Trong bức tranh phức tạp của dịch viêm phổi do chủng virus corona, đã và đang có rất nhiều chuyện cảm động của đội ngũ nhân viên y tế, của những người nhiễm virus corona nhưng không hề tuyệt vọng. Xin giới thiệu cùng bạn những tấm gương quên mình vì cộng đồng, vì người thân... để giữa trùng trùng lo âu dịch bệnh, chúng ta vẫn ấm lòng và tin vào những điều tốt đẹp.
Mời bạn chia sẻ quan điểm, thông tin riêng và câu chuyện liên quan dịch corona cùng Báo Phụ Nữ. Tin bài xin gửi tới email: online@baophunu.org.vn
|
Mẹ Sảnh Sảnh bị u phổi đã lâu. Giữa tháng 1, vì lo lắng cho sức khỏe của vợ mà bố Sảnh Sảnh đưa bà nhập viện để tiến hành phẫu thuật. Ngày 17, mẹ Sảnh Sảnh được phẫu thuật thành công, bố cô là người luôn ở bên chăm sóc mẹ. Ngày 22, khi đang cùng anh trai đến nhà bà ngoại thăm tết, cô nhận được cuộc điện thoại của bác sĩ báo tin mẹ cô đã nhiễm virus corona.
Hai anh em hoang mang tột độ, nhanh chóng chạy xe vượt hơn 80 km quay về Vũ Hán. Đến nơi, cô chỉ kịp nhìn thấy bố qua cửa kính cách ly, thấy mẹ yếu ớt đưa tay lên vẫy nhẹ. Bố cô tức giận, ra hiệu hai anh em hãy nhanh chóng rời đi. Sảnh Sảnh như người mất hồn, gục xuống khóc nức nở.
|
Hoa Sảnh Sảnh tặng mẹ sau ca phẫu thuật |
Hơn ai hết, bố Sảnh Sảnh là người ân hận nhất, bởi ông là người đưa ra quyết định đưa vợ đi phẫu thuật. Ông không ngờ, thời điểm bà lên bàn mổ lại chính là lúc dịch viêm phổi bùng lên dữ dội. Sức đề kháng yếu sau ca phẫu thuật khiến bà dễ dàng bị lây nhiễm virus.
Rồi đến lượt anh trai và bố Sảnh Sảnh cũng dương tính với virus corona, chỉ mình cô nhận kết quả âm tính. Anh trai cô là trường hợp nhẹ, được bệnh viện kê thuốc rồi cho về tự cách ly ở nhà. Bố cô khá nặng, được chỉ định nhập viện nhưng phải chuyển sang khu vực khác điều trị do bệnh viện đã quá tải.
|
Chiếc ghế bố Sảnh Sảnh ngồi chăm sóc mẹ cô lúc ông chưa ngã bệnh |
Mồng Một tết, lúc cô chuẩn bị đưa cơm đến bệnh viện cho bố mẹ thì chuông điện thoại reo. Tiếng bố cô thì thào yếu ớt: “Con ơi, mẹ con không xong rồi!”.
Sảnh Sảnh nghe như sét đánh bên tai. Chẳng kịp thay bộ đồ mặc ở nhà, cô chạy vội đến bệnh viện nơi mẹ cô nằm. Bác sĩ nói ca phẫu thuật đã khiến bà suy yếu, không còn khả năng đề kháng trước sự tấn công của virus. Giọng vị bác sĩ có khuôn mặt hốc hác vì thức đêm quá nhiều bỗng nhiên trầm xuống: “Chúng tôi đã gắng hết sức”. Một người y tá chạy vào. “Bệnh nhân giường số 8 đang lên cơn co giật”. Ông bác sĩ vội vã bước ra.
Sảnh Sảnh như người mất hồn, cô gọi cho bố, vừa khóc vừa nói như hét vào trong điện thoại: “Không thể nào, mẹ rất kiên cường, chắc chắn phải có cách nào đó”. “Chúng ta hãy để cho mẹ được đi thanh thản”, bố cô nói. Sảnh Sảnh ngồi sụp xuống hành lang bệnh viện, trong điện thoại, tiếng bố cô nấc lên nghẹn ngào. Ông cũng đang khóc.
“Tôi không cần gì cả, bao nhiêu tiền không quan trọng, xin hãy dùng loại thuốc tốt nhất để chữa trị cho mẹ tôi. Tôi không thể không có mẹ”, Sảnh Sảnh gào lên trong vô vọng.
|
Bố chụp hình chiếc giường bệnh của mẹ Sảnh Sảnh để gửi cho cô xem |
Điện thoại Sảnh Sảnh lại reo. Bác sĩ nói đã thông báo với cô rằng nhà tang lễ sắp đến đưa thi thể mẹ cô đi. Sảnh Sảnh hốt hoảng, nói lắp bắp: “Xin đừng làm như vậy! Xin hãy cho tôi được nhìn mẹ lần cuối”. Im lặng một lát, ông bác sĩ nói: “ Được rồi, nhưng cô tuyệt đối không được đến gần chiếc xe”.
Cô nghĩ đến anh trai, anh ấy nên biết bởi mẹ là người anh yêu nhất. Cố gắng lấy lại bình tĩnh, Sảnh Sảnh bấm máy gọi. Anh trai cô đang xếp hàng, mỗi ngày anh đều phải đến bệnh viện để tiêm thuốc. “Anh có muốn tới chỗ mẹ không?”, “Anh đã xếp hàng từ 5 giờ sáng, sắp đến lượt anh rồi, giờ đi thì chắc hôm nay không tiêm được mất. Anh định tiêm xong mới ghé qua”.
Cô nói với anh trai, chậm rãi từng tiếng một: “Anh phải bình tĩnh nghe em nói. Chúng ta mất mẹ rồi!”. Sảnh Sảnh nói xong òa khóc nức nở. Anh trai cô chết lặng. Anh chưa chuẩn bị tinh thần để đón nhận tin này.
Sảnh Sảnh đứng đợi anh trước cửa khu vực cách ly. Anh cô vừa chạy vừa ôm ngực thở, khuôn mặt như người mất hồn. Anh xộc thẳng vào phòng bệnh, y tá cũng không kịp ngăn lại. Sảnh Sảnh cũng chạy theo anh. Anh trai cô lao đến ôm chầm lấy mẹ, áp tai lên ngực bà, hét lên: “Mẹ tôi vẫn còn ấm. Tim bà còn đập!”. Bác sĩ lập tức đến kiểm tra, nhưng chỉ lắc đầu. Trên máy đo là hai số 0 cùng hai đường thẳng đầy vô cảm. Mẹ cô đã ra đi thật rồi.
Bác sĩ kêu y tá đưa hai anh em ra ngoài làm giấy chứng tử và xác nhận giấy đồng ý hỏa táng. Vẫn là vị bác sĩ có khuôn mặt hốc hác đẩy hai tờ giấy đến trước mặt anh trai cô. Anh ngồi yên không phản ứng. Sảnh Sảnh cầm giấy lên, dòng chữ in đậm ghi: “Mất vì suy hô hấp do nhiễm virus nCoV”.
Cô và anh đợi dưới bãi đổ xe. Trời bắt đầu đổ mưa. Nửa tiếng sau, người của nhà tang lễ đến đẩy thi thể mẹ cô đã được bọc kỹ ra chiếc xe có chữ thập màu đỏ sơn trên cửa. Sảnh Sảnh và anh sụp xuống khóc. Anh gào lên: “Mẹ ơi”. Chiếc xe đóng sập cửa và từ từ chuyển bánh. Sảnh Sảnh kéo anh trai dậy, hai người vừa khóc vừa chạy ra lấy xe đuổi theo. Chiếc xe chạy qua mấy con phố rồi rẽ vào một khuôn viên có cánh cổng sắt lớn, phía trên ghi dòng chữ: nhà hỏa táng.
Sảnh Sảnh và anh xuống xe, chạy đến trước cánh cổng vừa khép lại, vừa khóc vừa dập đầu lạy tiễn mẹ. Cơn mưa và cái lạnh tê buốt của mùa đông Vũ Hán khiến cho mọi thứ trông thật thê lương. Bên cạnh họ cũng có vài người đàn ông đang quỳ khóc. Sảnh Sảnh dần bình tĩnh trở lại, nói với anh: “Đi! Chúng ta phải mau mau đến chỗ bố. Mẹ đã đi rồi, chúng ta không thể để mất thêm bất cứ người nào nữa”.
Vũ Hoài – Đình Nhân
(từ Vũ Hán)