Tai treo sẵn dây nghe, tay thoăn thoắt bấm điện thoại, ký tên, ghi chép, mắt lướt trên màn hình… anh Nguyễn Hà Quốc Anh (Giám đốc Công ty in Phương Nam, Q.1, TP.HCM) có cường độ làm việc “khủng”, chỉ riêng giao dịch điện thoại đã trên 200 cuộc gọi mỗi ngày.
Vợ anh, chị Đặng Thiên Thư (Giám đốc Công ty lịch Xuân Phương Nam - công ty con của Công ty in Phương Nam) càng tối mắt tối mũi với những đơn hàng thiết kế. Gặp nhau vào giai đoạn nước rút của mùa lịch Tết 2016 - Xuân Bính Thân, anh Quốc Anh - chị Thiên Thư tự trào: “Việc dí quá đến nỗi vợ chồng làm lịch mà không còn biết ngày giờ, con trai cứ phải báo “hôm nay là thứ Sáu rồi đó ba mẹ” - là cháu nhắc ba mẹ chở đi chơi vào cuối tuần”.
|
Họa sĩ Thiên Thư và con trai trong tầm ngắm của “phó nháy” Quốc Anh |
PV: Mới 5 năm từ ngày sang lại xưởng in cũ, hiện công ty của anh chị đã tạo được dấu ấn lịch Việt không nhòa lẫn. Phải chăng nhờ sự khác biệt đến trái ngược nhau mà anh chị đã bổ sung cho nhau, mang lại sự thăng hoa trong sự nghiệp?
Anh Quốc Anh: Sự bổ sung cho nhau thể hiện rõ nhất là tôi thiên về ngoại giao, kinh doanh còn Thiên Thư chuyên trị mảng thiết kế. Kinh nghiệm cùng nhạy cảm thị trường giúp tôi tiên đoán những mẫu nào hợp lý, hợp thời, bán chạy, trong khi Thư luôn muốn đi đến cùng sáng tạo, thỏa “cái tôi nghệ thuật”.
Với những thiết kế có tính thẩm mỹ cao nhưng không hợp thị hiếu số đông, tôi cương quyết chặn lại, không sản xuất đại trà. Thế là xảy ra cuộc chiến nảy lửa giữa “tác phẩm” và “sản phẩm”. Tôi nhượng bộ vợ, rằng “những tác phẩm đó nếu có tiền in tặng thì được”, và đã in các mẫu “đẹp nhưng kén” ấy để mình ngắm.
Thời mới yêu, tôi vẫn hứa “mai mốt anh sẽ mở xưởng in cho em thiết kế thoải mái, thích gì vẽ nấy”, giờ đây, ba chìm bảy nổi giữa thương trường khốc liệt mới thấm câu “kinh doanh đâu phải cuộc chơi”. Đường dài, chúng tôi càng thấy hợp nhau chứ không chỏi. Chúng tôi cùng đam mê nghệ thuật, quyết tâm tạo dựng sự nghiệp. Tận tụy với công việc, khắc nghiệt với bản thân là lý do vì sao chúng tôi đi nhanh được như vậy.
Chị Thiên Thư: Ngày chúng tôi mới “nâng cấp” từ tình đồng nghiệp, tình bạn sang tình yêu, nhiều người lo ngại vì cho rằng hai đứa vênh nhau nhiều. Tôi gốc Bắc, sống ở Sài Gòn từ bé, tiểu thư, con một; anh là con trai miền Tây sông nước, gia đình nông dân.
Về tính cách, cả hai cùng rắn. Tôi thích chơi trội, không biết nhún nhường. Anh có vẻ ngang tàng, không tu ân thủ khuôn khổ, nguyên tắc. Lại nghe “giai thoại” rằng đêm đầu dưới quê lên Sài Gòn thi đại học, anh không thuê nhà mà vào Bệnh viện Chợ Rẫy ngủ đợi sáng; lớn thêm chút, hễ ai rủ đi dã ngoại là liền cắp máy ảnh đi ngay, không kể giờ giấc… Dự liệu đời mình sẽ trầy trật với “chàng ngông” này, tuy nhiên, tìm hiểu mới biết “thấy vậy chứ không phải vậy”. Anh khá lành, nếp nhà lại tốt.
|
Gia đình họa sĩ Thiên Thư - Quốc Anh trong chuyến du lịch Đà Lạt |
* Từng là nhân viên nhà nước “hết giờ là nghỉ khỏe”, 28 tuổi bắt đầu vào vị thế một giám đốc điều khiển cả trăm nhân viên, có vẻ anh gặp thuận lợi ngay từ đầu? Có bao giờ chàng giám đốc trẻ phải khóc?
Anh Quốc Anh: Có! Bốn năm trước, tai ương dồn dập vì ba tôi bệnh nặng rồi qua đời, công ty cạn vốn, đối thủ chơi xấu tung tin bất lợi, tôi thiếu kinh nghiệm… khiến tình hình lao dốc “chạm đáy”. Thua lỗ tiền tỷ, cùng cực, tuyệt vọng, tôi vẫn không kể cho Thư nghe vì cô đang mang thai đứa thứ hai.
Hiểu tính chồng “càng căng thẳng thì càng ít nói giảm cười”, lờ mờ nhận ra sự khó khăn, Thư khệ nệ bụng bầu xuống xưởng đóng lịch, nhân tiện dò hỏi nhân viên tình hình công ty (thời điểm đó Thư còn làm họa sĩ thiết kế ở nơi khác).
Thư lúi húi chăm lo thức ăn cho tôi, giục chồng ngủ nghỉ, giữ sức khỏe rồi xa gần gợi chuyện kinh doanh, giúp tôi bình tâm, sáng suốt hơn để tháo gỡ công việc. Những ngày khủng khiếp đó, chiều tối, tôi không đủ dũng cảm để về nhà sau khi rời xưởng. Tôi một mình ra bờ kè, uống rượu. Tôi mắng chửi cái thằng tôi háo thắng, bốc đồng, thiếu suy nghĩ… Nhớ dáng bầu nặng nề của Thư bên đống lịch, tôi khóc.
* Tiền bạc hao hụt, chồng đi sớm về khuya, “họa sĩ bầu” có nghi ngờ, ghen tuông?
Anh Quốc Anh: Chắc Thư cũng có lúc buồn, dao động nhưng cuối cùng đã vượt qua nhờ cô ấy mạnh mẽ và tin chồng. Hai vợ chồng thường thủ thỉ: “Thời điểm đó khó đến thế còn lèo lái được chẳng lẽ lúc thuận lợi lại bỏ nhau? Cứ tiếp tục nương nhau mà làm mà sống”.