Chúng ta sẽ ly hôn!

11/08/2017 - 10:35

PNO - “Chúng ta sẽ ly hôn” hoặc “Mẹ và bố sắp ly hôn” - là thông báo mà chẳng cha mẹ nào nghĩ có lúc mình phải nói với con.

Tuy nhiên, hiện đang ngày càng có nhiều cặp vợ chồng vẫn buộc phải nói ra quyết định đau lòng này. Khi đã không thể tránh được thì chúng ta nên làm thế nào để mọi chuyện xảy ra một cách nhẹ nhàng nhất cho các bên, nhất là với con cái! 

Chung ta se ly hon!
Chúng ta sẽ ly hôn

Những cảm xúc tiêu cực

Tất cả ai liên quan trong quá trình ly hôn đều khó có thể tránh được những cảm xúc tiêu cực như buồn, giận, thù hận, mong muốn đạp đổ, trả đũa…. Nếu những cảm xúc này không được giải quyết, nó sẽ ngấm ngầm “phát triển” bên trong chúng ta như một “căn bệnh”, có thể dẫn đến chứng trầm cảm và giảm sút cả sự tự trọng. Những cảm xúc tiêu cực này còn được thể hiện thông qua hành vi tiêu cực, khiến không khí trong gia đình trở nên nặng nề, căng thẳng, mang lại bất hạnh cho chính tâm trí người trong cuộc và gây tổn thương những người sống bên cạnh họ.

Tác hại

Mới đây, một học sinh trung học ở Việt Nam chia sẻ, cậu cảm thấy mình như “công cụ” để cha trả thù mẹ. Cha đã nói dối về mẹ để cậu chịu đến sống cùng cha. Sau đó, cậu phát hiện cha giữ cậu chỉ nhằm trả thù mẹ, vì hiểu mẹ sẽ rất đau khổ khi biết cậu bị hành hạ.

Đó cũng là lời giải cho việc cha thường kiếm cớ đánh đập cậu. Trả thù vợ cũ bằng cách hành hạ con có thể không phổ biến bằng việc đưa ra những nhận xét xấu về chồng/vợ cũ. Họ đã quên là những lời hằn thù đó cũng gây tổn thương, đau đớn cho con cái khi chúng buộc phải nghe và chứng kiến.

Tôi còn nhớ vẻ mặt của hai đứa trẻ, cậu em khoảng 8 tuổi và chị lên 10, con của người thân mới ly hôn. Khi nghe mẹ nói xấu cha, chúng nhìn mẹ một cách ngạc nhiên, hai gương mặt nhỏ bé nhăn nhúm đau đớn trong một nỗi buồn sâu thẳm. Chúng ngồi bất động, hoang mang, lo lắng không biết đó có phải là người mẹ mà chúng tin yêu, đang nói về người cha mà chúng cũng rất tin yêu.

Chúng tổn thương nặng nề vì quá nhỏ, chưa thể hiểu và lý giải được tại sao lại như thế. Những cảnh như vậy tất nhiên là đã cướp mất của con trẻ môi trường an toàn và yêu thương mà chúng từng và đáng được tiếp tục hưởng; cần thiết để chúng trưởng thành với sự tự tin và một nhân cách không thương tổn.

Chung ta se ly hon!
Ly hôn ảnh hưởng nhiều đến con trẻ

Các bước giải quyết cảm xúc tiêu cực

Nếu bạn đã quyết định ly hôn, phải chú ý giải tỏa những cảm xúc tiêu cực, để những lời nói và hành vi của bạn đối với chồng/vợ cũ có thể khoan dung và tôn trọng. Làm được điều đó, chính bạn là người đầu tiên hưởng lợi vì đã giải phóng tâm trí khỏi gánh nặng của những cảm xúc tiêu cực; tiếp đó là con cái bạn, cũng sẽ thấy nhẹ nhõm và an toàn hơn.

Bạn nên lấy giấy bút ra, dành chút thời gian để viết nhật ký thay vì chỉ suy nghĩ về tình trạng hiện tại. Viết ra sẽ giúp bạn giải tỏa một cách nhẹ nhàng hơn. Sau đó, bạn có thể thử từng bước để tìm sự bình an trong tâm trí: 

1. Chấp nhận cảm xúc bạn đang trải qua như là một thay đổi lớn trong cuộc sống của bạn. Ví dụ, bạn có thể nói chuyện với chính mình (hoặc viết ra): Tôi không muốn tình huống này, tôi không thích... nhưng nó là một phần trong cuộc đời và là câu chuyện của tôi… Tôi chấp nhận nó... Tôi chấp nhận những thay đổi... Tôi chấp nhận mình đang chuyển sang một cảnh mới... 

2. Hiểu cảm xúc bạn đang trải qua, gọi tên nó và viết ra: “Tôi cảm thấy sợ và tức giận” hoặc “Tôi cảm thấy buồn và mất mát”. Mỗi lần có một cảm xúc tiêu cực, tôi nhận diện nó và viết ra... 

3. Xác định rõ cảm xúc bạn đang trải qua và một lần nữa gọi tên nó, viết nó ra: “Tôi rất buồn vì con tôi sẽ phải sống ở hai nơi” hoặc “Tôi cảm thấy sợ vì tôi sẽ không còn vai trò làm chồng/vợ hoặc mất đi mất uy tín của mình”. Đừng tránh né bởi những cảm xúc đó là phản ứng tự nhiên trước một thay đổi lớn trong đời như ly hôn, một trong những thách thức lớn mà nhiều người buộc phải đối mặt. 

4. Hít vào sự bình tĩnh và thở ra những cảm xúc tiêu cực. Thực hành hít thở sâu. Khi hít vào, bạn mang không khí vào phổi, để dạ dày giãn, tràn ngập không khí và tự nhủ: Tôi đang hít vào bình tĩnh... và thở ra những cảm xúc tiêu cực... Lặp lại bài tập thở này nhiều lần cho đến khi bạn cảm thấy nhẹ nhàng hơn, buông bỏ được một phần cảm xúc tiêu cực. 

5. Xây dựng lại giá trị bản thân và lòng tự trọng. Phải luôn tự nhắc mình, dù vai trò chồng/vợ đang sắp chấm dứt, nhưng mình vẫn cần cho vai trò làm cha/mẹ và theo thời gian, sẽ có thêm những vai trò giá trị khác. Hãy nghĩ đến những thế mạnh, phẩm chất riêng. Bạn cũng nên tiếp tục viết cho chính mình, về giá trị, tính độc đáo và điểm mạnh của mình, chẳng hạn: “Tôi biết vai trò chồng/vợ trong mối quan hệ này sắp chấm dứt.

Tôi đã chấp nhận dù tôi không muốn, bởi nó là thực tế. Giờ tôi đang chuyển sang những vai trò mới, chúng sẽ mang đến hạnh phúc và những cơ hội mới. Tôi vẫn đánh giá cao những điểm mạnh của mình về lòng tốt, tình yêu, sự can đảm… Tôi biết mình sẽ vững vàng vượt qua chuyển biến này. Tôi cho rằng mình đã có một cuộc sống tích cực trước khi kết hôn và sau khi ly hôn tôi cũng sẽ có lại được điều đó…”. 

Sau khi đã hoàn thành các bước, bạn có thể lặp lại vài lần để tiếp tục xoa dịu những cảm xúc tiêu cực. Bạn cũng có thể giữ cuốn nhật ký và tự viết thư cho mình. Khi đó, bạn sẽ giảm bớt được cảm giác nặng nề và tìm thấy những giá trị tích cực mới cho cuộc sống. 

Giải thích việc ly hôn với con 

Khi đã bình tĩnh lại, đã giải tỏa được những cảm xúc tiêu cực, bạn có thể giải thích việc ly hôn với các con. Diane Tillman, nhà tâm lý học, là tác giả của loạt sách giáo dục các giá trị phổ quát và nuôi dạy con, cho rằng, lúc này cha mẹ cần có cách giải thích phù hợp với lứa tuổi của con.

Ví dụ “Mẹ và bố không thể đi cùng nhau nữa. Mẹ chắc rằng con cũng đã thấy bố mẹ thường xuyên không cùng quan điểm. Cả hai cần phải sống riêng để không làm tổn thương nhau thêm. Mẹ và bố đều rất yêu con và cả hai sẽ dành thời gian bên con”… Điều quan trọng là cha mẹ cần nhấn mạnh “chuyện ly hôn giữa bố và mẹ tuyệt đối không phải lỗi của con”. 

Giải thích xong, cha/mẹ cần dành nhiều thời gian lắng nghe và chơi với con hằng ngày, nhất là trước khi đi ngủ, chia sẻ những gì đã xảy ra trong ngày của bạn. Nếu con nói “con nhớ bố/mẹ”, hãy thừa nhận cảm xúc của trẻ và lắng nghe. Bạn có thể vỗ về con: “Đương nhiên là con nhớ bố/mẹ rồi. Mẹ/bố chắc chắn cũng đang nhớ con. Hãy nhớ rằng, cả bố và mẹ đều rất yêu con và sẽ luôn như vậy”.

Cuối cùng, Diane Tillman khuyên các cặp vợ chồng hãy cam kết KHÔNG BAO GIỜ nói xấu về nhau trước mặt con cái. Thật khó để đề cao nhau trong hoàn cảnh này, nhưng nếu bạn kiểm soát được những cảm xúc tiêu cực, bạn sẽ thấy dễ dàng hơn. Đó chính là món quà có giá trị lớn đối với các con và bản thân bạn.

Trish Summerfield 
Cố vấn Trung tâm InnerSpace Việt Nam

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI