Chúng ta ở đâu khi con trẻ cô đơn?

01/06/2024 - 06:09

PNO - Một câu hỏi đầy day dứt cần được đặt ra: chúng ta ở đâu khi con trẻ đang cô đơn, đang một mình loay hoay chống chọi với rất nhiều vấn đề...

Dù báo chí thường xuyên đưa thông tin cảnh báo về nạn tự sát ở trẻ em nhưng khi tiếp nhận các ca ở Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Bệnh viện Nhi đồng TPHCM, tôi và nhiều đồng nghiệp vẫn cảm nhận được sự sửng sốt, bàng hoàng trên khuôn mặt người thân của các em.

Chúng ta ở đâu khi con trẻ đang cô đơn (Ảnh minh họa)
Chúng ta ở đâu khi con trẻ đang cô đơn (Ảnh minh họa)

Phụ huynh bàng hoàng bởi không có thư tuyệt mệnh, bởi vẫn thấy con mình vui vẻ như mọi ngày. Không ít người còn nghĩ con mình đơn giản chỉ là bị tai nạn hay uống nhầm thuốc, hóa chất mà thôi.

Và càng đáng suy nghĩ hơn khi nhiều trẻ vừa được cứu sống nhất quyết chỉ thổ lộ với nhân viên y tế và yêu cầu chúng tôi phải hứa là không được kể lại cho cha mẹ các em lý do “vì sao con muốn sớm giã từ cuộc đời, điều gì làm con tổn thương nhiều nhất”.

Một câu hỏi đầy day dứt cần được đặt ra: chúng ta ở đâu khi con trẻ đang cô đơn, đang một mình loay hoay chống chọi với rất nhiều vấn đề mà tự thân các em không thể giải quyết, hay nói đúng hơn là không biết cách giải quyết sao cho tích cực nhất?

Thực ra, không có chuyện gì tự nhiên mà có, không có sự cố gì đùng một cái lại xảy ra. Sẽ luôn có những tín hiệu SOS được phát ra, dưới một hình thức, trạng thái nào đó. Điều quan trọng là những người xung quanh có nắm bắt được hay không. Trẻ rất cần có người lớn làm chỗ dựa để đi qua giai đoạn khủng hoảng tuổi mới lớn.

Nhiều phụ huynh và thầy cô cho rằng, nhóm trẻ có nguy cơ cao thường rơi vào những trẻ hướng nội, trầm tính, ít nói, những trẻ rối loạn nhân cách che đậy, rối loạn nhân cách chịu đựng, những trẻ có thần kinh yếu và phản ứng chậm… Bị cảm xúc chi phối, lấn át, tâm trạng đau buồn, uất ức ở trẻ tích tụ, dồn nén và khi dâng trào, bùng nổ thì thường theo hướng tiêu cực. Còn những trẻ hướng ngoại dễ bộc lộ cảm xúc, thậm chí hay chống đối, “nói gì nó cũng cãi” là những đứa dễ đoán biết suy nghĩ, tâm tư và khuynh hướng hành động để uốn nắn, theo dõi.

Những đặc điểm ấy đặt trên cái nền áp lực học tập, cha mẹ bất hòa, tình cảm đôi lứa mới chớm bị người lớn cấm đoán, những nghịch cảnh tác động sẽ đưa đến phản ứng rất khác nhau ở mỗi trẻ. Có những gút mắc đối với trẻ này là bình thường nhưng với trẻ khác, ở một thời điểm nhạy cảm, thì lại tượng hình “lưỡi hái tử thần”.

Phụ huynh làm gì để đẩy lùi vấn nạn tự sát ở trẻ? Từ góc độ y học và kinh nghiệm sống, tôi chia sẻ một số điều mà tôi cho là đáng lưu tâm. Một là, cha mẹ nên thật gần gũi con cái, lắng nghe chân thành và không phán xét, nên tôn trọng suy nghĩ, thấu hiểu tâm sự, cùng đưa ra giải pháp để tham khảo mà không áp đặt trẻ phải làm theo kỳ vọng của mình. Phụ huynh cần thể hiện được mình không chỉ là chỗ dựa cho con về vật chất mà còn cả về tinh thần để con có thể tâm sự về những suy tư, lo lắng, trăn trở thầm kín nhất, từ đó nhận được lời khuyên, lời động viên, an ủi, kịp thời hóa giải những bế tắc.

Hai là, cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa gia đình, nhà trường và xã hội để hỗ trợ trẻ thường xuyên và kịp lúc. Ba là, nên mạnh dạn nhờ đến chuyên gia để giải tỏa những căng thẳng, bức bối, khai thông các mối quan hệ của trẻ, cho trẻ tâm lý thoải mái, vui sống từng ngày, ở mọi môi trường.

Điều cực kỳ quan trọng là cha mẹ nên tạo điều kiện cho con trải nghiệm cuộc sống, tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, giao lưu, kết nối để mở rộng tầm nhìn, dạn dĩ trong giao tiếp. Khi có mục tiêu, khi có bản lĩnh và khả năng chịu lực, trẻ sẽ tự vượt qua những mâu thuẫn, xung đột không như ý, sẽ không bị suy sụp bởi những chuyện vặt vãnh, sẽ không ganh đua, mặc cảm thua sút bạn bè. Khi “nội lực” của trẻ tăng lên, sức đề kháng của các em trước sóng gió cuộc đời cũng tăng theo.

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TPHCM

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI