Chung thủy với đũa tre

28/11/2019 - 06:00

PNO - Thị trường đũa tre hiện nay khá hẹp vì bị các loại đũa nhựa, đũa inox, đũa gỗ… cạnh tranh. Tuy nhiên, nó vẫn có chỗ đứng nhất định trong lòng người tiêu dùng.

Ấp Trường Phước, xã Trường Tây, H.Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh hiện có hơn 30 hộ sản xuất đũa tre truyền thống. Bà Nguyễn Thị Bé (Hai Bé), 82 tuổi, người có hơn 45 năm làm nghề cho biết, nghề làm đũa tre truyền thống ngày càng khó khăn.

Theo bà Hai Bé, hồi bà còn con gái, tre quanh vùng còn nhiều, người làm đũa chỉ cần đạp xe một vòng trong xóm mua tre rồi cắt khúc chở về. Còn bây giờ, nguyên liệu tự nhiên đã cạn kiệt mà vùng nguyên liệu trồng thì không có nên khoảng hơn 10 năm nay các con bà phải sang tận những huyện xa ở Bình Dương, Bình Phước để mua tre, mất “năm cơm mười cháo” mới có được chiếc đũa. Có khi đi hai ngày mà không mua được cây tre nào. 

Chung thuy voi dua tre
Bà Hai Bé bên những bó đũa tre
 

Nhà bà Hai Bé hiện vẫn có bảy người theo nghề làm đũa tre. Hai con trai phụ trách việc đi mua tre. Chị Hằng, con dâu đảm đương việc ra lóng và chẻ nan. Mấy đứa cháu 10 - 15 tuổi phụ việc phơi đũa, dọn dẹp nan bổi.

Bà Hai Bé tuổi cao sức yếu nên phụ trách khâu “mức đầu đũa”, tức là khi chiếc đũa đã vót xong bà sẽ vót lại đầu gốc (đầu so đũa) cho gọn, đẹp đồng thời cũng để phân biệt với đầu ngọn (đầu gắp). Riêng khâu vót đũa, gia đình bà Bé phải thuê với giá 130.000 đồng/thiên. 

Một cây tre có thể cho ra ba loại đũa là đũa xới, đũa xào và đũa ăn. Những lóng tre dài 30 - 40cm dùng để vót đũa xào, đũa xới. Những lóng ngắn ở gốc và ngọn cây tre dùng để vót đũa ăn. Cây tre sẽ được phân ra ba đoạn để dễ dàng chất lên xe tải. Về nhà, người phụ trách việc ra lóng sẽ nhìn từng đoạn tre để ra sao cho phù hợp. 

Với bảy nhân công làm nghề, mỗi tháng gia đình bà Hai Bé cho ra khoảng 60 - 70 thiên đũa (mỗi thiên 1.000 chiếc đũa). Bà bỏ mối cho thương lái khoảng 30 - 40 thiên, số còn lại con cháu bó lại (20 đôi/bó) rồi mang đi bán khắp các chợ trong tỉnh. 

Thị trường đũa tre hiện nay khá hẹp vì bị các loại đũa nhựa, đũa inox, đũa gỗ… cạnh tranh. Tuy nhiên, nó vẫn có chỗ đứng nhất định trong lòng người tiêu dùng. Du khách mỗi khi đến Tây Ninh tham quan, du lịch vẫn tìm mua đũa tre về làm quà. Giá thành hiện nay của loại đũa thường là 300.000 đồng/thiên, loại đặc biệt (tre già) là 400.000 đồng/thiên. 

Theo bà Bé, giá thành của đũa tre ngày càng tăng, vì giá nguyên liệu, chi phí vận chuyển, tiền công đều tăng... trong khi giá đũa thì mấy năm qua chỉ “nhích từng chút”.

Tuy nghề làm đũa tre ngày càng khó khăn, nhưng hàng chục hộ dân ở Trường Phước vẫn chung thủy với nghề vì đó là nghề của cha mẹ truyền lại. 

Trang Phạm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI