Chủng virus SARS-CoV-2 ban đầu đã biến mất ở Mỹ, thay vào đó là các biến chủng mới

01/07/2021 - 09:43

PNO - Các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 đã thay thế gần như hoàn toàn chủng “lỗi thời” ban đầu: Biến chủng Alpha “lên ngôi” ở Mỹ từ tháng 4, nhưng biến chủng Delta đã sớm thế chỗ nó.

 

Một trung tâm tiêm chủng COVID-19 di động ở Bolton (Anh) tháng 6/2021 - Ảnh: PA/ Getty Images
Một trung tâm tiêm chủng COVID-19 di động ở Bolton (Anh) tháng 6/2021 - Ảnh: PA/ Getty Images

Khi đại dịch bùng phát và nhiều người bị nhiễm COVID-19 hơn, virus có nhiều cơ hội tái tạo hơn và gây ra những biển đổi ngẫu nhiên, nhỏ nhưng mang tính đột biến trong trình tự di truyền của nó. Hầu hết các đột biến là vô hại, nhưng thường thì một tập hợp khác biệt sẽ tạo ra các đặc tính mới để sản sinh một biến chủng mới.

Các nhà khoa học ước tính, các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 đã thay thế gần như hoàn toàn chủng gốc ở Mỹ, vì nó về cơ bản đã lỗi thời.

Tyler Starr, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson (Mỹ), nói với phóng viên Business Insider: “Khá nhiều loại virus đang lưu hành hiện nay đều có một trong những biến thể khiến nó khác với chủng ban đầu xuất hiện trên thế giới”.

Biểu đồ dưới đây cho thấy một vài biến chủng đã “thống trị” Hoa Kỳ kể từ tháng 2. Hơn 200 chủng virus ít phổ biến hơn, bao gồm cả phiên bản gốc của virus, được liệt kê là "loại khác".

 

Các chủng Coronavirus ở Mỹ kể từ tháng 2/2021 - Nguồn: CDC
Các chủng virus SARS-CoV-2 ở Mỹ kể từ tháng 2/2021 - Nguồn: CDC

Biến chủng Alpha, được xác định lần đầu tiên ở Anh tháng 9/2020, trở nên phổ biến ở Mỹ từ tháng 2 đến tháng 4, chiếm tỷ lệ từ 27% đến 70% trong tổng số các chủng đang lưu hành. Nó có khả năng lây truyền cao hơn khoảng 50% so với chủng ban đầu, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC). Trong khi đó, tỷ lệ của các chủng virus khác (bao gồm cả nguyên chủng) đã giảm từ 20% xuống còn 4%.

Đến tháng 5, Alpha có một đối thủ cạnh tranh mạnh: Delta. Một phân tích của Cục Y tế công cộng Anh Quốc (PHE) cho thấy biến chủng Delta - được phát hiện lần đầu ở Ấn Độ - có khả năng tăng 60% nguy cơ lây truyền bệnh so với Alpha, mặc dù các ước tính gần đây hơn được xác định khoảng 40%.

Từ tháng 5 đến tháng 6, Delta tăng trưởng từ dưới 3% tổng số các chủng vi khuẩn lưu hành ở Mỹ lên hơn 20%. Nó đã sẵn sàng để “thống trị” của Hoa Kỳ trong vòng vài tuần.

"Về cơ bản, ở bất cứ nơi nào, một khi chủng Delta xuất hiện, nó sẽ thế chỗ những gì giống như Alpha", Starr nói, "Đó là bằng chứng cho thấy, ở một mức độ nào đó, nó dễ lây lan hơn".

 

Các nhà nghiên cứu xử lý mẫu virus COVID-19 tại Bệnh viện Đại học Badajoz ở Tây Ban Nha - Ảnh: Europa Press/Getty Images
Các nhà nghiên cứu xử lý mẫu virus SARS-CoV-2 tại Bệnh viện Đại học Badajoz ở Tây Ban Nha - Ảnh: Europa Press/Getty Images

Một biến chủng dễ lây lan hơn có thể sẽ thay thế Delta?

Nhà nghiên cứu Starr cho biết, đến nay, các biến chủng của virus SARS-CoV-2 - thậm chí là Delta - về cơ bản không khác với nguyên chủng, được các nhà khoa học gọi là “loại hoang sơ”. Ông nói: “Những đột biến này có thể sửa đổi một chút những thứ như khả năng lây truyền, nhưng đặc điểm đó đã có trong virus ban đầu và nó chỉ bị thay đổi một chút”.

Trên thực tế, một số nhà khoa học tự hỏi liệu virus SARS-CoV-2 đã sắp đạt đến "trạng thái đỉnh" hay chưa, là thời điểm mà sau đó nó không còn đột biến để trở nên dễ lây nhiễm hơn.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Delta là biến chủng "mạnh nhất" cho đến nay. Ngoài khả năng lây truyền cao hơn các chủng khác, nó còn làm tăng nguy cơ tử vong. Các nhà nghiên cứu ở Scotland phát hiện thấy nhiễm biến chủng Delta tăng gấp đôi nguy cơ nhập viện so với nhiễm Alpha (các nghiên cứu trước đây xác định biến chủng Alpha gây tử vong cao hơn 30-70% so với chủng ban đầu). Tất nhiên, vắc xin có thể làm giảm đáng kể nguy cơ của cả hai biến thể.

Andrew Read, chuyên gia nghiên cứu sự tiến hóa của các bệnh truyền nhiễm tại Đại học Pennsylvania (Mỹ), cho biết: “Delta đang hoàn toàn tiến đến đỉnh điểm, và cho dù nó ở đỉnh cao, rất khó nói có thể có bất kỳ sự thay đổi nào nữa hay không”, ông nói, “Chúng ta chỉ có thể biết điều này sau một thời gian nữa, sau một vài năm”.

Nhưng nhà nghiên cứu Starr cho rằng virus có thể sẽ không bao giờ ngừng đột biến. “Khi mọi người tiếp tục có được khả năng miễn dịch, virus sẽ tiếp tục phát triển để có thể lan truyền và lây nhiễm sang người, nhưng lúc này, chúng ta sẽ có phản ứng miễn dịch ở mức độ thấp khiến virus ngày càng trở nên ít nguy hiểm hơn”, ông nhận định.

Vẫn có khả năng là một chủng hoàn toàn mới có thể thay thế vị trí thống trị của Delta, hoặc hai biến thể - ví dụ, Delta và Alpha - có thể kết hợp các đột biến để tạo ra một chủng mới dễ lây nhiễm hơn. Trong trường hợp xấu nhất, virus có thể tiến hóa thành một "biến chủng gây hậu quả nghiêm trọng" - một biến thể khác nhiều so với các biến chủng hiện đang lưu hành và có khả năng kháng vắc xin cao. 

Hoàng Diệu (theo Business Insider)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI