PNO - Sáng 25/7, Hội LHPN TP.HCM tổ chức họp mặt hơn 350 dì, chị là mẹ, vợ liệt sĩ và nữ thương binh tiêu biểu, chủ đề “Tri ân người thầm lặng” đồng thời giao lưu với bốn nhân vật từng cống hiến cả tuổi xuân cho cách mạng.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích - Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM - tặng hoa, quà cho ông bà Lê Hồng Tư - Nguyễn Thị Châu và bà Nguyễn Thị Mai, là những đại biểu giao lưu tại buổi họp mặt
CHUYỆN TÌNH THỜI HOA LỬA
Bà Ba Châu (Nguyễn Thị Châu, SN 1938, ngụ tại P.3, Q.10, TP.HCM) được chồng - ông Lê Hồng Tư (SN 1935) nắm tay dìu lên từng bậc cầu thang. Bà yếu, chân đi không vững, nhưng nụ cười luôn thường trực trên môi.
Bà Ba Châu lớn lên ở Biên Hòa, Đồng Nai. Từ thời chống Pháp, má bà bán cá ngoài chợ Biên Hòa và nuôi giấu bộ đội, còn ba làm giao liên. 12 tuổi, Châu thưa với má xin cho lên Sài Gòn thi vô trường nữ trung học Gia Long. “Ba mất năm tôi 11 tuổi. Cậu bị Pháp bắn, không lâu sau, mợ cũng qua đời, bỏ lại 5 người con. Má tôi đón các cháu về nuôi, tính cả con lẫn cháu là 10 người. Đậu trường Gia Long, nhưng tôi đành thối lui vì không có tiền. Mãi đến năm 1952, được trường Huỳnh Khương Ninh cấp học bổng, tôi khăn gói lên Sài Gòn lần thứ hai” - bà Ba Châu kể.
Ở trường Huỳnh Khương Ninh, Ba Châu không chỉ hát hay, học giỏi mà còn hăng hái tham gia phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên (HS, SV)Sài Gòn lúc bấy giờ. Sau khi Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời, bà được tổ chức đưa vô chiến khu vào cuối năm 1960. Tháng 2/1961, bị bắt, bị tra tấn dã man chết đi sống lại hàng trăm lần, bà vẫn giữ tròn khí tiết không khai một lời. Cuối năm 1964, bà được thả, về nhà nằm ôm má một đêm rồi lại vô căn cứ hoạt động trong Đoàn Thanh niên khu Sài Gòn - Gia Định, sau chuyển qua Hội Phụ nữ giải phóng.
Ngày 8/7/1961, cả Sài Gòn lẫn Washington đều rúng động với thông tin biệt động Việt cộng đánh bom vào xe đại sứ Mỹ Frederick Notling. Báo chí gọi sự kiện này là “Vụ án chấn động nhất đô thành Sài Gòn từ trước đến nay”. Chiến công này thuộc về tiểu đội quyết tử quân của lực lượng biệt động Ban cán sự HS, SV khu Sài Gòn - Gia Định mà Lê Hồng Tư, khi ấy mới 26 tuổi, chỉ huy. Mặc dù Lê Hồng Tư và đồng đội bị bắt, bị kết án tử hình, song hành động quả cảm này đã làm bùng lên phong trào HS, SV chống Mỹ ở khắp các đô thị miền Nam. Do áp lực từ nhiều phía, cuối cùng, chính quyền Sài Gòn khi ấy không xử tử Lê Hồng Tư mà đày ông ra Côn Đảo. Trong cảnh gông cùm, xiềng xích, lời hẹn ước của Ba Châu trở thành động lực, sức mạnh cho ông.
Ông Tư tâm tình: “Tôi vốn là cậu học trò nghèo miệt Bình Chánh, từng làm nhiều nghề như thợ tiện, nhân viên điện tín, nhân viên hỏa xa. Thương Châu đẹp người, đẹp nết, lại cùng chí hướng với mình, tôi tỏ tình tới mấy lần vẫn bị từ chối. Vậy mà, khi trên đầu lơ lửng án tử, tôi được bạn tù cho hay, Châu cũng đang trong cảnh giam cầm và cô ấy nhận tôi là chồng”.
Tháng 5/1975, Ba Châu - Hồng Tư gặp lại sau 15 năm ly biệt. Bà nói, yêu ông từ lâu lắm, nhưng “nợ nước, tình nhà” chưa trọn, đâu dám nghĩ đến hạnh phúc riêng. Ông bà nên duyên chồng vợ và có một cậu con trai. Rất nhiều người nói mối tình này là “bản tình ca cách mạng đẹp nhất”.
VẸN NGUYÊN MỘT TẤM LÒNG
Nữ biệt động Sài Gòn với biệt danh “con thoi sắt” Nguyễn Thị Mai (SN 1943, hiện sống tại Q.Tân Bình, TP.HCM) sinh trưởng tại huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Vừa bước vào tuổi trăng tròn, bà đã xung phong làm giao liên cho huyện đội. 22 tuổi, bà vào Nam, gia nhập đội biệt động 90C khu Sài Gòn - Gia Định. Bà Mai chia sẻ: “Tôi vẫn nhớ ngày lên đường, má dặn đi chuyến này lành ít dữ nhiều. Tôi nói, vì nước nên con không tiếc đời mình. Má dặn tiếp, làm cách mạng, nếu bị lộ, bị bắt, tra tấn cỡ nào cũng phải chịu, không được phản lại tổ chức, phản lại đồng đội”.
Nhận nhiệm vụ liên lạc, vận chuyển vũ khí, tài liệu từ căn cứ vào Sài Gòn, bà Mai nhanh chóng bắt tay xây dựng cơ sở bí mật tại huyện Hóc Môn, Củ Chi… Tính ra, bà đã xây dựng được 6 hầm vũ khí, 20 cơ sở bí mật trong vòng vây của địch. Đầu năm 1965, bà đang chuyển 30 kíp nổ cùng tập truyền đơn từ chợ Phước Thịnh (huyện Củ Chi) vào nội thành Sài Gòn bằng xe lam thì bất ngờ bị chặn lại kiểm tra. Trước nguy cơ mất tài liệu, bà liền lấy các xấp giấy ra cho vào miệng nhai, bất chấp tốp cảnh sát lao tới bóp cổ, banh miệng mình.
Ở bốt Hàng Keo, phải nếm đủ mọi đòn tra tấn tàn khốc, trong đó có đòn treo ngược rồi thả cho đầu rớt thẳng xuống nền xi-măng, tra lươn vào vùng kín, bà vẫn trừng mắt nhìn kẻ thù. Cuối cùng, chúng đành chào thua và ghi vào hồ sơ vụ của bà là “án mù”. Trong buổi họp mặt, bà bộc bạch: “Sau năm 1965, tôi còn bị bắt, bị tra tấn hai lần nữa, nhưng vẫn không hé nửa lời, bởi mình đi theo cách mạng là xác định một lòng trung thành”.
Đêm 15/6/1968, trên cánh đồng bưng Láng Sấu (hiện thuộc xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh) có 32 dân công hỏa tuyến đã anh dũng hy sinh trong một trận càn của địch. Là một trong những nữ dân công còn sống sau “đêm định mệnh” ấy, bà Nguyễn Thị Khỏi (Ba Khỏi, SN 1941, ngụ tại xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh) rưng rưng khi kể lại thời khắc bi tráng trên. Bà thổ lộ: “Tôi đã sống một cuộc đời son trẻ cống hiến cho cách mạng. Điều tôi không bao giờ quên đó là sự hy sinh của những chị em khi mới 18-20 tuổi”.
Trong khuôn khổ buổi họp mặt, Hội LHPN TP.HCM đã trao tặng 250 phần quà (500.000 đ/phần) cho đại diện các gia đình chính sách, nữ thương binh, đồng thời vận động Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai trao tặng 10 sổ tiết kiệm (5 triệu đ/sổ) và 10 chiếc xe đạp (tổng trị giá 24 triệu đồng) cho mẹ, vợ liệt sĩ, nữ thương binh và con em gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn.
Chương trình chăm lo Tết Nguyên đán Ất Tỵ vừa được Hội LHPN TP Thủ Đức (TPHCM) khởi động vào sáng 30/12 với ngày hội “Xuân yêu thương - Tết nghĩa tình”.