Chúng tôi, những người làm báo - Luôn tự dặn mình: Không được sợ hãi!

19/06/2021 - 07:56

PNO - Hơn một năm dịch COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam, phóng viên chúng tôi cũng có vô vàn trải nghiệm đầy cảm xúc.

 

Ăn, ngủ với “cô Vy”

Hôm đó là 29 tết âm lịch (23/1/2020). Như mọi khi, tôi pha một ly cà phê trước lúc đi làm. Cận tết, mọi người về quê, nơi tôi ở gần như chỉ còn nhánh mai vàng đung đưa đón nắng. Tôi khẽ nhắm mắt, thành phố những ngày này, mát mẻ, tĩnh lặng. 

Tin nhắn điện thoại phá tan cảm xúc, là chị đồng nghiệp: “Em chạy qua Bệnh viện Chợ Rẫy thử xem sao, nghe nói có người đầu tiên dương tính với virus corona rồi”. 

Tôi khóa cửa nhà, chạy đi. Điện thoại lại có tin nhắn, tấm hình nhân viên y tế của Bệnh viện Chợ Rẫy trong bộ đồ “phi hành gia” được gửi đến. Tôi báo về tòa soạn: “TPHCM phát hiện hai người dương tính với virus corona”. Người cha từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc (là tâm dịch thời điểm đó) đến Long An thăm con. Hai cha con ông là bệnh nhân đầu tiên tại Việt Nam.

29 tết Canh Tý, “cuộc chiến” của chúng tôi bắt đầu.

Phóng viên Phạm An tác nghiệp trong bộ đồ bảo hộ - Ảnh: Xuân Bình
Phóng viên Phạm An tác nghiệp trong bộ đồ bảo hộ - Ảnh: Xuân Bình

Dịch bệnh chưa có thuốc đặc trị, tốc độ lây lan quá nhanh, nhiều thông tin xuyên tạc, chia rẽ, nhất là tin đồn 33 người tử vong tại Bệnh viện Chợ Rẫy đã thôi thúc phóng viên phụ trách mảng y tế phải đưa tin thật nhanh, chính xác, đi thẳng vào những vấn đề bạn đọc quan tâm và công tác phòng, chống dịch. Tuy ngày 4/2/2020, hai ca bệnh được Bộ Y tế công bố hết bệnh, xuất viện, cả nước vỡ òa vui sướng nhưng ở những điểm nóng khác, dịch ngày càng phức tạp. Ngày 1/4/2020, TP.HCM có lệnh giãn cách đầu tiên để kiểm soát dịch.

Giãn cách xã hội nghĩa là phóng viên chúng tôi phải chọn lựa ngồi tại bệnh viện, ven đường hay trở về nhà làm tin. Từ lúc trực tiếp đưa tin hai ca mắc COVID-19 đầu tiên tại TPHCM, chúng tôi đã xác định bản thân thuộc diện nguy cơ cao khi vào ra bệnh viện, lúc đến khu cách ly, thậm chí vào nơi có bệnh nhân COVID-19 điều trị để đưa tin chân thực giúp người dân yên tâm, tin tưởng vào bác sĩ, vào ngành y tế Việt Nam.

Cũng vì thuộc diện nguy cơ cao, chúng tôi không dám ghé nhà người thân, cũng hạn chế tối đa việc đến tòa soạn. Cuộc sống lúc đó của phóng viên mảng y tế hầu như chỉ… ăn, ngủ với COVID-19.

Chúng tôi được gọi vui là “phóng viên chiến trường” nhưng “ngầu” hơn bởi “giặc dịch” vô hình, không biết “cô Vy” ôm mình lúc nào.

Câu nói ấy tuy vui mà thật. Không ít bác sĩ cũng từng nói: “Thà đánh với một tên cao to gấp đôi mình nhưng biết mặt còn hơn chiến đấu với “cô Vy” chỉ thấy khi soi qua kính hiển vi. “Cô ấy” chỉ chờ ta sơ hở”. Điển hình, ngày 31/7/2020, bệnh nhân COVID-19 đầu tiên ở Việt Nam tử vong.

Khó khăn, thách thức giúp tôi trưởng thành

Đó là những ngày tháng sẵn sàng chấp nhận đối mặt với nguy hiểm của COVID-19, những thách thức không chỉ chạy đua với thông tin dịch bệnh theo từng múi giờ mà chúng tôi phải có những bài viết sáng tạo, độc đáo gửi về tòa soạn. 

Mặt trận thông tin không cho phép chúng tôi chậm trễ, cũng bất kể giờ giấc, bất kể là phóng viên nam hay nữ, máy móc, thiết bị gần như gối đầu giường, chỉ cần tin nhắn, cuộc gọi đến phải lập tức “hành quân” để kịp ghi lại khoảnh khắc lực lượng chức năng phát hiện ca nghi nhiễm, lập chốt, khoanh vùng… Đó là những thước phim, bức ảnh quý giá về tình hình dịch bệnh. 

Tại vùng dịch, khu cách ly, nơi điều trị bệnh nhân COVID-19, tôi nhớ rõ cảm giác lần đầu tiên khoác bộ đồ phòng hộ lên người: nóng, mệt không thở nổi. Tôi luôn tự nhủ không được sợ hãi bởi nếu sợ hãi, tôi sẽ quên đi những kỹ năng tác nghiệp đã tìm hiểu. 

Càng đến gần phòng có người thuộc đối tượng nguy cơ, chân trái của tôi vừa hồi phục sau ca mổ dây chằng càng đau, chắc nó ngại mà phải bước đi. Phòng cách ly số 1 đón tôi bằng nụ cười của một bé trai bốn tuổi làm tôi quên hết sợ hãi. Tôi phỏng vấn người mẹ, cậu nhóc kế bên thỉnh thoảng lại cười khoái chí khi đẩy chiếc xe hơi mô hình va vào chú gấu bông nhỏ. Tiếng cười ấy đã xua tan những hồ nghi của người bên ngoài trước tin đồn khu cách ly là nơi lây đáng sợ nhất.

Khi đó, chị đồng nghiệp đi cùng đã nói: “Chị đi hoài, lo cho hai đứa nhỏ quá. Sáng nay, con trai chị bị dập tay chảy máu, ba nó đi làm, cậu chưa qua tới, có hai chị em chăm sóc nhau. Về nhà muốn ôm con lắm, lại sợ nhỡ đâu mình nhiễm bệnh, lây cho con. Đứa bé trong kia có khác gì con chị…”.

Tôi chùng lòng. Chị là phóng viên y tế tác nghiệp máu lửa nhất tôi từng biết. Có khi 12 giờ đêm, tôi và chị vẫn cùng đến nơi phong tỏa cho kịp tin bài sáng hôm sau. “Ra trận”, chị chưa bao giờ sợ hãi, ấy vậy mà…

Những ngày giãn cách, để kịp đưa tin, chúng tôi chạy từ 8 giờ sáng đến 9 giờ tối. Hàng quán không có chỗ ngồi, quá đói bụng, chúng tôi “đánh liều” mua vài hộp cơm ven đường, chạy sâu vào một con hẻm ở quận Bình Thạnh, trải áo mưa trên lề đường ven sông để ăn.

Hộp cơm vừa mở, bịch nước mắm chưa kịp xé, lực lượng dân quân đi tuần đến, yêu cầu chúng tôi về nhà thực hiện giãn cách.

Chạy đến đường Võ Thị Sáu, cơn đau bao tử mạn tính kéo đến. Lúc đó đã gần 10 giờ đêm, nhớ có chị bác sĩ quen, tôi nhắn tin xin thuốc; chị bảo tôi vào ngay bệnh viện, bởi khi tôi tấp vào lề đường điện thoại, nhắn tin, chị biết tôi đã chịu quá giới hạn của mình.

Trong khó khăn mới thấm thía nghĩa tình. Nhiều bác sĩ luôn để sẵn cho phóng viên y tế cái bánh, vài viên kẹo phòng khi chúng tôi bị hạ đường huyết. Có những hàng quán biết chúng tôi đi đưa tin, phải nói mãi mới nhận tiền ly nước, bịch hủ tíu hay ổ bánh mì.

Mừng nhất là khi bài viết của tôi không chỉ được người quen mà cả bạn bè trên mạng xã hội đồng cảm, thấu hiểu. Có những người dù chưa gặp lần nào đã hỏi thăm, phát động các đợt tình nguyện, quyên góp khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn tặng người dân khó khăn, cho phóng viên yên tâm tác nghiệp. 

Thậm chí, từng chuyến xe chở thiết bị y tế, đồ bảo hộ, bánh ngọt, nước uống… không chỉ đến khu cách ly, bệnh viện trong thành phố mà còn trao tận tay các chiến sĩ biên phòng.

Tôi thích cảm giác mỗi sáng nhận được tin nhắn của anh bạn: “Hôm nay còn bệnh viện, khu cách ly nào cần khẩu trang, nước rửa tay, đồ bảo hộ nữa không em?”. “Anh đang đến bệnh viện điều trị COVID-19 ở Cần Giờ để tặng các bác sĩ ít đồ. Sau đó, anh sẽ đi tặng cho bệnh viện ở Tây Ninh, quê em đó…”.

Tôi bồi hồi với tin nhắn của bác sĩ: “Em ăn cơm chưa, chị có mua dư một phần bún chả, em ghé qua ăn phụ chị”, “Em ơi, có chỗ gõ bài chưa, qua đây, chị nhờ người dọn riêng cho em một bàn, đỡ phải chạy đi chạy về mấy chục cây số”… 

Chúng tôi, qua bốn đợt dịch, cũng sẵn sàng chắc tay máy lên đường với niềm tin mãnh liệt: Việt Nam sẽ sớm chiến thắng, cuộc sống mau chóng trở lại bình thường
Chúng tôi, qua bốn đợt dịch, cũng sẵn sàng chắc tay máy lên đường với niềm tin mãnh liệt: Việt Nam sẽ sớm chiến thắng, cuộc sống mau chóng trở lại bình thường

Những ngày qua, dịch COVID-19 lại bùng phát; ở Việt Nam, mã bệnh nhân cũng đã cán mốc năm chữ số, lấy đi tính mạng của 61 người. COVID-19 cũng đã xuất hiện ở nhiều bệnh viện tại TP.HCM như lời tuyên chiến với ngành y tế. Các bác sĩ lại hối hả khoác đồ bảo hộ “ra trận”, người dân nắm chặt tay nhau mở lại gian hàng 0 đồng, ATM gạo, phát khẩu trang miễn phí… sẵn sàng làm hậu phương vững chắc cho các chiến sĩ áo trắng.

Chúng tôi, qua bốn đợt dịch, đã khá quen với cảm giác cuộc gọi đến cho hay mình là F2 hoặc vô tình ai đó phỏng vấn F0 cần tự cách ly, đợi nhân viên y tế đến lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2, nhóm phóng viên lại hồi hộp chờ “xổ số”.

Là hồi hộp chứ không run sợ, bởi từ khi bước chân đi tác nghiệp, chúng tôi luôn nghĩ bản thân có thể là F0 bất cứ lúc nào để không chỉ phòng dịch cho mình mà còn đảm bảo an toàn cho nơi mình đến. 

Tác nghiệp COVID-19 giúp chúng tôi từng ngày trưởng thành, vững tay máy để mỗi lần có chuông điện thoại, chúng tôi lại sẵn sàng lên đường với niềm tin mãnh liệt: Việt Nam sẽ sớm chiến thắng dịch bệnh, cuộc sống mau chóng trở lại bình thường. 

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI