Chuộng hàng nội địa Trung Quốc, dễ mua phải hàng dỏm

25/04/2023 - 05:58

PNO - Nhiều người tiêu dùng đang chuộng hàng nội địa Trung Quốc (hàng do Trung Quốc sản xuất và chỉ bán nội địa, không xuất khẩu) bởi họ cho rằng hàng có chất lượng khá tốt. Nắm được nhu cầu này, các đầu nậu đã trà trộn hàng kém chất lượng vào để thu lợi.

Hàng nội địa Trung Quốc giá 1.000 đồng

Ở Việt Nam, hàng nội địa Trung Quốc thường được rao bán trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội. Lẽ ra, chúng là hàng hiếm bởi được đưa về Việt Nam qua đường xách tay hoặc qua các đơn vị trung gian, tuy nhiên thực tế là chúng lại đang được chào bán nhan nhản với mức giá rẻ như cho. 

Chẳng hạn, sản phẩm xúc xích sụn viên non ăn liền có giá chỉ 1.000 đồng/gói 4 viên 4 vị; tăm que cay tẩm vị, chân gà cay, râu mực cay, cá cơm, bít tết, thanh cua… có giá từ 6.000-30.000 đồng/gói. Một loại sản phẩm có tên “thịt hổ cay nội địa Trung Quốc” dạng viên cũng được bán với giá 30.000 đồng/gói 285g. Giá nhiều loại bánh, kẹo được giới thiệu là “hàng nội địa Trung Quốc bán chạy nhất” cũng chỉ từ 2.000 đồng/sản phẩm. 

Ngoài đồ ăn, nhiều loại đồ gia dụng được rao là “nội địa Trung” cũng đa dạng và giá cũng cực rẻ. Chẳng hạn, đồ dùng trong nhà bếp, nhà tắm, phòng ăn, phòng ngủ, mỹ phẩm đều có giá từ 10.000 đồng/sản phẩm. Trên một số gian hàng, có những sản phẩm đã bán được hàng ngàn cái, được đánh dấu 4-5 sao, cho thấy bán chạy và được người mua đánh giá tốt. 

Các sản phẩm bánh kẹo, đồ ăn vặt được quảng cáo là hàng nội địa Trung Quốc, được rao bán phổ biến trên sàn thương mại điện tử, mạng xã hội
Các sản phẩm bánh kẹo, đồ ăn vặt được quảng cáo là hàng nội địa Trung Quốc, được rao bán phổ biến trên sàn thương mại điện tử, mạng xã hội

Người bán và người mua các sản phẩm “nội địa Trung” này còn lập các nhóm trên Facebook như “Săn hàng nội địa Trung giá tốt”, “Mua hộ hàng nội địa Trung”… với hàng trăm ngàn thành viên. Hình thức giao dịch chủ yếu là người bán chào mẫu sản phẩm có sẵn và sản phẩm được đặt hàng trước (order). Với hàng order, khách phải lấy số lượng nhiều và đặt cọc tiền. 

Chúng tôi liên hệ một đầu mối tên Hương chuyên bán “hàng xách tay nội địa Trung” ở quận 6, TPHCM. Người này nói: “Hàng về bao nhiêu, bán hết bấy nhiêu nên ít khi có hàng sẵn. Khách phải mua ít nhất mỗi loại 10 sản phẩm, đặt cọc 50% trị giá đơn hàng. Giá sản phẩm được báo đã bao gồm chi phí vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam”. 

Theo Công ty Giao nhận vận tải DaviTrans (tỉnh Bình Dương), ngày càng có nhiều người nhập hàng nội địa Trung Quốc về bán do chất lượng sản phẩm tốt hơn hàng Trung Quốc xuất khẩu, đa dạng mẫu mã, tiện dụng, đa năng, giá rẻ… Ngoài các trang thương mại điện tử trong nước, người tiêu dùng còn mua được hàng này trên các trang alibaba.com, taobao.com, 1688.com, tmall.com, aliexpress.com…

Tuy nhiên, có những trang (như Alibaba) chỉ bán sỉ chứ không bán lẻ, người mua khó tương tác được với người bán và thời gian nhận hàng khá lâu. Trên trang Taobao, khách được mua lẻ nhưng trên trang 1688.com thì phải mua vài chục sản phẩm trở lên mới được giá tốt và phải nhờ người mua hộ bởi trang này chỉ bán cho người dân nội địa Trung Quốc. Trang Tmall chuyên bán hàng hiệu nên giá đắt gấp 2-3 lần so với giá trên Taobao và 1688. 

Theo chia sẻ của một số cửa hàng (shop) chuyên “đánh” hàng nội địa Trung Quốc về bán, ngoài xách tay, họ còn đặt hàng thông qua các đơn vị mua hộ. Sau khoảng 10 ngày, hàng sẽ về. Cách để nhận biết đúng hàng nội địa Trung Quốc hay không là kiểm tra mã vạch.

Phần lớn là hàng lậu

Theo đại diện Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường, trước đây, trên thị trường, rộ lên hàng nội địa Nhật Bản, còn gần đây là hàng nội địa Trung Quốc. Pháp luật hiện hành không phân biệt hàng nội địa hay hàng xuất khẩu của quốc gia khác. Hàng nhập vào Việt Nam mà không có đầy đủ hóa đơn, chứng từ nhập khẩu được xem là hàng lậu và bị lực lượng quản lý thị trường xử lý. Đặc biệt, khi nhập về Việt Nam, hàng điện tử, điện máy nội địa Nhật Bản, Trung Quốc phải qua kiểm định hợp quy về sử dụng điện theo quy chuẩn Việt Nam. Nếu một quốc gia có chính sách riêng đối với hàng nội địa thì chắc chắn họ không cho xuất khẩu loại hàng đó. Ví dụ, có một sản phẩm sữa được ghi trên nhãn “không phân phối ở Mexico và Việt Nam”. Nếu loại sữa này được bán ở Việt Nam thì chắc chắn đó là hàng nhập lậu.

“Trung Quốc không cho xuất khẩu hàng nội địa. Cá nhân xách tay hàng này về dùng thì được nhưng nếu bán là vi phạm pháp luật. Hàng nhập chính ngạch phải có giấy tờ, nhãn phụ tiếng Việt. Qua kiểm tra một số gian hàng trên sàn thương mại điện tử, đa số chỉ lấy hàng về cho khách đã đặt mua trước nên quản lý thị trường không có tang vật, khó xử phạt. Khi mua hàng của nước ngoài nói chung và Trung Quốc nói riêng, người tiêu dùng cần lưu ý về nhãn phụ tiếng Việt, trong đó ghi thông tin về đơn vị nhập khẩu, phân phối, thành phần, chất lượng sản phẩm, ngày sản xuất, hạn dùng, cách dùng…” - đại diện Cục Nghiệp vụ cho hay.

Ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) - cảnh báo, thời gian qua, trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội thường xuyên rao bán các loại thực phẩm được quảng cáo là “hàng nội địa Trung Quốc” với nhiều chủng loại, bao bì đẹp nhưng không có thông tin địa chỉ, xuất xứ theo quy định, có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng. Tổng cục đã chỉ đạo các cục, đội quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát mặt hàng này. 

Đầu tư, nâng chất lượng hàng hóa trong nước

Nhiều người nhập hàng Trung Quốc giá rẻ về bán kiếm lời, đáp ứng nhu cầu của một bộ phận người tiêu dùng. Họ bán nhiều sản phẩm không đảm bảo chất lượng, gây ấn tượng không tốt về hàng Trung Quốc. Thực tế, hàng Trung Quốc có nhiều loại, nhiều sản phẩm có chất lượng tốt. Hàng nội địa Trung Quốc có chất lượng không tệ bởi thu nhập của người Trung Quốc cao và yêu cầu về chất lượng sản phẩm của họ cũng cao. 

Ở Việt Nam, cũng có một bộ phận người tiêu dùng có thu nhập khá, cao, muốn sử dụng sản phẩm có chất lượng tốt nhưng hàng Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu nên họ chọn mua hàng nhập, đặc biệt là hàng nội địa Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc. Đây là xu hướng tiêu dùng bình thường của thị trường nhưng cũng là dấu hiệu cho thấy các công ty sản xuất của Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.  

Doanh nghiệp Việt đang sản xuất những mặt hàng tương tự nên đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm để cạnh tranh với hàng nội địa của nước ngoài. Đồng thời, cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường kiểm soát hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng. 

Ông Hoàng Trọng - cố vấn cao cấp Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI