Chúng tôi yêu nghề bằng tình yêu con người

27/02/2016 - 09:19

PNO - Người ta bảo thường những ngành nghề có ngày kỷ niệm là những ngành nghề cực khổ, vất vả nhưng cũng vinh quang nhất.

Điều đó quả không sai với những người làm công việc chữa bệnh, cứu người. Ngày 27/2 này, ba thầy thuốc của ba chuyên ngành: bác sĩ (BS) Võ Thị Bạch Sương (chuyên khoa da liễu), BS Lê Ngọc Diệp (chuyên khoa sản), BS Nguyễn Thị Từ Anh (chuyên khoa nhi) đã có cuộc trò chuyện nhỏ xung quanh những hạnh phúc và gian khổ của công việc mình đã chọn hiến dâng cuộc đời.

* Hãy nói đến điều đẹp đẽ nhất về nghề nghiệp mà các chị đã chọn: hạnh phúc. Các chị đến với nghề đều rất lâu, những trải nghiệm hạnh phúc chắc là đủ chín muồi?

BS Bạch Sương: Làm sao có thể tách được hạnh phúc và những mệt mỏi ra khỏi nhau trong công việc của chúng tôi? Khi bệnh nhân rất đông, chờ đợi, hy vọng vào mình thì cũng là lúc mình cảm thấy áp lực, mệt mỏi. Và khi mệt mỏi vô cùng, nhưng nhìn thấy ánh mắt vui của bệnh nhân, lời thông báo, chia sẻ hân hoan của bệnh nhân: “BS ơi, em đẹp lên rồi!” thì hạnh phúc ấy cũng không có ngôn từ nào diễn tả được.

Chung toi yeu nghe bang tinh yeu con nguoi
BS Bạch Sương

BS Từ Anh: Là BS nhi của bệnh viện Từ Dũ suốt 18 năm trời, tôi đã có không biết bao lần đi qua phòng sinh, đón những em bé tím ngắt tưởng như sắp chết, và sau đó trả bé khỏe mạnh về với bố mẹ. Nhìn ánh mắt hạnh phúc của bố mẹ những đứa trẻ ấy, hạnh phúc đó không ngành nghề nào có được và đó là hạnh phúc lớn nhất của tôi.

BS Lê Ngọc Diệp: Vì tính chất đặc thù của nghề y, tôi có cơ hội cảm nhận được niềm hạnh phúc khi mang đến cho người khác hạnh phúc, đặc biệt ở thời khắc sinh tử. Chúng tôi thật sự biết ơn những bệnh nhân đã đi qua cuộc sống y khoa của mình. Là một ca yên ả hay một trường hợp sóng gió, tất cả đều đóng góp cho chuyên môn ngày càng tốt hơn. Những kinh nghiệm đó không một sách vở hay phương tiện nghe nhìn nào mang đến được. Có nhiều sản phụ thể hiện sự yêu mến đối với BS đỡ sinh cho con họ bằng cách đặt tên con theo tên BS. Sự trân trọng đó làm chúng tôi càng biết ơn nghề của mình và vượt qua bao trở ngại.

* Phàm công việc nào liên quan trực tiếp đến con người, phải phục vụ, phải tiếp xúc, phải hy sinh cho con người thì cũng gặp những áp lực rất lớn từ chính đối tượng mà mình phục vụ. Hiện nay, khi đòi hỏi của các bệnh nhân ngày càng lớn, niềm tin ngày càng khó giữ gìn và bồi đắp, sự mệt mỏi và căng thẳng ngày càng cao, tình yêu nghề của các chị, sự tận tâm, nhiệt huyết của những người đã từng đọc lời thề Hipocrates có bị bào mòn?

BS Lê Ngọc Diệp: Ngành y dường như đang đứng trước làn sóng lớn: sự giận dữ, thậm chí coi thường của một bộ phận người dân đối với thầy thuốc. Điều trách móc đầu tiên nhất vẫn là: không có tiền, bỏ mặc bệnh nhân. Mọi việc đều có nguyên do, điều đó khiến chúng tôi phải suy nghĩ về cách hành xử vai trò, trách nhiệm của mình trong đời sống xã hội. Sự giận dữ của đám đông cũng có tác động hai mặt: thầy thuốc sẽ tự nhìn lại mình, tuy vậy, cũng có một khoảng cách nghi ngại khiến BS trở nên thận trọng, nếu có vấn đề thì phải cân nhắc là làm đúng (quy trình, chỉ định) hay làm tốt hơn trong từng bối cảnh riêng biệt của từng bệnh nhân.

Chung toi yeu nghe bang tinh yeu con nguoi
BS Lê Ngọc Diệp

Vì vậy, hồ sơ bệnh án sẽ lưu rất nhiều biên bản cam kết, biên bản tư vấn, yêu cầu được chích, được xuất viện, được khám bệnh dịch vụ. Nó làm mối quan hệ giữa thầy thuốc và bệnh nhân trở nên quá rạch ròi, khô khan. Tuy vậy, điều đó không gây ảnh hưởng lớn đến việc khám chữa bệnh hiện nay. Trong môi trường làm việc sản phụ khoa tại bệnh viện Từ Dũ, chúng tôi vẫn thật sự ấm áp bởi sự tin tưởng và trân trọng mà sản phụ, bệnh nhân và thân nhân dành cho mình.

BS Từ Anh: Quả thật hiện nay có rất nhiều người không hiểu công việc của chúng tôi. Họ đánh đồng mọi BS, xúc phạm chúng tôi thậm chí gần như trực diện. Nghề y phải chịu sức ép rất lớn từ chính xã hội, chính bệnh nhân. Có một sự cố không mong muốn xảy ra là lập tức được lên báo, người dân bức xúc không phân biệt đúng sai, phải trái.

Tôi thật sự cảm thấy buồn khi nhìn lớp đàn em của mình, những sinh viên còn chưa ra trường, đã chán nản, xuống tinh thần, mất đi những tin yêu, tự hào về ngành nghề của mình. Nghề y rất cần một tinh thần thép vì chúng tôi phải ra quyết định cho mạng sống của con người. Nếu vào những lúc đó mà không sáng suốt, mà chùn tay vì sợ bị kiện tụng, không dám làm hết sức mình, lo bảo vệ bản thân trước thì ai là người thiệt thòi đầu tiên? Chính là bệnh nhân.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI