Chườm thảo dược giảm đau

09/07/2016 - 11:26

PNO - Chườm nóng là phương pháp đơn giản, dễ làm, có tính an toàn cao, hiệu quả nhanh chóng, giảm đau hiệu quả trong nhiều bệnh.

Chuom thao duoc giam dau
Ảnh mang tính minh họa: Internet

Chườm nóng là phương pháp chữa bệnh khá phổ biến trong dân gian (còn gọi là hơ háp, Đông y gọi là uất pháp hay ủy pháp). Phương pháp này có nhiều điểm tương đồng với phương pháp đốt cứu, tuy nhiên, cách dùng dược vật và phương pháp tiến hành có phần khác.

Đây là phương pháp đơn giản, dễ làm, có tính an toàn cao, hiệu quả nhanh chóng, giảm đau hiệu quả trong nhiều bệnh như:

Giảm bớt mệt mỏi cho mắt: Tăng tuần hoàn máu xung quanh vùng mắt, giảm nhức mỏi cho mắt, đồng thời có thể giảm nhẹ các chứng khô mắt.

Phòng chống ù tai, điếc tai: Cải thiện tuần hoàn máu vùng tai, phòng chống chứng tai điếc do thiếu máu gây ra.

Cải thiện hoa mắt, chóng mặt: Đặt túi chườm vào sau gáy để kích thích huyệt vị của não sau, có thể cải thiện một phần các triệu chứng hoa mắt, chóng mặt, còn có thể nâng cao khả năng phản ứng và tư duy.

Trị chứng cứng đơ ở cổ: Người bị chứng đơ cổ nhẹ có thể dùng túi chườm đắp vào chỗ cứng đơ đồng thời phối hợp với việc vận động vùng cổ. Đầu từ từ cúi về phía trước, nhẹ nhàng chuyển động theo hướng trước sau và trái phải.

Phòng trị bệnh cột sống: Các chứng bệnh cột sống trong giai đoạn đầu như cứng cổ, nhức mỏi hoặc sau khi bị nhiễm lạnh cảm thấy hơi đau nhức có thể dùng túi chườm nóng để cải thiện các triệu chứng trên, thúc đẩy máu lưu thông, giảm nhẹ chứng co rút cơ bắp, phòng chống bệnh cột sống.

Giảm đau lưng mạn tính: Khi đau lưng, dùng túi chườm nóng có thể giảm nhẹ triệu chứng đau. Tuy nhiên, nếu tình hình quá nghiêm trọng, nên đến ngay bệnh viện kiểm tra.

Giảm đau nhức vùng mông: Cơ bắp vùng mông cứng lại một nửa, nguyên nhân là do đau nhức vì không hoạt động, ngồi lâu hoặc đau căng da. Lúc này bạn có thể nằm sấp, dùng túi chườm vào chỗ đau giúp giảm nhẹ đau nhức.

Chữa đau bụng kinh hoặc đau bụng do bị lạnh: Phụ nữ bị đau bụng kinh hoặc đau bụng do bị lạnh có thể dùng túi chườm nóng lên bụng, có tác dụng hóa giải máu tụ, thông khí giảm đau.

Chấn thương do ngã: Khi vận động bị chấn thương không nên lập tức chườm túi nóng. Sau khi bị thương hai-ba ngày, nếu không bị chảy máu hoặc không sưng tấy, có thể chườm túi nóng để giảm đau nhức.

Sưng chai cứng do tiêm: Nhẹ nhàng đặt túi chườm vào vùng sưng và chai cứng do tiêm nhiều gây ra, mỗi lần 30 phút, vừa chườm vừa xoa bóp nhẹ giúp máu lưu thông ở vùng bị chai cứng và đẩy nhanh sự hấp thụ của thuốc.

BS Mã Hoàng Vinh (BV Y học cổ truyền TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI