“Chúng ta viết điều khán giả muốn, hay điều ban giám khảo cần?”, tác giả Vương Huyền Cơ đặt câu hỏi. Soạn giả Hoàng Song Việt thắc mắc: “Các tác phẩm hay là tác phẩm thế nào? Hay, là mở màn, bán vé đông khách? Hay, là thi đâu đậu đó?”… Các tác giả đặt ra những băn khoăn về sân chơi sáng tác gắn “mác” định hướng tuyên truyền.
Các cuộc vận động sáng tác về văn học - nghệ thuật lâu nay vẫn bị gắn “mác” định hướng tuyên truyền; vì thế, hạn chế cả tư duy chấm điểm của ban giám khảo (BGK), tác phẩm tham gia, lẫn công chúng đón nhận. Nhiều ý kiến mổ xẻ được đưa ra tại cuộc gặp gỡ báo chí, do Sở Văn hóa - Thể thao (Sở VH-TT) phối hợp cùng Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật TP.HCM tổ chức vừa qua tại TP.HCM.
|
Cuộc vận động sáng tác tác phẩm âm nhạc và sân khấu, chủ đề “Mãi mãi một tình yêu” nhận tác phẩm dự thi kéo dài đến hết tháng 7 |
Cuộc gặp thông tin về giai đoạn 2 của cuộc vận động sáng tác tác phẩm âm nhạc và sân khấu, chủ đề “Mãi mãi một tình yêu”, nhân kỷ niệm 45 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và chào mừng các sự kiện trọng đại của đất nước (kéo dài từ 25/12/2019-30/7/2020). Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó giám đốc Sở VH-TT cho biết, thông qua cuộc vận động sáng tác này, ban tổ chức (BTC) mong muốn có những tác phẩm chất lượng cao về tính tư tưởng lẫn giá trị thẩm mỹ, nghệ thuật, và sự lan tỏa trong nhân dân thành phố và nhân dân cả nước.
Thông cáo báo chí cuộc vận động nêu rõ, cuộc vận động có nội dung tập trung thể hiện những thành tựu to lớn mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM đạt được sau hơn 50 năm thực hiện di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh… Thông qua cuộc vận động nhằm làm phong phú, đa dạng hơn nguồn tác phẩm âm nhạc và sân khấu, tạo điều kiện lan tỏa những giá trị nghệ thuật tốt đẹp trong nhân dân, góp phần cổ vũ phong trào thi đua yêu nước.
Có thể nói, những sáng tác viết theo nội dung dạng này, lâu nay vẫn được/bị xếp vào tác phẩm Nhà nước đặt hàng, hoặc tác phẩm tuyên truyền. Cũng vì thế mới có tình trạng vừa nghe tới chủ đề, thậm chí tên tác phẩm, một số người đã… cảm thấy “buồn ngủ”.
Nói riêng trong lĩnh vực sân khấu, soạn giả Hoàng Song Việt cho biết, những người làm nghề đang loay hoay, cố gắng, tìm cách để tạo ra những tác phẩm vừa có dấu ấn, vừa đến được với công chúng. Tuy nhiên, đây là điều khó. Thậm chí, nếu đặt mảng sân khấu thị trường kế bên sân khấu chính thống, riêng chuyện đó, đã là một trận đấu không cân sức.
Ông Song Việt băn khoăn: “Các tác phẩm hay ở đây là tác phẩm như thế nào? Hay, là mở màn, bán vé đông khách? Hay, là thi đâu đậu đó?”. Khi xây dựng tác phẩm theo một cuộc thi hoặc một cuộc vận động sáng tác, nghĩa là theo một định hướng, nếu dựng tác phẩm về đề tài chiến tranh, cách mạng, truyền thống, chắc chắn phải biết rằng chúng ta khó/ thậm chí không bán được vé. Đừng ai huyễn hoặc khác đi”.
Tác giả Vương Huyền Cơ đặt câu hỏi: “Chúng ta viết điều khán giả muốn hay điều BGK cần?”. Lấy ví dụ chủ đề “Mãi mãi một tình yêu”, bà Huyền Cơ bày tỏ: “Có những tác phẩm nhắc lại quá khứ, ca ngợi hiện tại, thì vẫn phải có những tác phẩm mang tính khái quát, tính dự báo, mà vẫn thể hiện được tiếng nói của thời đại, có tính bền vững, có giá trị về lịch sử”.
“Tôi vẫn mong BTC, BGK có một tư duy gợi mở, chấp nhận những ý tưởng khác biệt, thậm chí chỉ ra được những yếu kém, sơ sót, sai lầm trong quá trình xây dựng và phát triển thành phố. Khi thẳng thắn nhìn ra những điều đó, chúng ta mới khác đi, tốt lên được”, tác giả Vương Huyền Cơ trao đổi.
Theo bà, nếu người sáng tác thoải mái hơn, họ sẽ có sự gợi mở về tư duy, từ đó có những ý tưởng hấp dẫn, mới lạ, thậm chí tác phẩm đỉnh cao. Nếu cứ sa đà tập trung ca ngợi, tô hồng, liệu công chúng có cần xem/nghe/tin vào những gì mà chúng ta đã nói mấy chục năm trước nữa không? Hãy cho công chúng nghe thấy tiếng lòng của họ, thời đại họ đang sống thông qua văn hóa - nghệ thuật, và gợi mở cho họ tương lai của thành phố sẽ tươi đẹp như thế nào…
Trong khi đó, NSND Trần Minh Ngọc mượn đặc trưng “xung đột” của sân khấu để nói về cuộc vận động sáng tác dạng này: “Tôi muốn nhấn mạnh với các tác giả sân khấu, chúng ta phản ánh hiện thực đúng như nó vốn có, của những hiện thực thành phố chúng ta, của những lớn mạnh của thành phố chúng ta. Đó là một lớp hiện thực thứ nhất. Nhưng còn lớp hiện thực thứ hai, là hiện thực chúng ta mong muốn thành phố này như thế nào. Trong bối cảnh đất nước có nhiều thay đổi, chúng ta lại thiên đi vào ca ngợi, ít đi vào những xung đột, mâu thuẫn của giai đoạn hiện nay, thiếu cái nhìn phản biện…”.
Ông nói thêm, khi phát động cuộc vận động sáng tác, có nghĩa, ta không làm theo thị hiếu khán giả. Thị hiếu khán giả hiện nay cũng đang có nhiều vấn đề. Chúng ta phải có trách nhiệm hướng dẫn khán giả. Chúng ta chấp nhận khó, cần sự đầu tư, sự quan tâm của thành phố. Để cuộc vận động thành công, nên chăng, dựa vào những đặc trưng của sân khấu để nói lên những điều cần nói, những tâm tư, cảm nghĩ, tình cảm của nhân dân thành phố mình, của chính nghệ sĩ…
Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh cho rằng, những tác phẩm ta đánh giá là hay, thẩm mỹ cao, nhưng không có khán giả, cũng trở thành những tác phẩm vô nghĩa. Vì thế, để hai yếu tố tác phẩm chất lượng và khán giả xích lại gần nhau hơn, ta cần đầu tư, xây dựng, chú trọng giáo dục văn hóa - nghệ thuật trong nhà trường, có thế, sau này, chúng ta mới có một thế hệ khán giả có trình độ để thẩm thấu nghệ thuật. Tự khắc, sẽ có một nền văn hóa - văn nghệ tốt.
Đậu Dung