Chúng tôi đang lo đồng bào khó 'trụ' nổi!

04/10/2019 - 12:23

PNO - Đi trong thời tiết se lạnh của vùng đất được mệnh danh là “Đà Lạt 2”, qua bao ngọn đồi, con dốc, chúng tôi đến bản Đắk Thốt (xã Thuận Hà, H.Đắk Song, tỉnh Đắk Nông).

Những trụ tiêu xanh tốt bỗng úa vàng, đổ gục 

Vượt hơn 250km, qua ngã ba rừng Lạnh, một địa danh gắn liền với những câu chuyện kỳ bí nơi thâm sơn cùng cốc, tiếp giáp giữa Quốc lộ 14A và Quốc lộ 14C chạy dọc sườn phía tây vùng biên ải Tổ quốc, tiếp giáp với nước bạn Campuchia, chúng tôi đến địa phận xã Thuận Hà.

Chung toi dang lo dong bao kho 'tru' noi!

Trẻ em thông Đắk Thốt đi học qua những con dốc quanh co.

 

Ở nơi có độ cao hơn 600m so với mực nước biển, trời chiều có nắng nhưng vẫn mát mẻ, dễ chịu. Đường giao thông nông thôn rất nhỏ, không đủ cho hai chiếc xe bốn chỗ tránh nhau, băng qua những ngọn đồi, những con dốc quanh co, đi xuyên qua những vườn cà phê, vườn tiêu xanh tốt nối nhau cho chúng tôi cảm giác về một cuộc sống sung túc, đầm ấm. 

Nhưng hiện thực đang hoàn toàn trái ngược với cảnh sắc.

Trưởng bản Đắk Thốt là anh Hoàng Phúc Vinh, buồn bã tiếp chúng tôi: “Thấy vậy chứ không phải vậy anh ạ. Đời sống bà con ở bản hiện đang gặp khó khăn hơn bao giờ hết. Bản có 270 hộ, chủ yếu là người Dao (65%), còn lại là người Kinh, Tày, Nùng, Thái, Hoa. Kinh tế gần như phụ thuộc vào cây tiêu và cây cà phê. Nhưng hai loại nông sản ấy đang rớt giá chưa từng có, nên cuộc sống vô cùng bi đát. Trước đây, có lúc mỗi ký tiêu khô đổi được 17-18kg gạo ngon, nay chỉ đổi được khoảng 2,5kg. Cà phê cũng vậy”.  

Chung toi dang lo dong bao kho 'tru' noi!

Những căn nhà xập xệ ở thôn Đăk Thốt

 

Và sự bi đát ấy được các cán bộ địa phương kể lại: cách đây ba năm, Nậm N’Jang - một xã kế bên xã Thuận Hà - trở thành “làng tỷ phú” nhờ cây tiêu. Thời điểm đó, giá mỗi ký tiêu tăng vọt từ 60.000 đồng/kg lên 200.000-250.000 đồng. Đời sống người dân từ “đủ ăn, đủ mặc” bỗng chốc… giàu có. Xã trở thành “làng tỷ phú” với hàng trăm căn biệt thự mọc lên, nhà nhà sắm xe hơi. Có lúc, chỉ một ngày, dân của xã đi “tậu” tổng cộng 39 chiếc xe hơi mới cáu. 

Cơn “sốt tiêu” lan sang các xã trong huyện và bản Đắk Thốt cũng không ngoại lệ. Người dân bản Đắk Thốt chặt các loại cây trái khác để lấy đất trồng tiêu, vay vốn ngân hàng để mua thêm đất trồng tiêu. Và giờ đây, khi những nọc tiêu cho hạt, thì giá tiêu rớt thê thảm nhất trong lịch sử (chỉ còn 35.000-38.000 đồng/kg tiêu khô). Thế là nhà nhà chết đứng.

Chung toi dang lo dong bao kho 'tru' noi!

Vợ chồng chị Triệu Thị Lan và hai con đã gần chục năm sống trong căn nhà nằng rọi, mưa dột, gió lùa này.

 

“Hầu như 100% hộ gia đình đều vay ngân hàng, ít thì năm ba trăm, nhiều thì lên hàng tỷ đồng, giờ đến hạn trả nợ nhưng không biết lấy đâu ra tiền. Nhiều gia đình khi phất lên, xây nhà lầu, xe hơi, giờ thì bán đổ bán tháo lấy tiền trả nợ. Hộ giàu có nguy cơ tái nghèo, còn hộ nghèo phải vay nóng để trả nợ ngân hàng, lãi chồng lên lãi. Thôn hiện có 28 hộ nghèo có mã số, 21 hộ cận nghèo” - Trưởng bản Hoàng Phúc Vinh chua chát. 

Và thực trạng của bản Đắk Thốt cũng là đặc điểm chung của xã Thuận Hà. Bà Vũ Thị Kim Soa - Phó chủ tịch UBND xã Thuận Hà - cho biết, toàn xã có 7 thôn/bản với 1.832 hộ thì có 89 hộ nghèo và 126 hộ cận nghèo. “Khi tiêu liên tục rớt giá, người dân không có tiền để đầu tư phân, thuốc. Những trụ tiêu đang xanh tốt bỗng úa vàng rồi gục xuống hàng loạt. Chúng tôi đang lo đồng bào khó “trụ” nổi!”. 

Có nhà rồi, ấm áp rồi! 

“Có nhà rồi, ấm áp rồi. Sắp tới gia đình em không còn lo mưa nắng, lạnh lẽo nữa” - chị Triệu Thị Lan, 29 tuổi, chủ nhân căn nhà tình thương vừa được Báo Phụ Nữ TP.HCM, Bộ đội biên phòng tỉnh Đắk Nông và Công ty TNHH Sản xuất thương mại Thuốc thú y - Thủy sản Mebipha trao tặng ngày 2/10 vừa qua - phấn khởi. 

Chung toi dang lo dong bao kho 'tru' noi!
Gia đình chị Lan hạnh phúc bên căn nhà mới được bàn giao

Là người dân tộc Dao, sinh ra ở Lạng Sơn, từ nhỏ Lan theo gia đình đi kinh tế mới vào Tây Nguyên. Cuộc sống trôi dần từ ngọn đồi này sang ngọn đồi khác ở các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông. Cách đây 8 năm, cha mất bởi căn bệnh lao phổi, gia đình Lan mới chuyển về sinh sống tại bản Đắk Thốt. Tại đây, Lan gặp và kết hôn với anh Đặng Hiếu Lâm, cũng là người Dao và được gia đình chồng chia cho 5 sào đất. 

Cũng giống như bao người trong bản, vào thời điểm hạt tiêu trở thành “vàng đen”, vợ chồng họ đã đem sổ đất đi “cắm” ngân hàng để vay tiền trồng 500 gốc tiêu nên giờ đây cũng đang rơi vào vòng xoáy nợ nần. “Vợ chồng em còn nợ ngân hàng mấy trăm triệu, mấy tháng nay cũng không có tiền để đóng lãi cho ngân hàng. Gạo, muối, nước mắm… thì mua thiếu tiệm tạp hóa không biết khi nào mới trả được. Họ cũng không vui đâu nhưng mình năm nỉ” - chị Lan buồn rầu.  

Chung toi dang lo dong bao kho 'tru' noi!

Bà Lâm Thúy Ái, Phó tổng giám đốc Mebipha và bà Vũ Thị Kim Soa - Phó chủ tịch UBND xã Thuận Hà, bàn gia mái ấm cho gia đình chị Lan.

Chung toi dang lo dong bao kho 'tru' noi!

Nhà tài trợ và đại diện bộ đội biên phòng

Được sự giới thiệu của Bộ đội biên phòng tỉnh Đắk Nông, đơn vị phối hợp thực hiện dự án Biên Cương Xanh của Báo Phụ Nữ, vợ chồng chị Lan đã được xây tặng căn nhà tình thương với kết cấu tường gạch, mái tôn, sàn lát gạch men, diện tích hơn 60m2 ngay trên mảnh đất của mình. Bên cạnh ngôi nhà mới, căn nhà tôn cũ nát, lụp xụp vẫn được giữ lại như một kỷ niệm. Vợ chồng họ hiện có hai con 8 tuổi và 2 tuổi. Đã nhiều năm qua vợ chồng con cái họ phải chịu nóng, chịu lạnh trong căn nhà nắng rọi, mưa dột, gió lùa ấy.

Sau hai tháng thi công khẩn trương, căn nhà mới trị giá 65 triệu đồng đã thành hình khang trang, sạch đẹp. Trước ngày bàn giao, nhà tài trợ đã tặng thêm tiền đề làm trần nhà và mua thêm bộ bàn ghế mới. 

Chung toi dang lo dong bao kho 'tru' noi!

Bên cạnh ngôi nhà mới, căn nhà tôn cũ nát, lụp xụp vẫn được chị Lan giữ lại như một kỷ niệm.

 

“Có mặt ở đây, thấy sự khó khăn cũng như nỗ lực vươn lên của gia đình chị Lan, tôi thực sự xúc động. Chúc vợ chồng chị nhiều sức khỏe, làm vườn cây trái tốt tươi, được mùa và trúng giá để kinh tế ngày càng khá hơn” - bà Lâm Thúy Ái, Phó tổng giám đốc Mebipha, chia sẻ trong lễ bàn giao nhà. 

Chung toi dang lo dong bao kho 'tru' noi!

Trong buổi bàn giao nhà tình thương, chị Lan mặc chiếc áo mới và rất vui vẻ.

 

Mong ước của bà Thúy Ái cũng là mong ước của 270 hộ gia đình ở bản Đắk Thốt và hàng ngàn, hàng vạn gia đình trồng tiêu ở tỉnh Đắk Nông. 

Được biết, năm 2019, dự án Biên Cương Xanh của Báo Phụ Nữ TP.HCM sẽ tiếp tục trao 5 mái ấm tình thương cho phụ nữ nghèo khu vực biên giới Tây Ninh và Đắk Nông. Trong dịp kỷ niệm ngày Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12 sắp tới, dự án sẽ tiếp tục trao một căn tại một xã biên giới của tỉnh Tây Ninh. 

Bài và ảnh: Hoài An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI