Chung tay vì thời trang bền vững

24/05/2018 - 06:56

PNO - Tại Hội nghị thượng đỉnh về thời trang lần 6 ở Copenhagen (Đan Mạch), một số thương hiệu lớn của ngành thời trang quốc tế đã ký cam kết “Make Fashion Circular”

Tại Hội nghị thượng đỉnh về thời trang lần 6 ở Copenhagen (Đan Mạch), một số thương hiệu lớn của ngành thời trang quốc tế đã ký cam kết “Make Fashion Circular” (tạm dịch: Vòng quay thời trang), nhằm giảm thiểu rác thải trong ngành thời trang.

Dệt may nói chung và thời trang nói riêng là một trong những ngành gây ô nhiễm nhất thế giới, trung bình thải ra 1,2 tỷ tấn CO2 mỗi năm, nhiều hơn so với các chuyến bay quốc tế và vận chuyển hàng hải. 

Chung tay vi thoi trang ben vung

Các sản phẩm có nguồn gốc từ chất liệu hữu cơ, thân thiện với môi trường ngày càng được ưa chuộng

Chỉ riêng việc giặt vải đã thải ra 500.000 tấn hạt vi nhựa mỗi năm, tương đương với 50 tỷ chai nhựa, vẫn đang trôi lênh đênh trên biển. “Make Fashion Circular” chỉ ra rằng, ngành công nghiệp thời trang có thể tiết kiệm đến 560 tỷ USD (trong đó có 460 tỷ USD từ việc mua sắm quần áo vô tội vạ và 100 tỷ USD từ việc tái sử dụng quần áo cũ) khi góp phần thay đổi thói quen tiêu dùng của những con nghiện thời trang.

Hơn 16 người, gồm đại diện chính quyền thành phố, các nhà sản xuất và đối tác như Burberry, H&M, ngân hàng HSBC, NIKE và nhà thiết kế Stella McCartney đã đưa ra ba biện pháp thiết thực giúp loại bỏ rác thải trong ngành công nghiệp thời trang cũng như quy trình sản xuất gây ô nhiễm môi trường: hỗ trợ tài liệu và đưa ra mô hình kinh doanh quần áo đã qua sử dụng; cải thiện thiết kế, sử dụng vật liệu an toàn, có thể tái chế; biến quần áo đã qua sử dụng thành quần áo mới.

“Không công ty nào có thể một mình chinh phục được thách thức của việc chuyển công nghiệp thời trang từ mô hình kinh doanh tuyến tính sang mô hình kinh doanh quay tròn. Đây là lý do tại sao một dự án chung như thế này là rất quan trọng” - đại diện H&M, ông Iñigo Sáenz Maestre, nói. Giám đốc của “Make Fashion Circular” - François Souchet - nói mục tiêu của chiến dịch là tạo nên “một phong trào toàn cầu”, hướng đến một nền kinh tế mà quần áo sẽ không bao giờ trở thành rác thải. “Sản xuất quần áo đã tăng gấp đôi trong 15 năm qua, trong khi số lần chúng ta mặc chúng trước khi vứt đi ngày càng giảm”.

Chung tay vi thoi trang ben vung
Thời trang là ngành gây ô nhiễm thế giới

Thời trang bền vững (sustainable fashion hay eco-fashion) đã trở thành triết lý thời trang mới được nhiều nhà thiết kế khắp thế giới theo đuổi. Mỗi thương hiệu, nhà thiết kế có thể chọn một công thức bền vững riêng, phù hợp với giá trị của thương hiệu, niềm tin, con người và nguồn lực của mình. Sự chuyển dịch trong xu hướng tiêu dùng của người trẻ khiến các nhà mốt ngày càng vững tâm đi theo hướng phát triển bền vững. Theo thống kê, 40% người mua sắm thời trang bền vững trong độ tuổi từ 18-40. Các trang web bán hàng thời trang “second hand” xuất hiện ngày càng nhiều. Năm 2017, thời trang bền vững chiếm 6% thị phần thời trang.

Tại Việt Nam, triết lý này cũng được nhiều nhà thiết kế uy tín tham gia như Vũ Tá Linh hay Thảo Vũ với thương hiệu Kilomet 109. Nhiều thương hiệu nhỏ như Metiseko (quần áo và đồ dùng gia đình), Meraki (quần áo), Leinné (túi xách và nón)… sử dụng chất liệu hữu cơ, đặt lợi nhuận song hành cùng trách nhiệm với môi trường, xã hội. 

Lê Phan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI