Tổn thương tâm lý ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống phía trước của các em mồ côi vì đại dịch. Tùy thuộc vào độ tuổi, sự trưởng thành, chín chắn mà mỗi trẻ sẽ biểu hiện những phản ứng tâm lý khác nhau, không loại trừ cảm xúc, thái độ và hành vi mang tính bất thường hoặc tiêu cực. Mối quan tâm chung của toàn xã hội với nhóm đối tượng này là: Nên hỗ trợ các em như thế nào và bắt đầu từ đâu?
|
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK |
Ghi nhận biểu hiện tâm lý bất thường
Để phòng tránh những bất trắc hoặc diễn tiến xấu có thể xảy đến với trẻ sau cú sốc tâm lý mất người thân, cần lưu ý:
Đối với người thân, họ hàng nhận trách nhiệm chăm sóc trẻ, cần chú ý quan sát biểu hiện của trẻ có gì giống và khác so với thường ngày hay không? Chẳng hạn, trẻ có biểu hiện buồn bã, lo âu kéo dài, chán ăn, mệt mỏi, thu mình và tự nhốt mình trong phòng, tránh tiếp xúc với người khác, giảm tần suất nói chuyện, trao đổi với người nhà, không chia sẻ cảm xúc, tâm tư với mọi người xung quanh…
Khi ở trong không gian riêng, trẻ tự nói chuyện một mình, cười khóc vô cớ hoặc nói những lời lẽ thiếu niềm tin và tiêu cực…
|
Ảnh mang tính minh họa |
Đối với người chăm sóc trẻ ở các cơ sở nuôi dạy trẻ mồ côi, hoặc nơi lưu trú mới (không phải ở gia đình cũ của trẻ) cần chú ý việc đi đứng, ăn uống, ngủ nghỉ, học tập của trẻ, xem xét mức độ tập trung, chú tâm của trẻ vào mọi việc, có dễ sao nhãng hay nhanh chán nản, bỏ cuộc không? Trẻ chịu mở lời khi được hỏi hoặc quan tâm hay không? Sự bất lực, mệt mỏi hay đau buồn thông qua ngữ điệu, cử chỉ, ánh mắt, lời nói nhiều hay ít?
Mọi khác biệt hoặc bất thường so với tâm lý của độ tuổi khiến chúng ta cảm thấy trẻ có xu hướng tiêu cực trong cảm xúc, lời nói và hành động… đều không nên bỏ qua. Đó là dấu hiệu quan trọng thông báo tình hình sức khỏe tâm lý của trẻ.
Tuy nhiên, hạn chế dán nhãn hay “nhiệt tình bắt bệnh” và can thiệp thô bạo vào vấn đề của trẻ nếu chưa tham khảo ý kiến từ các nhà chuyên môn.
Chấp nhận diễn biến tâm lý khác biệt
Đối với trẻ, cú sốc mất mát cha mẹ tác động đến hầu hết mọi mặt đời sống và trẻ cần rất nhiều thời gian để thích ứng. Vì vậy, những người chăm sóc trẻ và có trách nhiệm liên quan cần chấp nhận diễn biến tâm lý có phần khác biệt so với trước đây và cố gắng hiểu cảm giác hụt hẫng, mất mát, nhớ thương, buồn giận, thậm chí là áp lực, mệt mỏi hay muốn từ bỏ mà trẻ đang mang vác.
Việc động viên tinh thần trẻ mỗi ngày, tạo dựng niềm tin về tương lai tươi sáng sẽ giúp trẻ hình thành và hướng đến suy nghĩ lạc quan, tư duy tích cực. Luôn bố trí người đồng hành, lắng nghe và chỉ dẫn cho trẻ. Không để trẻ rơi vào trạng thái cô đơn, cùng quẫn khi phải tự chống chọi, giải quyết những khó khăn.
Đặc biệt, hạn chế nhắc lại những đau thương mất mát trẻ đã trải qua, không chỉ trích, chì chiết khi trẻ khóc, buồn bã và chán nản. Nỗ lực duy trì sự thân thuộc và tạo dựng lại cảm giác gia đình, bầu không khí của tình thân nhiều nhất có thể, để trẻ tin tưởng và mở lòng với các thành viên, cũng như người xung quanh, từ đó chấp nhận tạo lập các mối quan hệ mới với người muốn hỗ trợ trẻ, nhất là người lạ.
Tận dụng các giải pháp hỗ trợ
Đảm bảo đời sống vật chất: Người thân, họ hàng hoặc người nhận chăm sóc trẻ cần quan tâm chỗ ăn, nơi ở và điều kiện để trẻ được đến trường/học tập, chăm sóc sức khỏe thể chất. Tạo tiền đề phát triển đời sống tâm lý tích cực cho trẻ.
Kết nối các nguồn lực: Để nâng đỡ và cải thiện tâm lý cho trẻ, việc tranh thủ các nguồn lực sẵn có hoặc vận động các tổ chức có cùng mối quan tâm là rất cần thiết. Người chăm sóc trẻ, một mặt tìm cách động viên an ủi trẻ tại gia đình/nơi cư trú, mặt khác cần phối hợp với nhà trường và các chuyên gia tâm lý, giáo dục để theo dõi các biểu hiện tâm lý bất thường, cũng như các chuyển biến tích cực mà trẻ thể hiện.
Ngoài ra, cần liên hệ và kết nối với các tổ chức chăm sóc, bảo vệ, tư vấn chính sách dành cho trẻ em của địa phương để trẻ được quan tâm đồng bộ, đầy đủ và khoa học hơn. Đồng thời, tìm kiếm và đặt vấn đề về việc hỗ trợ tâm lý đến các trường học/tổ chức thiện nguyện, chăm sóc tinh thần trẻ mồ côi để nối dài cánh tay cũng như đảm bảo không đứt đoạn quá trình hỗ trợ tâm lý lẫn vật chất cho trẻ trong tương lai.
Chăm lo đời sống tinh thần và giúp trẻ tái hòa nhập xã hội: Một số trẻ có biểu hiện thu mình, hạn chế giao tiếp xã hội, ngại kết bạn hoặc từ chối tham gia các hoạt động đội nhóm trong quá trình sinh hoạt, học tập.
|
Hãy giúp trẻ không "lạc đàn". Ảnh mang tính minh họa - Jcomp |
Người lớn, thầy cô, các nhà chuyên môn khuyến khích trẻ bước ra thế giới kết bạn, giao lưu để không “lạc đàn” với trẻ cùng độ tuổi. Ví dụ như đăng ký cho trẻ tham gia vào các câu lạc bộ học tập, lớp kỹ năng sống, chương trình dã ngoại, gợi ý thành lập nhóm bạn học tập, mời bạn bè đến nhà học chung, chơi chung hoặc kết nối để trò chuyện trực tuyến, đăng ký học hát, múa, bơi ngoài giờ/cuối tuần…
Có thể cho trẻ gặp chuyên gia tâm lý, giáo dục để được tham vấn, hỏi ý kiến khi cần thiết.
Thạc sĩ tâm lý Lê Minh Huân
(Đại học Quốc tế Sài Gòn)