Giáo dục chưa bao giờ là công việc nhàn hạ. Ngay chính các cường quốc giáo dục cũng luôn phải đứng trước thách thức phải làm gì để đổi mới giáo dục nhằm thích ứng với sự phát triển không ngừng của xã hội. Ở Việt Nam, do nguồn lực hạn chế, những thách thức ấy còn nhiều gấp bội.
Xuất phát từ trách nhiệm giáo dục là sự nghiệp của toàn dân, mọi người đều phải có trách nhiệm chung tay cho giáo dục, NES Education đã thực hiện dự án thiện nguyện Cùng giáo viên thay đổi (TEACH). Dự án này sẽ giúp được gì cho giáo viên và học sinh? Báo Phụ Nữ đã có cuộc trao đổi với tiến sĩ Bùi Trân Phượng - Chủ tịch HĐQT NES Education, người khởi xướng dự án, nhân dự án vừa ra mắt hôm 5/12.
Thưa bà, xuất phát từ đâu bà khởi xướng dự án TEACH?
- TEACH là dự án thiện nguyện đầu tiên của NES Education - một doanh nghiệp xã hội do các nhà giáo thành lập. Vì là những nhà giáo nên chúng tôi tha thiết muốn đóng góp cho giáo dục (GD). NES Education đã triển khai nhiều phương thức đóng góp nhưng đây mới là sự đóng góp đặc biệt do chúng tôi nỗ lực tìm tòi. GD hiện đang có nhiều bất cập, cả xã hội đều biết và đều trăn trở; nhưng GD là một tổng thể nên chúng tôi chỉ có thể chọn một khía cạnh của nó là giáo viên (GV) để tác động.
GV đang rất khổ. Họ bị xã hội “ném đá”, bị lên án bởi những việc làm không đúng như chuyện bạo hành trẻ em vừa qua. Là đồng nghiệp, chúng tôi hiểu sâu xa tại sao sự việc lại như thế. Có những việc ngoài tầm tay, ví dụ như chuyện lương thấp, chúng tôi không thể giúp gì được. Cái chúng tôi có thể làm được, có thể là GV đang cảm thấy cô đơn và khó khăn trong chuyên môn, chúng tôi đến với họ trong tư cách đồng nghiệp để cùng nhau tháo gỡ.
Chúng tôi vẫn có niềm tin: dù GD có bất cập thế nào thì đa số GV vẫn thương yêu và mong muốn làm những điều tốt đẹp hơn nữa cho học sinh (HS). Chúng tôi đến để giúp họ thực hiện mong muốn đó bằng những gì mình có. Chúng tôi không có tiền nhưng có thể vận động các nhà xuất bản, quyên góp để tặng sách cho các GV ở vùng sâu, khó khăn. Đối với GV ở các thành phố, chúng tôi không tặng sách nhưng mời gọi được những chuyên gia sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm để hỗ trợ đồng nghiệp.
* Bà có nói: “Thay đổi mục tiêu GD thông qua thay đổi từ GV, thay đổi thực tế dạy học trong và ngoài lớp học, đó là TEACH”. Vậy mục tiêu của TEACH, như bà đề cập, có khác mục tiêu của chương trình GD hiện tại?
- Mục tiêu GD đúng nghĩa là phát triển con người gồm cả người học, người dạy và cả những tác nhân tham gia vào GD. Chúng tôi muốn làm sao để GV hiểu, mục tiêu GD là giúp HS phát triển cả trí tuệ, tâm hồn và nhân cách, chứ không phải là để đậu vào đại học; đồng thời trong quá trình hướng dẫn cho người khác, mình cũng được phát triển. Được như vậy, xem như dự án đã thành công.
* Nói một cách dễ hiểu, TEACH sẽ giúp GV tiếp cận những tri thức khoa học theo cách của mình, để từ đó làm thay đổi tư duy, nhận thức và phương pháp dạy học. Thực tế, hằng năm ngành giáo dục và đào tạo vẫn tổ chức bồi dưỡng GV, cách làm của TEACH có khác?
- Tôi nghĩ là khác. Chúng tôi không tập hợp GV vào hội trường để nghe giảng rồi ra về, mà là trao sách đến tay họ. Một người GV không thể không đọc sách. Và, nếu chỉ đọc sách giáo khoa thì cũng không thể dạy được. Thời tôi còn dạy ở ĐH Sư phạm internet chưa phát triển, tôi đã nói với học trò mình: nếu vào lớp chỉ đọc lại sách giáo khoa thì HS dư sức đọc. Vì thế, chúng ta phải có cái gì khác để trao cho HS.
Người GV, dù dạy bất kỳ môn học nào không thể không đọc sách. Không những đọc sách chuyên môn của mình mà còn phải đọc rộng ra nhiều chuyên môn khác; để không chỉ biết rộng mà còn phải biết sâu lĩnh vực mình quan tâm. Để biết tình trạng đọc sách của GV như thế nào, trước khi đến với một trường học, chúng tôi sẽ làm một khảo sát nhỏ xem có bao nhiêu người đọc sách (tôi tin là rất ít), đọc những sách nào, bao lâu đọc một lần…
Căn cứ vào đó, chúng tôi sẽ giúp họ thay đổi nhận thức để tự thân họ thay đổi. Tôi nghĩ, đây là một việc trường kỳ. Thành công đến đâu phải chờ tương lai trả lời, nhưng chúng tôi kỳ vọng sau những cột mốc 3 tháng, 6 tháng, 1 năm, 2 năm, 3 năm thì số GV đọc sách sẽ tăng lên, đồng thời tăng được hàm lượng tri thức trong những sách mà GV đọc.
* Nền GD nặng thành tích của chúng ta đã tạo ra một sức ì ghê gớm nơi GV và cả lãnh đạo của họ. Liệu chúng ta có quá tự tin khi đặt ra mục tiêu thay đổi họ?
- Thực tế là mọi người, từ phụ huynh, HS cho đến lãnh đạo cấp Trung ương đang không hài lòng về GD. Cũng không thể nói đội ngũ cán bộ sư phạm cả nước đang hài lòng hạnh phúc với nghề nghiệp của mình. Cho nên Trung ương mới đặt ra vấn đề phải đổi mới căn bản và toàn diện.
Biết rằng sức ì là rất lớn, nhưng nếu chúng ta không tìm cách thay đổi, cứ để nó ì mãi như thế thì chuyện gì xảy ra? Người ta "tị nạn GD" bằng cách cho con đi du học, hoặc tối thiểu là cho con vào trường quốc tế, nếu không được nữa thì đành phải chịu đựng trong đau khổ. Phải thay đổi để tự cứu. Chúng tôi chỉ là người đi lay động. Rất khó, nhưng đây là việc sống còn, không làm thì chết.
* Với TEACH, bà kỳ vọng sẽ được những thay đổi gì ở HS?
- Nhiều chứ. Khi chúng ta thay đổi GV thì mục đích đích thực là làm thay đổi HS, vì GV là người truyền đạt, chuyển tải tri thức và góp phần giúp HS tự học. Nếu tạo được sự chuyển biến trong GV, HS sẽ noi theo, người hưởng lợi đầu tiên và cuối cùng vẫn
là HS.
* GV đã quá nhiều việc, tham gia dự án họ sẽ mất thêm thời gian, công sức… Bà có cách nào giúp họ giảm bớt gánh nặng?
- Đúng là GV đang phải làm nhiều việc hành chính. Chúng tôi hy vọng sẽ tạo được sự quan tâm của lãnh đạo các địa phương, từ đó sẽ có những thay đổi để giảm gánh nặng hành chính cho GV, giúp GV tập trung vào chuyên môn. Về chuyên môn, chúng tôi có cách giúp GV cực một lần nhưng chắc chắn sẽ hiệu quả hơn ở những lần sau. Ví dụ, bài giảng hiện nay sở dĩ không hấp dẫn HS là do GV chỉ có một nguồn tư liệu duy nhất là sách giáo khoa.
Chúng tôi sẽ cung ứng cho GV những nguồn tư liệu khác. Có thể ban đầu sẽ mất nhiều thời gian nhưng giờ giảng sẽ hay hơn, HS sẽ không ngủ gục mà hăng hái học hỏi, GV sẽ được động viên tinh thần rất lớn vì thấy ngay công sức mình bỏ ra đã có hiệu quả. Chúng tôi cũng nghĩ đến việc tổ chức cho GV giao lưu, chỗ này với chỗ kia, tỉnh này qua tỉnh khác. Đời sống tinh thần phong phú hơn thì tiềm năng sáng tạo sẽ được đánh thức.
* Việt Nam có hơn 1,2 triệu thầy cô giáo, TEACH sẽ làm cách nào để những gì mình mong muốn nhanh chóng lan tỏa đến tất cả?
- Mục đích của dự án không phải là nhanh chóng lan tỏa mà là lan tỏa có hiệu quả. GD là chuyện lâu dài nên chúng tôi phải đặt mục tiêu cho từng giai đoạn. Trước mắt, chúng tôi chỉ mới nói đến hai tháng thí điểm ở phía Nam, nhưng do phía Bắc cũng có nhu cầu nên phải lên kế hoạch thí điểm ở phía Bắc. Tiếp tục, nếu miền Trung cần, chúng tôi lại thí điểm ở miền Trung. Sau những đợt thí điểm đó, chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm để tiến hành những giai đoạn hiệu quả hơn.
* Xin cảm ơn bà.
“Tôi ở trong ngành giáo dục và đào tạo mấy chục năm nên rất hiểu những khó khăn của ngành. Đầu tiên là các cấp quản lý sẽ rất ngại, vì không có chúng ta khua khoắng họ cũng đã quá nhiều việc rồi. Họ dễ nghĩ chúng ta chỉ bày vẽ khiến họ thêm việc để làm. Kế đó là có thể do không hiểu chúng ta định làm gì, họ sẽ phải tìm hiểu xem những gì chúng ta làm có mâu thuẫn với việc họ đang làm không…
Tuy nhiên, chúng tôi có hội đồng cố vấn và mong muốn sẽ mời được thêm nhiều lãnh đạo các địa phương tham gia vào hội đồng này. Có các vị này, những người quản lý GD ở các địa phương sẽ yên tâm và chúng tôi sẽ nhận được sự tin cậy, hợp tác. Tất nhiên mình cũng sẽ phải giải thích, trình bày những việc mình làm rất nhiều để lãnh đạo các địa phương thấy rõ mình không làm họ bận bịu thêm, mà chỉ giúp họ làm tốt hơn công việc họ đang làm. Đổi mới GD là việc phải làm, chúng tôi chỉ góp thêm người, thêm của, thêm tâm huyết… để thực hiện việc đó”.
Tiến sĩ Bùi Trân Phượng
|
Minh Nhật (thực hiện)