edf40wrjww2tblPage:Content
Đền thờ Bác ở Udon Thani
Chúng tôi đến làng Nỏng Hang (xưa gọi làng Nỏng Ổn), xã Chiêng Phin, huyện Mương, tỉnh Udon Thani trên nước bạn Thái Lan ngay dịp những người quản lý khu di tích Bác Hồ (cũng là những thầy cô giáo dạy tiếng Việt đã nghỉ hưu của làng) đang khai giảng một lớp dạy tiếng Việt mới cho các giáo viên Thái Lan…
Bà Lê Thị Tuyết Thế - một trong ba cựu giáo viên tiếp đoàn người Việt thăm làng hôm ấy, tự hào: “Bây giờ nhiều bạn Thái thích học tiếng Việt mình lắm, các bạn thương dân mình lắm và nhiều bạn yêu quý Bác Hồ giống như chúng ta vậy”. Nói rồi, bà Tuyết Thế đưa chúng tôi tham quan ngôi làng, nơi có khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Câu chuyện về tình thương và sự ngưỡng vọng, tôn kính đối với Bác Hồ của những người dân làng Nỏng Hang hơn 86 năm qua làm đoàn chúng tôi đi từ ngạc nhiên này đến bất ngờ khác.
Ngoài góp công sức, tiền của xây dựng khu di tích, luân phiên nhau giữ gìn, tôn tạo nó, dân làng Nỏng Hang còn thờ Bác trang trọng trong nhà. Đầu năm 2002, ông Xay-da-phon Rắt-ta-na-na-kha - Tỉnh trưởng Udon Thani đã khởi sự việc phục hồi khu nhà ở cũ của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở làng Nỏng Hang. Ngày 29/10/2002, ông chính thức phê duyệt bản tóm tắt dự án phát triển Trung tâm giáo dục và du lịch lịch sử về Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay tại nơi ngày xưa Bác sống.
Khuôn viên khu di tích hôm nay rộng gần 1ha, trong đó có một là ngôi nhà mô phỏng theo ngôi nhà năm xưa Bác Hồ từng sống và làm việc… Nhà được xây dựng theo lời kể của những nhân chứng từng chứng kiến cảnh sống của Bác Hồ cách đấy gần 80 năm, hầu như không bỏ sót một vật dụng nào của Bác, dù nhỏ như cái ống điếu cày, cái cưa, cái bào… Trước sân nhà có hàng rào dâm bụt, mấy bụi hoa lài và vườn cây ăn trái.
Bà Lê Thị Tuyết Thế giới thiệu với đoàn tham quan khu di tích Bác Hồ ở Udon Thani
Sự chăm chút cho một khu di tích nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam để mọi thứ gợi nhớ Bác trở nên gần gũi, sống động tới vậy chỉ có thể lý giải rằng khi làm nên công trình này, tất cả dân làng Nỏng Hang đã trao gửi vào đó tấm lòng tôn kính, quý yêu với Bác Hồ; từng di vật nhỏ đã được thổi hồn, thổi tình nên chứa chan kỷ niệm.
Người dân trong làng, nhiều người già vẫn nhắc con cháu lối sống siêng năng, tiết kiệm và yêu thương đùm bọc đồng bào của Bác Hồ. Chỉ trong hai năm sống và hoạt động ngắn ngủi ở nơi đây (1928-1929), Bác Hồ với cái tên Thầu Chín đã dạy người dân bao điều, trong đó người dân nhớ nhiều nhất đó là: dù ở nơi đâu cũng không quên nguồn cội, phải học tiếng Thái để hòa nhập vào cuộc sống của nước bạn, nhưng cũng phải ôn luyện tiếng Việt hàng ngày để không quên tiếng mẹ đẻ. Nhờ lời dạy của Bác, những lớp học xóa mù chữ bắt đầu được hình thành khi Bác ở làng.
Cô Nguyễn Thị Xuân Oanh (SN 1948), một trong những người đã xung phong giảng dạy ở các lớp học từ năm 1965 bồi hồi nhớ: “Năm 1969, nghe tin Bác mất, cả làng đều khóc thương tiếc. Phụ nữ bỏ việc, lo nấu cỗ dâng lên chùa cúng Bác, thanh niên trai tráng trong làng tất thảy đều xuống tóc để tang Bác, cả những thầy giáo dạy ở trường tôi cũng không ngoài cuộc. Kể từ ngày ấy, người dân ở Nỏng Hang chúng tôi thờ ảnh Bác trong nhà, đến sinh nhật hay ngày giỗ Bác, lại tập hợp cùng tưởng nhớ Bác”.
Lau dọn, trang hoàng bàn thờ Bác Hồ là công việc mỗi ngày của ông Nguyễn Danh Tứ
Giữa lòng dân Việt
Ngày chuyển đến TP.HCM sinh sống cùng các con, ông Lê Văn Lâm (SN 1941, Trà Kha, P.8, TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) đã tranh thủ ghé ngang đền thờ Bác Hồ ở xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi, TP. Bạc Liêu chào bái biệt Bác. Như tất cả những người dân nơi đây, đền thờ Bác với gia đình ông là một nơi gửi gắm tâm linh, niềm tin tưởng. Có chuyện gì vui, hay cả những điều còn trăn trở, ưu tư, ông lại tìm đến đây và chia sẻ với Bác.
Ngôi đền này xưa chỉ là một túp lều lợp bằng lá dừa nước, nằm ngay cạnh bờ sông, cỏ lau rậm rạp, gần như không có lối vào. Ngày 19/5/1972, ngôi đền mới được xây dựng bằng bê tông như hiện tại. Đó là giai đoạn chiến tranh ác liệt nhất ở vùng bưng này. Lính ngụy “đánh hơi” được khu vực nhân dân lập đền thờ Bác nên càn quét ác liệt, bắt hàng trăm người dân phải vào phá đền. Những người dân mưu trí dũng cảm, tung tin rằng quanh khu vực đền thờ Bác Hồ có cài bom mìn dày đặc, kiên quyết không vào nếu không có lính dẫn đi. Nhiều ngày sau đó, bọn lính rút êm. Thế nhưng đền thờ vẫn là tâm điểm của rất nhiều trận đánh từ năm 1972 đến ngày đất nước thống nhất, bởi giặc tin rằng chỉ có "Việt cộng" mới lập đền thờ Bác. Chúng không ngờ, ngôi đền ấy còn có biết bao mồ hôi, xương máu của những người nông dân chân lấm tay bùn thương Đảng, thương Bác mà lập nên giữa nơi đồng không mông quạnh.
Hôm nay, lối vào đền thờ Bác ở Châu Thới đã là con đường mới thênh thang, hai bên đường là hàng phượng vĩ, tháng Năm về lại rợp màu hoa đỏ rực như tấm lòng trung trinh của những người Bạc Liêu đối với Bác.
Miền Nam xa xôi lắm với thủ đô, nhưng dường như Bác luôn ngự trị trong trái tim của những người dân nơi đây. Có lần chị Ngô Thị Thủy, Chủ tịch Hội LHPN huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang chở tôi từ huyện về xã Lương Tâm xác minh lá đơn, bỗng chị tấp xe ven đường: “Vô thắp nhang cho Bác Hồ rồi đi”.
Chưa hết ngạc nhiên, xuống xe, tôi nhìn thấy hai chiếc xuồng máy cũng cặp sát ngã ba sông, người phụ nữ trạc ngoài bốn mươi ngồi ghe sau với gọi người đàn ông trên ghe trước: “Đi đâu mà về thăm Bác đây anh Sáu?”, người đàn ông thủng thẳng cột ghe vào cọc tre rồi nói: “Bữa nay rằm, nên vào thắp nhang cho Bác”.
Người phụ nữ nhanh nhảu với theo: “Anh chờ tui đi với”… Cầm nén nhang đưa tôi, chị Thủy nói: “Dân vùng này vậy đó, không có dịp đi ngang đây thì thôi, có việc ngang đền thờ Bác, bằng giá nào người ta cũng vào đền dâng hương, đặc biệt là những dịp rằm, lễ tết hay kỷ niệm ngày sinh, ngày mất Bác Hồ”.
Chúng tôi mới hiểu hết thâm ý, thâm tình của các bậc bô lão ở xã Lương Tâm ngày đó khi quyết chọn bằng được góc ngã tư Lộ xe (thuộc ấp 3, xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ) này làm đền thờ Bác, cốt chỉ là để người dân đi bộ hay theo ghe xuồng cũng có thể ghé về… Đơn giản vậy mà nghe ấm áp biết chừng nào!
Du khách tham quan khu tưởng niệm Bác Hồ ở Udon Thani, Thái Lan
Như thờ gia tiên
Vừa cầm tấm khăn, nhẹ nhàng lau rồi cẩn thận đặt lại từng di vật trên bàn thờ Bác Hồ của gia đình, ông Nguyễn Danh Tứ (SN 1942) - ngụ 65 Lê Thị Hồng, Q.Gò Vấp, TP.HCM vừa kể: Trong chuyến về thăm quê Bác, món quà quý nhất mà tôi mang vào là bức chân dung của Người, và từ đó, gia đình tôi lập bàn thờ thờ Bác. Tôi nghĩ đó là điều cần làm để tưởng nhớ công ơn của Người.
Suốt 27 năm nay, bàn thờ Bác ở nhà ông Tứ luôn ấm nồng hương khói. Bàn thờ được ông bày biện đơn giản, nhưng được đặt ở nơi trang trọng nhất trong nhà. Và cũng ngần ấy năm, cứ đến sinh nhật, hay ngày giỗ Bác, bà Nguyễn Thị Mai (vợ ông Tứ) lại chuẩn bị một mâm cơm cúng giản dị. Bà Mai tâm sự: “Tuy chỉ nhìn thấy Bác Hồ qua ảnh, nhưng chúng tôi thờ Bác để mỗi việc đều nhớ làm theo Bác, đặc biệt giáo dục con cháu trong gia đình”.
Không riêng gia đình ông Tứ, rất nhiều hộ dân trên địa bàn TP.HCM cũng thờ Bác Hồ cạnh bàn thờ gia tiên. Mỗi sáng thức dậy, ông Hoàng Vinh, ngụ P.17, Q.Gò Vấp lại thắp hương lên bàn thờ Bác. Tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, năm nay đã 88 tuổi nhưng ký ức về những lần gặp Bác vẫn còn nguyên vẹn trong lòng ông: "Tôi may mắn vì được gặp Người bốn lần, được nghe Người nói chuyện, ân cần thăm hỏi các chiến sĩ. Tình cảm của Bác đối với bộ đội rất chân tình, gần gũi như cha con. Trong thâm tâm chúng tôi, việc thờ Bác như thờ ông bà tổ tiên”.
Trên bàn thờ có ảnh Bác Hồ với những chân nhang uốn cong, lọ hoa tươi được bà Đinh Thị Hảo (vợ ông Vinh) chăm chút mỗi ngày.
Ông Hoàng Văn Chung, tổ trưởng tổ 86 khu phố 11, P.17, Q.Gò Vấp cho biết: Khu phố có 71 hộ, hiện nay rất nhiều nhà treo ảnh Bác Hồ và thờ Bác. Tuy mỗi người có cách nghĩ, cách làm khác nhau, nhưng chung quy là để bày tỏ lòng mình và đức tin với Bác. Thờ Bác là việc làm không chỉ có ý nghĩa đối với mỗi gia đình, mà còn lan tỏa tinh thần, tấm lòng cao đẹp của Người trong cộng đồng, là cách đặc biệt để giáo dục thế hệ trẻ...
NGHI ANH - QUỲNH MAI