"Hội viên, phụ nữ toàn thành phố cùng tuyên chiến với rác thải nhựa, cùng hành động để hạn chế sử dụng, tiến tới bỏ thói quen sử dụng túi ni-lông, sản phẩm nhựa dùng một lần và thay thế bằng cách sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường..." là thông điệp chính tại lễ phát động phong trào “Chống rác thải nhựa” do Hội LHPN TP.HCM tổ chức ngày 20/4.
Quảng bá sản phẩm thân thiện môi trường
Chiếm một góc không gian lớn là khu vực trưng bày các sản phẩm thân thiện với môi trường. Gian hàng có tên Chợ quê tử tế do chị Nguyễn Thị Thu Hồng, 35 tuổi, ngụ xã Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn, TP.HCM) làm chủ với các mặt hàng giỏ, đệm túi xách được làm thủ công từ cỏ bàng... luôn thu hút rất đông khách tham quan, mua hàng. Vốn là dân làm truyền thông, sau khi sinh đứa con thứ hai, chị xin nghỉ việc, ở nhà chăm con. Sau thời gian nhàn rỗi, chị mở trang chợ quê tử tế, làm "đại sứ" phân phối các sản phẩm đương đệm vốn là nghề truyền thống đã tồn tại hơn 100 năm ở địa phương. "Sản phẩm này chủ yếu bán qua mạng được 8 tháng qua, nhưng giới văn phòng, bà nội trợ... đã bắt đầu tiếp cận, ưa chuộng sản phẩm 100% từ thiên nhiên, không qua xử lý màu hay bất kỳ hóa chất nào ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe con người" - chị Hồng, chia sẻ.
|
Khách tham quan các gian hàng thân thiện môi trường tại lễ phát động |
Hơn một giờ tất bật giới thiệu, chia sẻ, bán cho khách dùng thử... sản phẩm ống hút bằng tinh bột gạo, khiến chị Hoàng Đỗ Minh Thảo, P.4, Q.10 luôn phải đưa tay quệt mồ hôi thấm rịn đầy trán. Sản phẩm ống hút với thành phần chính là bột gạo, bột khoai mì tẩm màu xanh đỏ tím vàng cũng từ những hương liệu màu tự nhiên đã thu hút rất đông chị em phụ nữ đến tìm hiểu. Chị Minh Thảo cho biết, sản phẩm này được chị mày mò, tìm hiểu, trải qua nhiều lần thất bại mới thành công. Bước đầu, sản phẩm được các quán cà phê, giải khát lớn ở địa bàn mua về sử dụng. "Đến với ngày hội, tôi mang tổng cộng 20kg sản phẩm, cứ nghĩ là chỉ để giới thiệu trưng bày thôi, ai ngờ khách ủng hộ hết sạch cả gian hàng".
Trong số 10 gian hàng, không chỉ có các sản phẩm thân thiện môi trường do các dì, chị là hộ gia đình sản xuất, cung cấp mà một số doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng sạch, thân thiện với môi trường cũng tận dụng cơ hội này để mang sản phẩm đến quảng bá, chung tay chống rảc thải nhựa độc hại. Anh Phạm Văn Tân, nhân viên Công ty New Toyo, chuyên cung cấp các sản phẩm ly giấy, ống hút giấy cho biết, khi phong trào chống các sản phẩm bằng nhựa có chất độc hại khi sử dụng, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, đơn vị đã nghiên cứu cho ra đời các sản phẩm ly giấy, ống hút giấy tiếp cận thị trường đến nay đã 5 năm. "Ban đầu phát triển sản phẩm rất khó, vì thị trường Việt Nam chuộng những sản phẩm bằng nhựa nên người dùng nghi ngại các sản phẩm bằng giấy. Tuy nhiên, đến nay, sản phẩm đã thâm nhập các cửa hàng lẻ, một số tập đoàn lớn cũng đã bắt đầu quan tâm. Mình nghĩ, với phong trào sử dụng các sản phẩm xanh như hiện nay, tương lai những sản phẩm bằng giấy như thế này sẽ phát triển nhiều hơn nữa".
Chung tay "tuyên chiến với rác thải nhựa"
Lễ phát động phong trào “Chống rác thải nhựa” do Hội LHPN TP.HCM tổ chức đã thu hút sự tham dự của đông đảo thành phần: cán bộ, hội viên phụ nữ 24 quận huyện, nữ nghệ sĩ, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ thương mại và nhà cung ứng các sản phẩm thân thiện với môi trường, cùng đại diện lãnh đạo các sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài nguyên và Môi trường, Công thương; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thành Đoàn Thanh niên Cộng sản, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Nữ doanh nhân, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường TP.HCM. Nghệ sĩ ưu tú Quỳnh Liên, đại diện cho giới nữ nghệ sĩ TP.HCM, cho rằng, sự vào cuộc của Hội LHPN với phong trào "chống rác thải nhựa" rất có ý nghĩa thiết thực. "Cá nhân tôi sẽ sử dụng chính sức lan tỏa, ảnh hưởng của mình để vận động, kêu gọi tất cả nữ nghệ sĩ, chung tay nói không với rác thải độc hại".
Đại diện một thương hiệu cà phê khá nổi tiếng trên thị trường tham dự chương trình đã bày tỏ sự chung tay của mình, khi thay thế tất cả bao bì sản phẩm đóng gói, ly đựng cà phê, ống hút... bằng giấy thân thiện với môi trường. "Qua nhiều phương tiện truyền thông, ai cũng biết tác hại của các sản phẩm nhựa độc hại, khó phân hủy đối với sức khỏe, tương lai môi trường sống của chính chúng ta. Do vậy, những cuộc như thế này, thật sự không còn dừng lại ở tuyên truyền cổ động, mà mỗi người hãy bắt tay thực hiện ngay hôm nay" - đại diện này chia sẻ.
Phát biểu tại buổi phát động, bà Nguyễn Thị Ngọc Bích - Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM cho biết, Hội LHPN thành phố đã triển khai kế hoạch tham gia thực hiện Chương trình đột phá của Thành ủy “Giảm ô nhiễm môi trường”, đồng thời thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” do Bộ Tài nguyên và môi trường và Hội LHPN Việt Nam phát động. Hội LHPN thành phố phát động phong trào “Chống rác thải nhựa” đánh dấu cột mốc hội viên, phụ nữ toàn thành phố cùng tuyên chiến với rác thải nhựa, cùng hành động để hạn chế sử dụng, tiến tới bỏ thói quen sử dụng túi ni-lông, sản phẩm nhựa dùng một lần và thay thế bằng cách sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường.
"Tôi kêu gọi toàn thể cán bộ, hội viên phụ nữ cùng cộng đồng chung tay: gương mẫu và tiên phong hạn chế sử dụng túi ni-lông và sản phẩm nhựa dùng một lần; tuyên truyền, vận động thương nhân, các hộ kinh doanh ăn uống hạn chế sử dụng túi ni-lông và cùng vận động khách hàng tham gia bỏ rác đúng nơi quy định, mang giỏ xách khi đi chợ; tuyên truyền, vận động các nhà hàng, quán ăn, khu du lịch... có nữ tham gia kinh doanh, quản lý hưởng ứng “Nói không với rác thải nhựa”, đối với các sản phẩm nhựa sử dụng một lần; đẩy mạnh và lan tỏa phong trào “Thử thách dọn rác”, “Challenge For Change”, “Trashtag” trong hội viên, phụ nữ và cộng đồng... nhằm hình thành ý thức, thói quen nhặt rác thải, bỏ rác đúng nơi quy định, phân rác tại nguồn".
Trước đó, tại cuộc họp bàn về giải pháp thực hiện phân loại và tái chế rác thải sau phân loại, ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị TP.HCM cho biết, ngoài những giải pháp thay đổi thói quen tiêu dùng theo hướng có lợi cho môi trường thì việc phân loại rác thải trước khi chuyển giao cho đơn vị thu gom, tái chế cũng rất quan trọng. Trên thực tế, có nhiều loại sản phẩm không thể không dùng đến nhựa. Vấn đề quan trọng là nếu công tác thu gom và tái chế được thực hiện đồng bộ, hiệu quả thì đây sẽ là nguồn nguyên liệu quý để sản xuất điện sạch.
Hoài An - Tú Hảo
Mời tham gia chương trình "Tôi đồng hành"
Hội LHPN TP.HCM giới thiệu chương trình "Tôi đồng hành" hưởng ứng phong trào "Chống rác thải nhựa". Theo đó, tất cả công dân Việt Nam hay người nước ngoài không giới hạn độ tuổi, sinh sống, học tập và làm việc tại TP.HCM có thể đăng ký tham gia chương trình bằng cách gửi hình ảnh "trước" và "sau" với nội dung thể hiện sự thay đổi hành vi, nhận thức trong việc chống rác thải nhựa, kêu gọi cộng đồng bảo vệ môi trường... gửi về ban tổ chức qua địa chỉ toidonghanh2019@gmail.com, đồng thời đăng trên trang cá nhân/đơn vị, tag fanpage Hội LHPN TP.HCM kèm các dòng hashtag: #chongracthainhua, #toidonghanh (từ ngày 8/5 - 22/5). Hình ảnh, clip được nhiều lượt like, share sẽ được ban tổ chức trao giải thưởng trị giá 500.000đ/giải.
|