Sau thông tin Thủ tướng Chính phủ khuyến khích kết hôn trước tuổi 30 đang ồn ã trên mạng, chúng tôi lại tranh luận về những "quyết định sinh" tử của đời mình.
Nhóm bạn nữ thân của tôi, tới giờ này còn ngồi ở đây, giữa quán cà phê trên tầng cao trung tâm thành phố lớn, cũng được xem là "may mắn" so với bạn bè cùng trang lứa. Học xong đại học, có việc làm, tức 23 - 24 tuổi, chúng tôi đều nhanh chóng kết hôn. Đứa trễ nhất cũng 25 tuổi là xong việc ấy.
|
Thời chúng tôi, học xong cưới chồng là vừa đẹp. Vì các bạn không học đại học còn cưới trước vài năm. Ảnh minh họa |
Thời chúng tôi, kết hôn khi học xong là vừa đẹp. Chờ tới 26-27 mà "không thấy gì", xem như đã ế. Độ 30 tuổi thì cầm chắc cơ hội ở vậy suốt đời.
Xã hội mất cân bằng, đàn ông đã thiếu, đàn bà đã thừa, mà nhiều đàn bà còn dễ dãi. Mình khó khăn quá là mình ế ngay. Nào ai muốn cô đơn khi tuổi trẻ phơi phới, và cũng nào ai muốn tuột mất chàng trai đang yêu mình. Nên anh ấy có yếu đuối, lười biếng, hay tham vọng, tham lam, thậm chí thiếu tự trọng một chút, cũng phải giữ chặt mà tiến tới đám cưới cho nhanh, cho kịp với người ta.
Giờ đây, sau gần 17-18 năm hôn nhân, chúng tôi đều có công việc tốt, con cái giỏi giang, có vẻ là những phụ nữ thành công nhất trong số "đám lau nhau" ở quê ra phố ngày ấy. Nhưng, các bạn tôi có hạnh phúc không?
Nhìn lại, nhóm G8 của lớp tôi, có 8 cô, thì hiện đã ly hôn hoặc ly thân một nửa. Nửa còn lại cũng "ông chằng bà chuộc", khổ đau ngụp lặn trong hôn nhân. Vài cô vẫn tỏ vẻ yên ổn trên mạng xã hội, nhưng vẫn giấu hơi thở dài đâu đó.
Bạn thân nhất của tôi, một cô luật sư nổi tiếng, phải giữ hình để còn làm ăn, nên dù có vật vã ra sao đi nữa, khi ra đám đông các bạn chỉ ngồi cười cười tuyệt nhiên không chia sẻ gì. Nhưng những dòng chát lúc 2 giờ sáng, những đêm mất ngủ vì hận chồng, bạn không giấu nổi sự tuyệt vọng vào hôn nhân, đã thốt lên cùng tôi những suy nghĩ u ám, thật trái ngược với vẻ bình yên bạn trưng bày.
Người ta cứ nói sau tuổi 40 phụ nữ biết sống cho mình, sẽ thực sự tận hưởng cuộc đời, vì bạn biết mình muốn gì. Tuy vậy, dưới màu tóc nhuộm nâu, vàng, tím đủ cả là những gốc tóc chuẩn bị chuyển bạc của tuổi trung niên, chúng tôi ai cũng trăm mối tơ vò. Biết mình muốn gì đó, nhưng làm gì để có được điều mình muốn thì... chịu.
Những lấp lánh của vật chất đôi khi khiến nhiều bạn tự an ủi khi nhìn chị phụ nữ cùng tuổi bươn chải bán buôn bên đường: "May quá mình không phải phơi nắng phơi mưa vất vả như chị ấy", nhưng thật ra, niềm cô đơn - thứ người tuổi trung niên cần nhất, lại không dễ nhìn như cái quần, cái áo... Chưa chắc người bán hàng rong bên đường đã thở ra những câu từ bất mãn: "Có chồng mà như không", "có thế này thà không chồng cho sướng", "độc thân vui tính tự do bay nhảy như bé H., bé B. mới là sống chứ"... thường trực ở miệng các bạn tôi.
Cô hoa khôi của nhóm G8 nhiều lần than: "Muốn vứt hết áo quần son phấn sang chảnh, ôm một ít tài khoản ngân hàng mà chui về một vùng quê thật yên ả, tránh xa lão chồng bạc bẽo. Nhưng làm sao rút được một ít số tài khoản ấy, lại mang được cả con theo cùng, khó hơn bắc thang lên trời".
|
Hôn nhân quả thực là một canh bạc đầy rủi ro. Ảnh minh họa |
Nếu cho chọn lại thời điểm để yêu và kết hôn, chúng tôi có chọn thời điểm trước tuổi 25, chọn người như đã chọn không? Đa số cho câu trả lời không. Chúng tôi muốn có 10 năm nữa để kéo dài tuổi trẻ, học thêm nhiều kỹ năng, ít nhất là kỹ năng... thủ thân.
Các bạn tôi nói họ sẽ tập trung vui chơi, du lịch, làm việc, kiếm tiền, yêu thêm một hai người nữa. Đàn ông bên mình không có cũng được, nhưng tiền là phải có. Con cái nếu thích chúng quá, thì có thể không sinh với người này, thì vẫn có cơ hội sinh với người khác, cùng lắm là tới phòng khám xin tinh trùng thụ tinh nhân tạo, hoặc xin con nuôi, xin nuôi cháu... Không nhất thiết phải kết hôn khi chưa có cảm giác yên tâm. Ế cũng được, ế có gì đáng sợ, ế thì tụ lại mua nhà sống cùng nhau, nương tựa nhau. Cuộc sống ngục tù của cuộc hôn nhân hiện tại mới là đáng sợ.
Vậy nhưng, mặc ai nói ra nói vào, cô bạn thu nhập thấp nhất, công việc long đong nhất nhóm lại khẳng định: nếu chọn lại, cô ấy vẫn kết hôn sớm. Vì giờ đây, con cái sắp hết cấp III và cô "sắp sung sướng", có quyền được sống cho mình, thoát khỏi 2 chữ "vì con".
Lý luận của cô là: "Tới tuổi yêu thì yêu, tới tuổi lấy chồng thì lấy. Tới lúc sinh con thì sinh. Còn mọi thứ trên đời, đâu ai tính trước được. Lớp của em gái út tao đó, chúng nó toàn sau tuổi 30 mới kết hôn, mà cũng ly hôn, ly thân gần hết đấy thôi".
Thôi thì, các nhà chính sách cứ vận động, cũng như bí thư thành uỷ TPHCM vận động chị em sinh đủ 2 con để giữ tỷ suất sinh cho thành phố. Ai thấy tin tưởng vào hôn nhân và quyết định của mình thì cứ lấy chồng, sớm muộn chỉ mang tính tương đối. Việc sinh con cũng vậy, xong sớm - nghỉ sớm. Nhưng với con gái tôi, chắc chắn tôi sẽ khuyên cháu không lấy chồng trước tuổi 30, cứ kéo dài tuổi trẻ, tận hưởng tuổi trẻ quý giá đi đã...
Thảo Nguyên
(Q.Cầu Giấy, Hà Nội)
Bạn đồng tình hay phản đối chuyện kết hôn trước tuổi 30 và sinh đủ 2 con trước tuổi 35? Bạn đang ở độ tuổi nào và đã trải nghiệm hôn nhân chưa? Hãy chia sẻ cùng chúng tôi câu chuyện của bạn quanh các nội dung Quyết định 588 của Thủ tướng Chính phủ.
Bài viết xin gửi về địa chỉ email: online@baophunu.org.vn. Các bài được chọn đăng sẽ nhận nhuận bút của tòa soạn.
|