'Chúng tôi chưa đủ thời gian, chưa đủ mạnh dạn để nói về mình'

16/01/2020 - 19:42

PNO - Đó chính là khẳng định của Thiếu tướng Trần Đức Tài - Phó giám đốc Công an TPHCM tại cuộc gặp mặt báo chí, thông tin về hình hình, kết quả công tác đảm bảo trật tự an toàn xã hội năm 2019 và một số công tác trọng tâm 2020 năm của ngành vào chiều 16/1.

"Nhiều tấm gương khổ lắm!"

Cụ thể, tại cuộc gặp mặt, báo chí đặt vấn đề, ngành công an có rất nhiều tấm gương với sự cống hiến và hy sinh thầm lặng; người dân cần được thông tin nhiều hơn về những cá nhân này nhưng lâu nay... hiếm hoi xuất hiện.

Thiếu tướng Trần Đức Tài thừa nhận, đây là một thiếu sót trước yêu cầu chính đáng của người dân, cần được biết thông tin, để đồng cảm và chia sẻ cũng như nên có sự suy tôn các chiến sĩ công an trong công tác của mình.

Nói về lý do, Phó giám đốc Công an TPHCM Trần Đức Tài khẳng định: “Chúng tôi chưa đủ thời gian, chưa dám mạnh dạn nói về mình”; đồng thời cho biết, tới đây sẽ đẩy mạnh hơn nữa nhiệm vụ này.

Phó giám đốc Công an TPHCM Trần Đức Tài phát biểu chiều 16/1
Phó giám đốc Công an TPHCM Trần Đức Tài phát biểu chiều 16/1

“Năm vừa qua, toàn ngành không dưới 700 trường hợp không nhận tiền hối lộ. Riêng công an giao thông có 397 cán bộ không nhận hối lộ, nói không với tiêu cực” - ông Tài cho biết. Song song, ông bày tỏ sự xúc động: “Nhiều tấm gương khổ lắm, ban ngày đi làm vất vả nhưng đêm về vẫn đi làm việc thêm”.

Riêng công tác xử lý cán bộ có hành vi vi phạm trong lực lượng công an, Thiếu tướng Trần Đức Tài quyết liệt: “Nếu trong nhà không vững thì ra ngoài sẽ đổ”. Theo ông Tài, các chiến sĩ công an là những người được nhân dân nuôi dưỡng, nhà nước đào tạo, được trang bị tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống mà sai phạm là một điều rất tệ.

Từ đó, ông khẳng định: “Nếu chiến sĩ nào có sai phạm sẽ lập tức xử nghiêm. Đồng chí nào xa rời tổ chức, tập thể, vi phạm sẽ xử lý nghiêm”. Thông tin về sự nghiêm minh này, theo ông Tài, không chỉ câu chuyện cảnh sát ở P.17, Q.Bình Thạnh mới đây, ngay lập tức bị đình chỉ công tác, tước quân tịch do hành vi “vòi tiền”; mà nhiều trường hợp cũng đã bị xử lý tước quân tịch, khởi tố khi vi phạm pháp luật.

Ông Tài nhấn mạnh: “Chúng tôi mong muốn xứng đáng để phục vụ nhân dân tốt hơn, sẽ không ngại cung cấp thông tin và không có sự bao che nào”.

Tội phạm mọi lĩnh vực đều sử dụng mạng xã hội

Liên quan đến công tác đấu tranh phòng chống tội phạm công nghệ cao; theo Phó giám đốc Công an TPHCM Trần Đức Tài, hiện nay không chỉ tội phạm nhắm vào an ninh quốc gia, chính trị, khủng bố, xuyên tạc, chống phá nhà nước mà hầu như tất cả các lĩnh vực như ma túy, hình sự, kinh tế… tội phạm đều sử dụng triệt để mạng xã hội.

“Đây cũng là khó khăn trong công tác phòng ngừa. Hiện có rất nhiều trường hợp các đối tượng lừa đảo giả danh các cơ quan như công an, viện kiểm sát để yêu cầu chuyển tiền, có trường hợp chuyển tới 10 tỷ đồng” - ông Tài cho biết, và khẳng định việc điều tra tội phạm này rất khó, do phải thực hiện xác minh số tài khoản, số điện thoại của các đối tượng để lần ra đường dây…

Tội phạm công nghệ cao hoạt động
Tội phạm công nghệ cao hoạt động "phủ sóng" mọi lĩnh vực

Theo ông Tài, ngoài cần đến sự phối hợp, hỗ trợ, tuyên truyền của báo chí nhằm nâng cao nhận thức, cảnh giác cho người dân; tới đây, chuyên đề về phòng chống tội phạm công nghệ cao cũng sẽ được thông tin rộng rãi, bao gồm phương thức của tội phạm, số liệu điều tra lẫn tổng thiệt hại trong năm 2019 về lừa đảo qua mạng.

Liên quan đến tình hình đấu tranh phòng chống tội phạm, báo cáo của Công an TPHCM cho thấy, tội phạm hình sự trong năm 2019 giảm 7,35% so với cùng kỳ; tội phạm ma túy phát hiện và xử lý 1.648 vụ, khởi tố 1.436 vụ với 1.882 bị can.

Không cho tội phạm từ các nơi tràn về

Cũng tại cuộc gặp mặt, Báo Phụ Nữ TPHCM đã chất vấn Công an TPHCM về công tác phòng chống tội phạm, đảm bảo an ninh trong dịp Tết Nguyên đán 2020.

Theo đó, vừa qua, Bộ Công an điều động 400 cảnh sát cơ động về tỉnh Đồng Nai để thực hiện cao điểm tấn công trấn áp tội phạm dịp cuối năm. Dự kiến, 400 cảnh sát cơ động sẽ hỗ trợ Công an tỉnh Đồng Nai thực hiện nhiệm vụ đến hết tháng 2/2020.

Tỉnh Đồng Nai được xem là “cửa ngõ” dẫn vào TPHCM, việc tăng cường lực lượng ở tỉnh này vừa giúp ngăn chặn tội phạm đi qua “cửa ngõ” vào TPHCM song mặt khác, có thể dẫn đến nguy cơ tội phạm dổ dồn về TPHCM hoạt động.

“Để người dân thành phố được an tâm đón Tết, ngành công an TPHCM có những kế hoạch cụ thể nào nhằm ứng phó với nguy cơ (nếu có) này?” - Báo Phụ Nữ TPHCM đặt câu hỏi.

Trả lời, ông Thái Thanh Xuân - Trưởng phòng Tham mưu Công an TPHCM khẳng định: “Cũng như tỉnh Đồng Nai nói riêng, cả nước nói chung, TPHCM thực hiện tháng cao điểm tấn công tội phạm và quản lý chặt địa bàn”.

Theo ông Xuân, ngày 13/1, ngành công an thành phố tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác năm 2020, đến dự, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã chỉ đạo, giao trách nhiệm quản lý chặt địa bàn về cho công an địa phương.

“Nếu để xảy ra tội phạm, băng đảng nhóm hoạt động trên địa bàn mình thì trách nhiệm thuộc về người đứng đầu địa phương đó” - ông Xuân thông tin, đồng thời cho biết, trong tháng cao điểm, các địa phương, đơn vị cơ sở sẽ ra quân mạnh, giữ vững địa bàn, không cho tội phạm ở các nơi tràn về.

Tuyết Dân

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI