Nội nằm võng, buông câu ca xưa, nào là: “Muối 3 năm muối hãy còn mặn/ Gừng 9 tháng gừng hãy còn cay/ Đôi ta nghĩa nặng tình đầy/ Có xa nhau đi nữa, cũng phải ba vạn sáu ngàn ngày mới xa” rồi thì: “Tay nâng chén muối dĩa gừng/ Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau”…
Chẳng hiểu sao trong những câu ca của nội, muối và gừng luôn song đôi. Còn nội tôi lại có một món ngon trứ danh mà trong đó là sự kết hợp giữa gừng với vị ngọt của đường và chuối chín cây. Món ăn gây nghiện ấy chính là món chuối ngào gừng, thường được bà làm trong những tháng cuối năm.
Cứ từ tháng Mười, tháng Mười một âm lịch trở đi, những buổi trưa sẽ thấy dáng nội ngồi trên chiếc chõng tre dưới bếp ép chuối. Những buồng chuối được ba tôi chặt ngoài vườn đem vô treo lủng lẳng ở chái bếp. Chuối chờ thật già mới chặt đem vô, nên bà tôi cứ chờ cho chuối chín từ từ chứ không đem dú khí đá như nhiều người vẫn làm để ép chuối chín đồng loạt.
Chuối chín trái nào, nội liền cắt xuống, lột vỏ, để trên tấm thớt to và bắt đầu ép thành từng tấm chuối mỏng. Nội nói món chuối ngào muốn ngọt ngon, không chát thì phải chọn chuối chín tự nhiên. Nếu như nhà cô Tư, cô Tám cùng xóm có cái khuôn ép chuối vòng tròn thì nội chẳng cần khuôn vẫn khéo léo ép được những miếng chuối tròn tròn, mỏng mỏng.
Được tấm chuối nào, nội lại trải lên tấm liếp đan từ những cọng nan tre, đem phơi dưới nắng. Miếng chuối vừa săn lại, hơi khô, bề mặt tươm chút mật là nội khéo léo gỡ đem cất. Dần dà như thế, đến tầm rằm tháng Chạp là nội đã có được mấy keo chuối ép ngon lành. Đó chính là nguyên liệu để nội làm món chuối ngào gừng.
Mấy hũ chuối khô của nội không được an toàn để chờ đến ngày ngào thành kẹo, bởi đám cháu của nội cứ rập rình chờ nội đi chợ là lại thò tay bốc trộm, véo vài miếng cho vô miệng nhai. Chuối khô dai dai, ngọt ngọt thật là tuyệt. Nếu không sợ nội bất ngờ trở về, có lẽ chúng tôi đã ăn sạch mà không kịp chờ món kẹo chuối.
Để làm món chuối ngào gừng dĩ nhiên sẽ cần có gừng. Nội chọn củ gừng ngon nhất - không quá non (sẽ không có vị cay đủ nồng) cũng không quá già (vì già quá sẽ bị xơ). Ngoài ra còn có mè, đậu phộng, đường mía. Củ gừng, sau khi gọt sạch vỏ, được nội xắt sợi mỏng vừa ăn. Xấp chuối khô cũng được lấy ra khỏi hũ, xắt thành từng sợi. Khi chảo đường mía trên bếp bắt đầu tan, nội đổ gừng vào sên.
Củi trong bếp được lấy bớt ra, ngọn lửa chỉ vừa liu riu đủ cho gừng thấm thật kỹ vào nước đường. Khi đường sánh lại, bắt đầu kéo chỉ cũng là lúc nội nhanh tay cho từng sợi chuối khô vào chảo. Công đoạn này quyết định thành bại của món ăn. Nếu nấu lâu quá, chuối sẽ nhão ra hết, còn nếu nhanh quá, chuối - gừng - đường sẽ không thể hòa quyện vào nhau.
Hỗn hợp chuối gừng khi đạt độ sánh vừa đủ, nội nhấc chảo, đổ chuối ra mâm rồi dàn thành miếng, rắc đậu phộng, mè trắng lên trên. Xong xuôi, nội phủ miếng lá chuối lên trên rồi bắt đầu ép mạnh.
Khi mâm chuối nguội, nội mở lớp lá chuối rồi lấy dao xắt chuối ngào thành từng miếng vừa ăn, đem gói vô miếng ni lông túm chặt 2 đầu. Miếng kẹo chuối ngào thơm phức ra đời. Đi học được giắt theo mấy cái kẹo chuối trong túi áo, chờ giờ ra chơi nhâm nhi là cái thú vui sướng nhất của tôi ngày nhỏ.
Kẹo chuối công nghiệp bây giờ có thêm cả dừa xắt sợi, miếng chuối vuông vắn, vỏ gói nhiều màu, nhưng sao tôi không thể tìm lại vị ngon của miếng chuối ngào gừng quá chừng thương nhớ từ tay nội làm ngày đó…
Thanh Trung