Chuỗi cung ứng toàn cầu gặp khó khi thảm họa thiên nhiên và biến thể Delta lan rộng

24/07/2021 - 06:47

PNO - Đợt bùng phát dịch mới do biến thể Delta thúc đẩy đang lây lan mạnh mẽ trên toàn thế giới, trong khi lũ lụt gây thiệt hại nghiêm trọng tại Trung Quốc và Đức.

Hàng loạt khó khăn

Theo các công ty và chuyên gia kinh tế, dịch COVID-19 và thảm họa thiên nhiên liên tiếp gần đây khiến chuỗi cung ứng toàn cầu rơi vào thế khó, đe dọa nguồn cung ứng nguyên liệu thô, phụ tùng và hàng tiêu dùng.

Biến thể Delta đã tàn phá nghiêm trọng nhiều quốc gia ở châu Á và khiến một số nước ngừng cho các tàu thuyền cập bến vì lo sợ lây nhiễm. Điều này dẫn đến việc các thuyền trưởng, thủy thủ và khoảng 100.000 thuyền viên bị mắc kẹt trên biển.

Chuỗi cung ứng toàn cầu đối mặt nhiều thách thức khi thảm họa thiên nhiên và biến thể Delta lan rộng
Chuỗi cung ứng toàn cầu đối mặt nhiều thách thức khi thảm họa thiên nhiên và biến thể Delta lan rộng

Guy Platten, Tổng thư ký Văn phòng Vận tải biển quốc tế (ICS) nói với Reuters: "Đây là thời điểm cực kỳ khó khăn đối với chuỗi cung ứng toàn cầu".

Vận tải bằng tàu biển chiếm tỉ trọng khoảng 90% lượng hàng hóa toàn cầu nên cuộc khủng hoảng thủy thủ đoàn đang làm gián đoạn nguồn cung ứng mọi thứ, từ dầu mỏ, quặng sắt đến thực phẩm và đồ điện tử.

Trong khi đó, lũ lụt chết người tấn công Trung Quốc và Đức, ảnh hưởng hàng ngàn tỷ USD liên quan đến các hoạt động kinh tế.

Trung Quốc cho biết lũ lụt đang hạn chế việc vận chuyển than từ các khu vực khai thác như Nội Mông và Sơn Tây đến các nhà máy điện cần nhiên liệu để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện cao điểm của người dân vào mùa hè.

Trong khi ở Đức, việc vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ đã chậm lại đáng kể. Theo dữ liệu từ FourKites, khối lượng các chuyến hàng đến muộn đã tăng 15% sau trận lũ lụt lịch sử.

Các ngành sản xuất quay cuồng

Nhiều doanh nghiệp sản xuất ô tô một lần nữa bị buộc phải ngừng hoạt động vì sự gián đoạn do dịch COVID-19 bùng phát. Toyota Motor Corp cho biết trong tuần này họ đã cho ngưng hoạt động các nhà máy ở Thái Lan và Nhật Bản vì không thể mua được phụ tùng.

Tương tự, Stellantis cũng ngưng sản xuất tại một nhà máy ở Anh vì lượng lớn công nhân phải cách ly để ngăn chặn sự lây lan của virus.

Nhiều tàu container bị mắc kẹt do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Nhiều tàu container bị mắc kẹt do ảnh hưởng của dịch COVID-19

Trước đó, ngành công nghiệp sản xuất ô tô cũng hứng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng thiếu chất bán dẫn trên toàn cầu, chủ yếu từ các nhà cung cấp châu Á. Đầu năm 2021, ngành công nghiệp này dự đoán cuộc khủng hoảng nguồn cung chip sẽ giảm bớt vào nửa cuối năm 2021 - nhưng giờ đây, một số giám đốc điều hành cấp cao cho biết nó sẽ tiếp tục đến năm 2022.

Giám đốc điều hành một công ty sản xuất phụ tùng ô tô Hàn Quốc, nơi cung cấp cho Ford, Chrysler và Rivian, cho biết chi phí nguyên liệu thô cho thép - nguyên liệu được sử dụng trong tất cả các sản phẩm của họ - đã tăng một phần do chi phí vận chuyển hàng hóa.

"Khi thép và giá vận chuyển tăng, chúng tôi sẽ tốn thêm khoảng 10% để sản xuất các sản phẩm của mình. Mặc dù chúng tôi đang cố gắng giữ chi phí của mình ở mức thấp, nhưng đó là một thách thức rất lớn. Không chỉ là chi phí nguyên vật liệu tăng mà giá vận chuyển container cũng tăng chóng mặt” - Giám đốc điều hành yêu cầu giấu tên nói với Reuters.

Các chuỗi cung ứng khó khăn cũng đang ảnh hưởng đến Hoa Kỳ và Trung Quốc, hai quốc gia chiếm hơn 40% sản lượng kinh tế thế giới. Điều này có thể dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu, cùng với việc tăng giá đối với tất cả các loại hàng hóa và nguyên liệu thô.

Minh Hương (theo Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI