Ngay sau bài Dân Sài Gòn khó thở vì hàng ngàn miệng cống “hết đát” đăng trên Báo Phụ Nữ TP.HCM số ra ngày 22/2, nhiều bạn đọc đã bức xúc gọi về chia sẻ, “chỉ điểm” thêm những miệng cống bốc mùi và “vạch tội” kẻ tội đồ: rác thải sinh hoạt.
Vô tư vứt rác vào miệng cống!
Bà Nguyễn Thị Ngà, ngụ ở đường Phạm Văn Bạch, P.15, Q.Tân Bình cho biết, ngay trước nhà của bà là miệng cống mà không bao giờ nước mưa có thể chảy tự nhiên vào đó. Tuần nào vợ chồng bà cũng ra móc cống. Thế nhưng cứ mỗi sáng đầu tuần, rác lại đầy miệng cống. Bà nói: “Người dân khu phố tôi ai nấy đều có chỗ để rác đàng hoàng, nhưng khu vực này gần chợ, nhiều người bán hàng rong… nên họ cứ tiện tay ném. Nhiều anh chị nam nữ thanh niên, quý ông, quý bà ăn mặc rất sang, vậy mà đi ngang lỗ cống là ném rác”.
Anh Đào Ngọc Hòa, nhà ở P.11, Q.Gò Vấp cho biết, không chỉ ở những con đường lớn, mà nhiều tuyến đường “xương cá”, hễ có cống là có rác. Người dân vô tư xếp rác ngay miệng cống như một lẽ hiển nhiên. Kinh khủng hơn nữa, chỗ nào cắm biển không xả rác thì y rằng nơi đó rác sẽ chất đầy lên.
|
Kênh Giải Phóng P.4, Q.Tân Bình |
Vấn đề bạn đọc lo lắng là mùa mưa cũng sắp bắt đầu, nếu không triệt để xử lý tình trạng các miệng cống, ngăn chặn hành vi xả rác không đúng nơi quy định… thì nguy cơ mưa xuống, như hình ảnh thường thấy, cả thành phố sẽ lềnh bềnh những rác.
Được biết vài tháng trước đây, trong đợt tổng vệ sinh chuẩn bị đón tết, hai công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị thành phố và Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị thành phố đã phải tận lực vì những miệng cống hết “đát”, bốc mùi này. Trong bốn tháng, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị đã xử lý trên 12.000 điểm tụ rác trên các miệng cống, lôi ra trong đó hàng ngàn tấn rác thải các loại. Công việc tốn kém kinh phí, nhân lực, vật lực này dường như không tác động mấy đến nhận thức của người dân.
Mỗi xã, phường mới chỉ phạt 1 đến 4 vụ xả rác sai quy định
Ông Trần Văn Bình, một chủ doanh nghiệp ở Q.8, TP.HCM chia sẻ: “Ngăn chặn ô nhiễm môi trường từ các cống hết “đát” không chỉ là thay miệng cống. Giải pháp lắp đặt hố ga thông minh, ngăn mùi, xử lý nước thải… là việc phải làm của Công ty Thoát nước đô thị TP.HCM và Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố. Điều quan trọng hơn chính là thành phố cần vận dụng hành lang pháp lý để bảo vệ môi trường. Phải xử phạt tất cả hành vi vi phạm dù lớn hay nhỏ”.
Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (có hiệu lực từ ngày 1/2/2017) đã quy định: “Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 7 triệu đồng đối với hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị”.
Tuy nhiên, báo cáo tại một tọa đàm về việc xử phạt hành vi xả rác nơi công cộng, cuối năm 2018, ông Trương Lâm Danh - Trưởng ban Pháp chế Hội đồng nhân dân TP.HCM cho biết, dù quy định pháp luật về xử phạt hành chính đối với hành vi xả rác nơi công cộng, khu dân cư đã có đầy đủ, thậm chí quy định cả thẩm quyền xử phạt một cách rõ ràng, nhưng qua khảo sát thì Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân TP.HCM thấy rất ít phường, xã, thị trấn thực hiện. Có một số ít phường phạt 4 vụ là cao nhất, còn lại chỉ phạt 1 vụ hoặc không xử phạt”.
Như vậy sau 2 năm có hiệu lực thi hành, nghị định vẫn được “để đó”, còn hành vi hủy hoại môi trường từng ngày, từng giờ vẫn lặng lẽ diễn ra trong cuộc sống.
Luật sư Đoàn Trọng Nghĩa - Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, vấn đề ô nhiễm môi trường càng trở nên trầm trọng nếu cơ quan thẩm quyền không kiên quyết xử phạt các hành vi xả rác ra môi trường song song với công tác tuyên truyền.
Theo luật sư Nghĩa, cần có một cơ chế để giám sát cả việc xử phạt này. Tận dụng việc kết nối hệ thống camera an ninh để xử phạt nguội. Ông cho biết: “Khi còn chưa xử phạt xong hành vi không để rác đúng nơi quy định, thì đừng mong xử phạt được hành vi không phân loại rác tại nguồn. Cần đẩy mạnh từ việc phạt nóng, phạt nguội hành vi xả rác, song song đó, hướng dẫn người dân phân loại rác tại nguồn, xử lý, chế tài hợp lý. Như thế mới mong ngăn được hành vi xả rác bừa bãi và tiến tới phân loại rác tại nguồn như mong ước”.
Chia sẻ vấn đề này với Báo Phụ Nữ, ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM, cho biết: rác khắp nơi không chỉ làm ô nhiễm môi trường sống mà còn gây ngập nước nghiêm trọng hơn, do làm tắc nghẽn hệ thống thoát nước. Tuy nhiên, cùng với những giải pháp xử lý hành chính như phạt tiền đối tượng xả rác khu vực công cộng, các cơ quan chức năng cần tính đến giải pháp đồng bộ hạ tầng tiếp nhận rác thải tại khu vực công cộng.
Theo đó, lượng thùng rác tại khu vực công cộng như công viên, đường phố phải đủ để đáp ứng yêu cầu bỏ rác của người dân. Mặt khác, thùng rác bố trí tại khu vực công cộng phải được thiết lập sao cho hỗ trợ người dân nhận diện được cách thức phân loại rác thải trước khi bỏ. Có như vậy mới mong giảm thiểu nguy cơ rác thải tràn ngập hệ thống cống, kênh rạch, giúp giảm ngân sách đầu tư cho hoạt động thu gom rác thải và quan trọng hơn giúp giảm ngập cho thành phố vào mùa mưa…”.
Hạnh Chi