Những ngày qua, chúng ta đã rất mềm mỏng, khéo léo, nhưng cũng không kém phần cương quyết trước những hành vi ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông cũng như ở vùng đặc quyền kinh tế thềm lục địa, bất chấp Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Việt Nam đang đứng trước những bước leo thang nguy hiểm của Trung Quốc, hướng đến của họ không chỉ là lợi ích trên Biển Đông, mà ẩn sau là những “cái bẫy” nham hiểm. Nhưng Việt Nam có thế mạnh là công lý, lòng yêu nước, tinh thần dân tộc và ý chí quật cường.
Đó là những phân tích, nhận định của tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, trong cuộc trò chuyện với Báo Phụ Nữ TP.HCM.
Việt Nam mạnh về pháp lý, nhưng UNCLOS không phải là “đũa thần”.
Phóng viên: Thưa tiến sĩ, trong những phát biểu của mình, ông luôn nhấn mạnh thế mạnh của Việt Nam chính là pháp lý. Ông có thể chia sẻ để độc giả hiểu được những thế mạnh pháp lý của nước ta về vấn đề Biển Đông hiện nay?
Tiến sĩ Trần Công Trục: Ở Biển Đông, chúng ta có hai vấn đề pháp lý khác nhau. Không phải những vấn đề xảy ra trên Biển Đông đều có chung một nguyên tắc pháp lý.
Đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thì nguyên tắc để chứng minh, khẳng định chủ quyền là nguyên tắc về thụ đắc lãnh thổ theo pháp lý quốc tế hiện hành. Điều cần nhớ là UNCLOS không có quy định nào liên quan đến việc giải quyết tranh chấp chủ quyền đối với hai quần đảo này. Nên một số người khi gặp tôi, hoặc thư từ cho tôi nói cần đề nghị Đảng và Nhà nước kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài quốc tế để đòi lại Hoàng Sa, Trường Sa. Tôi nói đây là vấn đề khác, nguyên tắc pháp lý và thủ tục pháp lý để khởi kiện đều khác. Chúng ta không thể kiện đơn phương, vì muốn kiện thì phải do các bên có liên quan cùng nhau đàm phán, ký kết, thỏa thuận thì các cơ quan tài phán quốc tế mới xử lý.
|
Tiến sĩ Trần Công Trục |
Loại thứ hai là tranh chấp về việc giải thích và áp dụng UNCLOS 1982 trong việc xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa. Theo các quy định UNCLOS, các quốc gia có quyền xác lập hệ thống đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải ven bờ lục địa cũng như đường cơ sở đối với những quần đảo xa bờ. Từ đó mới xác định được vùng nội thủy, vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế thềm lục địa. Khi những xác định đó tạo ra vùng chồng lấn thì các bên phải ngồi với nhau để đàm phán, hoạch định ranh giới của vùng chồng lấn đó. Và vùng này chỉ được hình thành trên cơ sở các quốc gia ven biển phải phải hoàn toàn dựa vào các quy định của UNCLOS 1982 một cách thích hợp, đúng đắn. Còn đường “lưỡi bò” do Trung Quốc tự ý vẽ ra hoàn toàn không dựa vào UNCLOS thì không thể tạo ra yêu sách tương ứng với các quốc gia ven biển khác ở khu vực Biển Đông.
Và các quốc gia ở kế cận hoặc đối diện nhau, khi xác lập các vùng biển và thềm lục địa mà tạo ra vùng chồng lấn thì cần đàm phán hoạch định vùng chồng lấn đó là chuyện bình thường. Chúng ta đã từng giải quyết, đàm phán phân định Vịnh Bắc bộ với Trung Quốc và ký được hiệp ước vào năm 2000. Trong Vịnh Bắc bộ hiện nay đã có đường phân định phạm vi vùng vịnh của hai bên. Với Thái Lan, Malaysia chúng ta cũng đã đàm phán thành công về việc phận định vùng chồng lấn trong vịnh Thái Lan.
* Không ít ý kiến cho rằng, chúng ta nên kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài quốc tế để “đòi lại công bằng”, nhưng dường như việc kiện Trung Quốc không đơn giản như suy nghĩ của đại đa số?
- Với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, ngoài chuyện quyền thụ đắc lãnh thổ thì còn có việc tính đến hiệu lực để xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa của các thực thể địa lý thuộc hai quần đảo này. Hiện nay, Trung Quốc vận dụng để quy định đường cơ sở bao quanh toàn bộ quần đảo Tây Sa (tức Hoàng Sa của Việt Nam) theo tiêu chuẩn quốc gia quần đảo để từ đó họ muốn xác định vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa 200 hải lý cho quần đảo này. Và họ cũng đang muốn làm điều đó ở “quần đảo Nam Sa” (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam).
|
Lực lượng chấp pháp Việt Nam luôn giám sát chặt chẽ các hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông - Ảnh: Hoàng Đình Nam/AFP |
Đó là cách giải thích và áp dung sai UNCLOS1982. Bởi vì, đối với các quần đảo xa bờ này - không phải là quốc gia quần đảo, thì từng thực thể của các quần đảo này - nếu là các đảo, đá, luôn luôn nổi trên mặt nước khi thủy triều lên cao nhất - được xác lập đường cơ sở cho từng thực thể đó để tình các vùng biển và thềm lục địa của chúng. Nếu đảo quá nhỏ bé, không thích hợp cho con người, không có đời sống kinh tế - phải xét từ cấu tạo nguyên thủy, chứ không phải sau khi đã cải tạo, mở rộng… - thì chỉ được tối đa 12 hải lý chứ không phải 200 hải lý. Vì vậy Tòa Trọng tài quốc tế đã bác bỏ giải thích và áp dụng sai của Trung Quốc để bảo vệ cho yêu sách “lưỡi bò” trong vụ kiện năm 2016 của Philippines.
Đặc biệt lưu ý nữa là việc giải thích áp dụng UNCLOS sai, thì các cơ quan tài phán quốc tế, tòa án quốc tế về luật biển, Tòa Trọng tài quốc tế chỉ được thành lập để thụ lý theo thủ tục các đơn kiện đơn phương, nếu quá trình đàm phán song phương bất thành như trường hợp Philippines kiện Trung Quốc.
Chính vì những điều đó, nên cần phải hiểu UNCLOS không phải là cây đũa thần có thể giải quyết tất cả tranh chấp. Đó còn chưa tính đến việc tranh chấp về địa - chính trị, địa - kinh tế… giữa Trung Quốc và Mỹ hiện nay; đó chính là nguyên nhân chủ yếu tạo ra tình trạng căng thẳng trên Biển Đông hiện nay.
Sau hành động quấy phá trên Biển Đông là âm mưu về kinh tế
* Thưa tiến sĩ, hiện nay đại đa số nhân dân và một bộ phận không nhỏ cán bộ của ta còn chưa phân biệt được những kiến thức cơ bản về biển và hải đảo, ví dụ như thế nào là chủ quyền, thế nào là quyền chủ quyền… dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Vậy theo ông, làm thế nào tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân để họ có thể hiểu được những khái niệm không có gì là phức tạp này?
- Đúng là đại đa số người dân hiện nay chưa hiểu rõ về các khái niệm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán; chủ quyền ở khu vực nào, mức độ đến đâu, quy chế pháp lý đến đâu… cách ứng xử của mình như thế nào thì thích hợp, khi nào không được dùng lực lượng vũ trang, khi nào thì cần… Chính vì vậy đã làm cho dư luận có lúc chỉ có “trái tim nóng” mà thiếu “cái đầu lạnh”, dẫn đến tình trạng bạo động, đập phá, làm xáo trộn các hoạt động kinh tế, trật tự xã hội…
Điều đáng mừng là vừa rồi, trong các phát ngôn của Bộ Ngoại giao liên quan đến bãi Tư Chính, từ ngày 16/7 đến nay, khá chuẩn xác và nói rất rõ về đối tượng vi phạm, mức độ vi phạm, chứ không có những từ “vi phạm chủ quyền biển đảo” chung chung nữa. Tôi cho rằng nhờ đó mà người dân đã hiểu thêm được phần nào, dù mức độ tuyên truyền đó vẫn ở một chừng mực nhất định. Năm 2014 là cuộc đấu tranh mang tính tự phát, bây giờ dần dần đang chuyển sang tự giác - dù chưa thực sự chuẩn xác, đầy đủ, nhưng trong dư luận cũng đã có ít nhiều sự chia sẻ, đồng tình.
Để công tác đấu tranh trên các mặt trận phát huy hơn nữa, đừng để và chỉ biết có cảm xúc, lòng yêu nước mà thiếu đi kiến thức, ta phải tiếp tục tuyên truyền với những nội dung thông tin đã được nghiên cứu chuẩn xác. Thay vì nói cái này là của Việt Nam thì nói cho dân biết tại sao nó là của Việt Nam và tại sao cái kia không phải của Việt Nam…
Đây là cuộc đấu tranh trường kỳ chứ không phải vấn đề ngày một ngày hai; đối tượng lại là Trung Quốc với âm mưu muốn thực hiện bằng được việc độc chiếm Biển Đông. Ta cần đưa ra những phương án từ mức độ thấp đến mức độ cao, cái gì được công khai nói, nói ở điểm nào. Cái gì chưa nên nói vì lý do pháp lý, chính trị thì ta phải phân tích đầy đủ, cụ thể để dư luận thông cảm, chia sẻ. Nếu làm được việc đó thì người dân Việt Nam, với lòng yêu nước và truyền thống bất khuất sẽ hiểu và sẵn sàng hy sinh vì đất nước, dân tộc; chứ không phải như nhiều luận điệu cho rằng nhân dân đang quay lưng, đang phó thác đất nước cho các vị lãnh đạo.
* Những vấn đề hiện nay tại bãi Tư Chính, phần mở rất ít, khiến dư luận có những tò mò, phán đoán dẫn đến suy nghĩ tiêu cực. Theo ông, ta tăng cường tuyên truyền cho nhân dân, giả sử tối đa 100% thì lợi, hại ra sao?
- Những sự kiện xảy ra, đặc biệt gần đây có những thông tin khác nhau. Chúng ta - những người bị hại thì không nói nhiều, trong khi người gây hại thì lại nói rất nhiều, tuyên truyền rất mạnh ở đất nước của họ và cả trên thế giới. Tôi đánh giá cao những phát ngôn của Bộ Ngoại giao vừa rồi, nhưng chưa đủ. Hành động của Trung Quốc trên Biển Đông hiện nay không chỉ là hành động diễu võ giương oai mà họ làm thật.
Lần này, tôi cho rằng họ sẽ bằng mọi cách để tạo bằng được “sự đã rồi”. Mục đích của họ là gây sự hỗn loạn, tạo môi trường bất ổn để phá hoại cuộc khai thác tài nguyên dầu khí của Việt Nam và các nước mà chúng ta hợp tác. Và họ muốn trong đất liền, dân ta phẫn nộ, biểu tình như trước đây để họ tập trung đánh quỵ nền kinh tế của ta - trong khi ta đang mở rộng quan hệ kinh tế với các nước. Họ muốn tạo sự bất ổn và họ đang tung ngón đòn cực kỳ nguy hiểm về kinh tế.
Nên, nếu chúng ta không nói rõ, không ngăn cản được thì chắc chắn chúng ta sẽ rơi vào tình thế vô cùng khó khăn. Trên thực tế, vùng biển này, xét về phạm vi không gian, ý nghĩa với quốc phòng là không lớn. Vì đó là vùng biển họ có quyền tự do đi lại về hàng không, hàng hải. Về bản chất, đây là âm mưu kinh tế. Miếng bánh đó chia như thế nào, họ đang muốn giành bằng được, và lợi ích kinh tế mới là vấn đề sống còn của họ.
Đó cũng là tử huyệt mà hiện nay chúng ta đang muốn thoát khỏi. Vừa rồi chúng ta đã ứng xử rất khôn ngoan, mềm mỏng để làm sao chúng ta vừa phản ứng đúng mực với những vi phạm, bảo vệ lợi ích, đồng thời có trách nhiệm bảo vệ hòa bình, ổn định, không để xung đột xảy ra. Đó là chủ trương nhất quán và đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Vì nếu xung đột xảy ra thì không bên nào có lợi.
Nhưng tôi cũng muốn nói rằng, khi chúng ta đã nhân nhượng quá nhiều, mà Trung Quốc vẫn tiếp tục gây hấn, thậm chí gây ra tổn thất đến sinh mạng của người dân Việt Nam, đến con em chúng ta ngoài biển, khi các phương tiện làm ăn kinh tế của ta bị tiêu hủy thì chắc chắn chúng ta phải dùng quyền tự vệ chứ không thể tiếp tục nhún nhường được nữa.
Bảy mươi ba năm trước, khi thực dân Pháp quay trở lại, gây ra chiến tranh xâm lược lần thứ hai, Bác Hồ của chúng ta trước đó đã nhân nhượng, đã tìm mọi cách để hòa hoãn, đàm phán, nhưng như Bác nói: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng, nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” (Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch).
Nên, nếu bây giờ Trung Quốc vẫn cố tình tiếp tục lấn tới, thì chúng ta cũng sẽ như vậy. Chúng ta yêu hòa bình, nhưng lịch sử cũng đã chứng minh, dân tộc ta không bao giờ đầu hàng.
* Cảm ơn tiến sĩ!
Uông Ngọc Thực hiện