Chúng tôi dạy online

15/02/2020 - 21:03

PNO - Gần tuần nay, Zalo, Messenger, tin nhắn điện thoại của tôi quá tải liên tục. Sinh viên “nhảy vào” hỏi, thắc mắc đủ thứ về học online.

Thông thường, sau tết, giảng viên chúng tôi sẽ túi bụi với lịch giảng học kỳ mới. Năm nay, kết thúc kỳ nghỉ dài lịch sử bởi sự hoành hành của Covid-19, chúng tôi vẫn… túi bụi nhưng theo một kiểu khác. 

Để phòng tránh dịch, trường đại học tôi công tác tiếp tục cho sinh viên nghỉ ở nhà. Nhưng kế hoạch giảng dạy không thể trì hoãn mãi và cũng chưa biết sẽ nghỉ đến bao giờ. Nhà trường chính thức chuyển sang hình thức dạy - học trực tuyến.

Sinh viên online nhận bài giảng, học liệu của giảng viên qua email hoặc hệ thống đào tạo trực tuyến. Rồi dưới sự hướng dẫn của giảng viên, sinh viên tự đọc, học, nghiên cứu nội dung bài, làm bài tập thực hành… Giảng viên thường xuyên trực tuyến để hỗ trợ, giải đáp thắc mắc và định hướng cho sinh viên.

Thực ra, dạy - học trực tuyến không còn xa lạ, cũng đã manh nha tại Việt Nam khá lâu. Tuy nhiên, hiệu quả của hình thức này rất khó kiểm chứng. Đa số các trường đại học nước ta hiện vẫn áp dụng phương pháp giảng dạy truyền thống. Bởi vậy, triển khai dạy - học trực tuyến, cả thầy và trò đều bỡ ngỡ.

Sinh viên chưa quen đăng nhập vào hệ thống, download tài liệu, tương tác trực tuyến với thầy cô… Giảng viên chưa quen việc thiết kế, trình bày bài giảng online, áp dụng các ứng dụng công nghệ thông tin, hay hỗ trợ sinh viên trên mạng. Chưa kể, nhiều thầy cô tuổi đã cao, ít sử dụng thiết bị công nghệ hiện đại… 

Gần tuần nay, Zalo, Messenger, tin nhắn điện thoại của tôi quá tải liên tục. Sinh viên “nhảy vào” hỏi, thắc mắc đủ thứ về học online. Các đồng nghiệp của tôi cũng luôn trong tình trạng “nổ” inbox. Chúng tôi biết sinh viên đang lo lắng nên ra sức chia sẻ, động viên, chỉ dẫn.

Các thông báo, hướng dẫn, tài liệu… được chuyển tới sinh viên sớm nhất, chi tiết nhất. Giáo án, bài giảng được thầy cô nỗ lực hiệu chỉnh phù hợp với dạy trực tuyến. Hệ thống mạng được gấp rút nâng cấp. Nhiều giảng viên còn túc trực online hỗ trợ sinh viên mọi lúc, mọi nơi. Thầy cô cao tuổi cũng không ngại ngần nhờ đồng nghiệp trẻ chỉ cách dùng công nghệ phục vụ cho việc giảng dạy. 

“Cô ơi, em muốn đi học”, “cô ơi, em nhớ trường nhớ các bạn”, “khi nào đi học lại vậy cô?”. Đó là những tin nhắn tôi nhận được nhiều nhất thời gian này. Tôi thấy tim mình rưng rưng, chỉ biết gửi lại các em những icon trái tim nhảy nhót qua… Facebook thay lời muốn nói.

Thực lòng, tôi cũng nhớ sinh viên của mình quá rồi. Tôi thèm cái cảm giác đứng trên bục giảng, phía dưới là những ánh mắt trong veo, nụ cười rạng rỡ. Tôi thèm nghe những giọng nói lảnh lót hồn nhiên, sự ồn ào náo nhiệt trong giờ thảo luận nhóm… 

Mấy nay lên trường, giảng đường vắng hoe, ghế bàn trống trơn quạnh quẽ, buồn khôn tả. Covid-19 ơi, qua nhanh nào! Cô trò tôi đếm ngược chờ ngày hội ngộ. 

Huệ Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI