữu Hiệp. Cha Hiệp qua đời khi em hơn 1 tuổi. Chị Sáu - mẹ của em - tần tảo làm thuê ban ngày, tối về bán thêm hột vịt lộn để nuôi 3 đứa con. Hiện nay, 2 con gái đã có chồng, ở riêng, nhưng cuộc sống mò cua bắt ốc cũng chẳng khấm khá. “Có bữa, vợ chồng con cái còn đùm túm nhau về nhà mẹ ăn nhờ bữa cơm. Trong nhà chỉ sợ hết gạo. Cứ có gạo, nấu cơm lên, mẹ con ăn với nước tương cũng xong bữa”.
Hiện nay chị Sáu vẫn bán hột vịt lộn, nhưng cũng ế ẩm, ngày luộc 20 trứng có khi bán không hết. Bởi thế, bộ đồng phục con được tặng rất ý nghĩa với chị. “Tôi sẽ bớt đi việc lo quần áo cho con khi năm học mới bắt đầu” - chị nói.
Ở một góc khác của hội trường, anh Lê Hoàng Hóa lấy chiếc áo đầm đồng phục mới ướm lên người con gái nhỏ Lê Thị Mỹ Duyên rồi tỉ mỉ xếp gọn mấy chiếc áo mới bỏ vào ba lô, gật đầu chào chúng tôi ra về. Vì không chịu được cực khổ nên vợ anh Hóa bỏ đi, để lại cho anh 2 con nhỏ. Từ 2 năm nay, mọi chuyện lớn nhỏ trong nhà đều do một mình anh lo liệu. Mỗi ngày, ngoài chuyện lo cơm nước, đưa đón con đi học, anh Hóa còn đi đặt lưới đánh cá. Được cá, anh mang ra chợ bán, kiếm tiền lo cho các con. Tối đến, anh nhắc nhở đứa lớn học bài, dạy đứa nhỏ tập đọc, làm toán. Con nghỉ hè, anh Hóa có thêm thời gian đi giăng lưới, kiếm tiền.
Áo mới cho em
Chương trình “1.000 áo mới cho em” của Báo Phụ nữ TPHCM vừa được thực hiện tại xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ vào ngày 24/6. 100 học sinh, phụ huynh tại điểm trường Bà Xán thuộc Trường tiểu học Bình Phước và Trường tiểu học Tam Thôn Hiệp ríu rít khoe nhau những món quà được tặng. Em Lương Gia Khang nói: “Áo trắng cũ của con bị rách rồi nên con thích mấy cái áo mới này”. Em Trần Quốc Thái: “Con thích cái ba lô, thích luôn cái áo đẹp, vì áo của con chật hết rồi”.
Bên trong hội trường, cô bé Nguyễn Triệu Ngọc Phụng ngồi ngay ngắn chờ đến lượt. Em chuẩn bị vào lớp Năm nhưng thân hình bé nhỏ do bị suy dinh dưỡng nặng. Phụng kể, ba mẹ đi làm, em ở nhà với chị gái. 2 chị em tự nấu cơm ăn và tự đi bộ đến trường. Nhận phần quà, Phụng kể với các cô chú trong đoàn: “Tất cả các bộ đồ đều phải sửa lại thì con mới mặc vừa. Hôm nay, mấy cô cho con thử rồi phát cho bộ đồ nhỏ nhất nên con mặc vừa y”.
Em Lê Ngọc Phương Vy - học sinh điểm trường Bà Xán - đại diện 100 em nhận quà, chia sẻ: “Chúng con là những học sinh nghèo vùng ven thành phố. Những chiếc áo mới, cặp mới của Báo Phụ nữ TPHCM và các nhà hảo tâm trao tặng là món quà và là nguồn động viên, động lực để chúng con phấn đấu học tốt để trở thành trò giỏi, con ngoan”.
Đây là năm thứ hai Báo Phụ nữ TPHCM thực hiện chương trình “1.000 áo mới cho em”. Đợt này, báo tặng 206 bộ đồng phục cho học sinh tại điểm trường Bà Xán thuộc Trường tiểu học Bình Phước và 100 phần quà gồm ba lô, sữa, bánh… cho học sinh điểm trường Bà Xán và Trường tiểu học Tam Thôn Hiệp; 200 áo mới cho học sinh các trường THCS - THPT trên địa bàn huyện Cần Giờ. Kinh phí thực hiện khoảng 200 triệu đồng do sự chung tay góp sức của tập thể cán bộ, phóng viên và các nhà hảo tâm.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Thúy - Chủ tịch Hội LHPN huyện Cần Giờ - cho biết: “Các em học sinh được chọn tham dự chương trình đều rất khó khăn, là đồng bào dân tộc, trẻ mồ côi, trẻ em hộ nghèo, cận nghèo. Chương trình không chỉ mang đến cho các em những chiếc áo mới mà còn giúp các gia đình đỡ phần nào gánh nặng trong những ngày đầu năm học mới”.
Trên địa bàn xã có khoảng 2.000/5.000 hộ dân thuộc diện nghèo, cận nghèo. Anh Võ Thanh Thảo - Phó chủ tịch UBND xã Bình Khánh - cho biết: “Địa phương có nhiều chương trình hỗ trợ vốn, đào tạo nghề, tặng phương tiện sinh kế… giúp người dân phát triển kinh tế. Đa phần, các hộ vay vốn chủ yếu dùng để mua bán nhỏ, chăn nuôi... UBND xã và các đoàn thể thường xuyên tiếp cận, nắm bắt hoàn cảnh từng gia đình, kịp thời có hướng giúp đỡ những trường hợp trẻ có nguy cơ nghỉ học, bỏ học. Nhờ vậy, dù còn khó khăn nhưng tỉ lệ trẻ bỏ học là rất thấp”.
Thiên Ân