|
“Xunán kab” trong ngôn ngữ Maya có nghĩa đen là “nữ chúa của các loài ong” - Nguồn ảnh: Fairmont Mayakoba |
Ở trung tâm Cozumel, hòn đảo lớn nhất Mexico (bang Quintana Roo, bán đảo Yucatán, từng là lãnh thổ của đế chế Maya cổ đại), rừng xanh rậm rạp ẩn giấu một sản vật quý. Chất lỏng ấy màu vàng sẫm, đặc quánh, tỏa hương thơm dịu cùng vị ngọt độc đáo - thanh khiết như cỏ hoa. Đặt dưới ánh mặt trời, mật ong melipona có sắc lóng lánh tựa vàng. Các thổ dân châu Mỹ cũng coi chúng như vàng. Suốt hàng thế kỷ qua, mật ngọt từ một loài ong nhỏ hiền hòa không chỉ là đặc sản bản địa mà còn đóng vai trò thảo dược vạn năng nuôi dưỡng, chăm sóc bao thế hệ người Maya.
Nguồn sống trong từng giọt mật
Hàng trăm năm trước khi đoàn quân thám hiểm đầu tiên từ châu Âu đặt chân tới Trung Mỹ, những người lính Maya đã sử dụng mật ong melipona mỗi ngày để được tiếp thêm năng lượng. Trong đời sống, loại mật này càng phổ biến hơn nhờ mang nhiều lợi ích. Phụ nữ Maya thích thoa mật ong lên vết phỏng hoặc sẹo để vết thương nhanh lành, dưỡng da mịn màng trở lại. Người cao tuổi dùng mật ong hỗ trợ điều trị tiểu đường, giảm cholesterol và ổn định đường huyết. Thai phụ, trẻ em cũng được khuyến khích bổ sung mật ong vào chế độ ăn thường nhật để tăng sức đề kháng.
Nghề nuôi ong mật đã kéo dài gần 3.000 năm từ thời Maya cổ đại. Xa xưa, thổ dân Maya dùng từ “kinam” (tức “kiên cường, mạnh mẽ”) để nói về sức mạnh họ tin mật ong melipona có thể đem lại. Niềm tin này xuất phát từ nguồn dưỡng chất quý báu trong mật ong, vốn đặc biệt có lợi với trái tim và hệ miễn dịch. Để tạo ra thành phẩm chất lượng cao, ong melipona miệt mài lấy mật hoa của những loài cây lương thực, cây dược liệu quý ở rừng nhiệt đới.
Ong mật melipona (có tên “xunán kab” theo tiếng địa phương) được cộng đồng thổ dân mô tả như loài ong thiêng của người Maya. Đây là cách gọi trân trọng hiếm thấy từ một tộc người từng rất hùng mạnh dành cho một sinh vật thoạt trông nhỏ yếu khiêm nhường.
|
Những hốc cây rỗng - tổ của ong melipona, được sắp đặt ngăn nắp trong một kiến trúc nhà nuôi ong cổ điển của người Maya Nguồn ảnh: Mongabay |
“Ở thời kỳ đỉnh cao của đế chế Maya, tổ tiên chúng tôi xây dựng hàng loạt vườn nuôi ong khổng lồ trên khắp vương quốc. Mỗi vườn nuôi chứa từ 1.000 - 2.000 tổ xunán kab” - Russel - hướng dẫn viên tại trại nuôi ong Mayan Bee Sanctuary - chia sẻ. Trung tâm anh đang làm việc - một điểm tham quan hút khách trên đảo Cozumel - tọa lạc giữa không gian rừng xanh tươi tốt có hoa lan, hoa phong lộc đua nở. Cây hoa muôn hình vạn trạng điểm tô cho rừng già cũng là nguồn sống với ong melipona bao đời nay. Russel cho biết: “Bạn không thể tìm thấy loài sinh vật đặc biệt này ở nơi nào khác trên thế giới”.
Russel - một hậu duệ Maya - có lý do để tỏ ra tự hào. Ong melipona - có nhiều ở đông nam Mexico (được tin là nơi khởi nguồn nền văn minh Maya) - cho thấy một số đặc trưng khác hẳn với ong mật thông thường. Kích cỡ của chúng nhỏ hơn ong mật và không có ngòi đốt. Hành vi ôn hòa, trầm tĩnh, hiếm khi tấn công con người khiến chúng rất được người nuôi ong yêu thích. Bên cạnh đó, thổ dân Maya còn ngưỡng mộ lối sống yên bình, cân bằng và quy củ của những bầy ong chăm chỉ.
Thời cổ đại, nhằm biểu thị lòng tôn kính, người Maya có tục lệ chôn cất ong sau khi chúng kết thúc vòng đời ngắn ngủi nhưng ý nghĩa. Họ tin rằng xunán kab là hiện thân của một nữ thần chuyên bảo hộ mùa màng và thực vật rừng.
“Thoạt nhìn, hẳn khó có thể hình dung một loài côn trùng hiền lành lại chiếm giữ vị thế quan trọng trong văn hóa Maya đến tận ngày nay. Đời thực lẫn đời sống tinh thần người Maya gắn kết chặt chẽ với chúng. Họ học hỏi ở ong mật những điều rất đáng suy ngẫm” - Veronica Briseño Castrejón - nhà nghiên cứu ngành kiến trúc môi trường công tác tại Đại học Calgary (Canada) - nhận xét.
|
Nữ nghệ nhân nuôi ong Leydy Pech đang giúp bảo vệ những chú ong mật mang ý nghĩa linh thiêng với người Maya - Tranh minh họa: Atlas Obscura |
Nâng niu, gìn giữ vì mai sau
Castrejón đang lên kế hoạch thiết kế một hình mẫu thành phố sinh thái tân tiến lấy cảm hứng từ cấu trúc xã hội thu nhỏ trật tự đến kỳ diệu của ong melipona, cũng như mối quan hệ khăng khít giữa chúng với thổ dân Maya hàng ngàn năm qua. Nữ khoa học gia nhấn mạnh: “Cách người Maya sinh sống hài hòa với ong mật chứng minh con người có thể tạo ảnh hưởng tích cực ra sao nhằm bảo vệ động vật lẫn bảo vệ rừng. Đây là điều tôi muốn nghiên cứu để phát huy trong tương lai”.
Tuy nhiên, Castrejón không khỏi lo ngại liệu dự án của cô có thể giữ được ý nghĩa nhân văn khi ong melipona đang thường xuyên bị đe dọa. Số ít người Maya hiện vẫn bám trụ với nghề nuôi ong sợ hãi viễn cảnh này hơn bao giờ hết.
Khi đế chế Maya suy tàn, ong melipona cũng suýt bị đẩy vào con đường tuyệt chủng. Vì vấn đề sản lượng, không còn nhiều thổ dân muốn duy trì truyền thống nuôi ong mật như tổ tiên họ. Vài thập niên trở lại đây, nạn phá rừng càng làm thu hẹp không gian sống tự nhiên khiến ong phải bay xa hơn, đến các khoảng đất trồng trọt sát bìa rừng để tìm thêm phấn hoa và mật hoa. Tại đây, chúng gặp phải rắc rối còn lớn hơn.
Năm 2012, Chính phủ Mexico cho phép các bang thuộc bán đảo Yucatán trồng đậu nành biến đổi gen mà không tham khảo ý kiến thổ dân bản địa. Giống đậu mới có khả năng kháng thuốc diệt cỏ liều cao nhưng lại gián tiếp gây nguy hiểm cho những bầy ong kiếm ăn quanh đó. Nhiều nghiên cứu chỉ ra loại thuốc diệt cỏ độc hại này khiến ong thay đổi hành vi và trở nên yếu ớt. Không lâu sau đó, thổ dân Maya nhận ra ong trong vườn nuôi của họ bay lượn mất phương hướng, thậm chí chết hàng loạt. Leydy Pech - một phụ nữ nhỏ bé có tình yêu lớn lao với ong mật không thể im lặng lâu hơn nữa.
|
Hình tượng Thần Ong (chú ong lớn màu vàng bên trái) xuất hiện cạnh những thần linh khác trong văn tự cổ của người Maya thời tiền Colombia. Thiết kế hộp gỗ phác họa nghề nuôi ong thời cổ đại - Nguồn ảnh: FAMSI |
Luôn khao khát vực dậy nghề nuôi ong truyền thống và ủng hộ nông nghiệp bền vững, Pech hiểu bà cần đấu tranh trước khi quá muộn. Từ thành phố quê nhà Hopelchén (bang Campeche), nhóm vận động vì môi trường của Pech phát động một chiến dịch. Họ ra sức kêu gọi giới truyền thông, các nhà khoa học lẫn chuyên gia về luật nhìn nhận tính nghiêm trọng của sự việc.
Năm 2015, Tòa án tối cao Mexico đã đứng về phía Pech. Về sau, chính phủ nước này chính thức ban lệnh cấm trồng trọt các giống cây biến đổi gen có thể đe dọa tính mạng sinh vật rừng. “Xunán kab là một phần thuộc về cộng đồng Maya - một người bạn thân thiết chúng tôi cần che chở” - Pech bày tỏ.
Một hậu bối của Pech trong nghề nuôi ong, nhà sinh vật học trẻ tuổi Darwin Pool Pech đến từ bang Quintana Roo, muốn tiến xa hơn nữa trong việc bảo vệ ong melipona. Anh đang quản lý một trại ong nhỏ với khoảng 100 tổ xunán kab. Hơn nửa được Pool Pech nuôi vì mục đích nhân giống. Anh cảm thấy lạc quan dẫu còn nhiều khó khăn phía trước. “Chúng tôi phải tiếp tục nỗ lực để hồi sinh môi trường sống cho ong mật. Nhưng tôi tin, sẽ có ngày càng nhiều dự án nghiên cứu, giáo dục và bảo vệ môi trường thiết thực giúp cứu lấy ong melipona” - Pool Pech chia sẻ.
Anh nói: “Nếu không có động vật thụ phấn như ong mật, sẽ không có cây cối, không có rừng. Mất rừng, sẽ không còn ô xy và tài nguyên cho loài người. Thế nên bảo vệ chúng chính là chúng tôi bảo vệ mình”.
Như Ý