Chúng ta sống vô tâm, nhiều đứt gãy

03/05/2024 - 11:17

PNO - Chúng ta thu nạp đủ loại thông tin trên mạng xã hội, nhưng có những chuyện xảy ra với người thân, chúng ta không hề biết. Tới khi xảy ra việc theo hướng xấu mới giật mình trách bản thân.

Sau sự việc cô gái chết khô trên ghế sofa, trên các diễn đàn có rất nhiều ý kiến bàn luận về sự đứt gãy các mối quan hệ, những tổn thương cần được chữa lành. Đọc thêm bài viết Dằn vặt vì đã sống vô tình, tôi muốn chia sẻ thêm những suy nghĩ về cách hàn gắn mối liên kết người với người thời nay.

Chúng ta đang sống trên mạng nhiều hơn đời thực (ảnh minh họa)
Chúng ta đang sống trên mạng nhiều hơn đời thực (ảnh minh họa)

Thế giới ngày nay được định nghĩa là “thế giới phẳng”, xu hướng hội nhập, công nghệ 4.0 giúp con người tương tác với nhau dễ dàng, thuận lợi hơn nhiều. Chúng ta có nhiều hơn những sự kết nối, nhiều mối quan hệ, khoảng cách địa lý được thu hẹp, nhưng trớ trêu ta lại có nguy cơ mất kết nối hoặc kết nối lỏng lẻo, hời hợi với những mối quan hệ sát bên mình. Đến khi xảy ra chuyện, chúng ta mới giật mình vì sự kết nối ấy quá lỏng lẻo và hời hợt.

Chúng ta cuống cuồng nếu “rớt” mạng, Facebook, Instagram không truy cập được hay quên điện thoại, nhưng mấy ai có tâm trạng đó khi nhận ra sự mất kết nối trong các mối quan hệ của mình.

Sự tôn trọng quyền riêng tư được đề cao quá mức đang trở thành rào cản để con người gần gũi và chia sẻ với nhau. Có người mất kết nối vì bận rộn, có người mất kết nối vì sự bàng quan, hời hợt. Cũng có người vì những tổn thương, va đập đau đớn trong cuộc đời mà dè dặt chia sẻ, dần đóng cửa trái tim, ngăn mình với thế giới bên ngoài, để cho nỗi cô đơn nhấn chìm.

Khi ta đã không muốn mở lòng thì người thân và bạn bè khó có đủ kiên nhẫn và sự bao dung để chờ đợi. Khi đó họ sẽ từ bỏ, buông tay. Vì vậy, sự kết nối hay mong muốn chữa lành phải bắt đầu từ nhu cầu tự thân và nỗ lực của mỗi người.

Tôi nghĩ đã đến lúc mỗi người phải làm thợ hàn để hàn gắn, kết nối những mối quan hệ đã, đang và sẽ có nguy cơ đứt gãy; làm bác sĩ để chữa lành những thương tổn của bản thân.

Tôi vẫn nhớ năm xưa Báo Phụ nữ TPHCM từng mở chuyên đề “Giờ vàng của gia đình” với mong muốn có được sự gắn kết, tương tác, cảm thấu nhiều hơn giữa các thành viên.

“Giờ vàng” không nhất thiết phải là giờ cơm mà một khung giờ nào đó phù hợp để mỗi thành viên trong gia đình có thời gian rảnh ngồi chia sẻ, chuyện trò hoặc cùng nhau xem ti vi, chơi chung một trò chơi…

Thiết nghĩ, “giờ vàng” không nên đóng khung trong gia đình, mà cần được nhân rộng ra trong các mối quan hệ khác. “Giờ vàng” phải đúng nghĩa là “vàng”, được quý trọng, chắt chiu. Giờ vàng khi gặp bạn bè là lúc ta chịu bỏ cái điện thoại xuống, lắng nghe và cảm nhận những lời tâm sự, để phát hiện đằng sau đôi mắt trũng sâu của bạn là những nỗi buồn đau, những tiếng thở dài đang nén sâu trong lồng ngực mà có khi phải cần một sự gợi ý mới thốt được ra. Hoặc nếu họ chưa sẵn sàng, ta chỉ cần ngồi im bên cạnh họ, đó cũng là một cách chia sẻ.

“Giờ vàng” dành cho hàng xóm, cho đồng nghiệp không chỉ là câu hỏi, câu chào xã giao mà là sự quan tâm thật lòng, chứ không phải sự để ý, soi mói, chấp nhặt.

Ở khu nhà tôi, hội chị em lập một nhóm Zalo để tiện liên lạc. Trong hội có một chị cũng khá lớn tuổi, mặc dù chị được add vào nhóm nhưng chị ít khi truy cập. Nhà chị sát nhà tôi nhưng chị em ít gặp nhau vì ai cũng bận.

Tháng trước, tôi giật mình khi biết tin chồng chị nằm viện 10 ngày. Thông tin đó tôi được biết từ một chị khác trong nhóm. Chị kể: "Hôm rồi, thấy chị ấy đi qua, tay xách cặp lồng, người thì gầy rộc, chị gặng hỏi bác ấy mới chia sẻ".

Tôi chợt nhớ, trong 10 ngày đó, tôi gặp chị vài lần lúc đi làm về, nhưng chỉ kịp chào hỏi qua quýt vì còn phải vào nhà lo cơm tối cho gia đình. Khi đến bệnh viện thăm chồng chị, tôi cứ trách chị “giấu” chuyện nhưng rồi lại nghĩ ở vị trí của mình cũng vậy thôi, chẳng lẽ lại lên nhóm thông báo việc của nhà. Từ trách chị, tôi chuyển sang trách mình vô tình, vô tâm.

Cũng ở khu nhà tôi, có một bác cán bộ hưu trí sống một mình ở căn nhà cuối ngõ. Bác bị lãng tai nên nhiều khi kẻng rác bác không nghe thấy. Hằng ngày, bác thường nhìn đồng hồ thấy gần đến giờ thu gom rác, bác mang xô rác ra đặt sẵn đó.

Hôm nào có thức ăn thừa, bác sẽ để riêng một túi. Nếu có hộp giấy, hay vỏ lon bia… bác cũng để riêng. Vì bác biết chị nhân viên môi trường sẽ lấy thức ăn thừa cho lợn và lấy mấy cái hộp giấy, vỏ lon bia… đem bán. Có hôm bác quên giờ thu gom rác, nhưng chị nhân viên môi trường sẽ vào tận cổng gọi ầm lên. Có lần chị gọi không thấy bác lên tiếng. Chị đẩy cửa vào phát hiện ra bác nằm sốt li bì, vội báo cho hàng xóm, nhờ họ sang giúp bác. Như vậy, sự kết nối nhiều khi lại bắt đầu từ sự chủ động, để tâm của người khác.

Sống chậm lại, cởi mở, gây dựng mối quan hệ tốt đẹp với những người xung quanh, “bão dưỡng”, “gia cố” sự kết nối của mình với cuộc sống một cách thường xuyên giúp chúng ta tránh nguy cơ đứt gãy kết nối.

Hình ảnh trong ca khúc Trốn tìm của Đen Vâu
Hình ảnh trong ca khúc "Trốn tìm" của nghệ sĩ Đen Vâu từng khiến nhiều người nghĩ về các mối quan hệ

Tôi nghĩ, chúng ta tồn tại trên cuộc đời này đều mong mình có ý nghĩa, ít nhất với ai đó. Vậy nên, dẫu cuộc sống có thể nào, đừng để sự bận rộn cuốn mình đi, đừng để nỗi đau, sự cô độc vùi lấp cuộc đời.

Mỗi người hãy tự định vị sự tồn tại của mình với cuộc sống xung quanh để giống như lời trong bài hát Trốn tìm” của nghệ sĩ Đen Vâu: Để khi đi trốn có người đi tìm.

Thu Đức

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Thin Pham 03-05-2024 14:33:47

    Công nghệ thông tin mang lại nhiều lợi ích cho con người. Chỉ cần một thao tác nhỏ trên máy tính hoặc điện thoại thông minh là có vô số thông tin đủ loại... Nhưng công nghệ này cũng làm cho người ta ít kết nối, giao tiếp với nhau hơn từ trong Gia đình đến ngoài xã hội. Hãy gần gũi nhau, dành thời gian cho nhau. Đừng biến mình thành nô lệ của công nghệ nữa...

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI