Chúng ta mải mê kiếm tiền để làm gì, khi tài sản lớn nhất là đứa con

09/08/2019 - 10:00

PNO - Một đứa trẻ đã vĩnh viễn ra đi vì bị bỏ quên. Lúc này rất nhiều người lớn chúng ta mới hoảng hốt giật mình; mới nhắc nhở nhau phải trông chừng con trẻ, phải quản lý sát sao, phải dạy trẻ kỹ năng sinh tồn cần thiết.

Những đêm vừa qua, hẳn rất nhiều ông bố bà mẹ như tôi đã mất ngủ vì sợ hãi và lo lắng sau cái chết đau đớn vì bị bỏ quên trên ô tô đưa đón suốt 9 tiếng đồng hồ ngày 6/8 của một học sinh lớp Một Trường quốc tế Gateway - Hà Nội. 

Sự việc cho thấy sự tắc trách của rất nhiều người, từ giáo viên đưa đón học sinh, giáo viên chủ nhiệm, đến tài xế, phụ xe. Quy trình đón - nhận - tiễn học sinh quá lỏng lẻo và vô trách nhiệm nên mới có thể bỏ quên một mạng sống con người. Nếu giáo viên đưa đón, phụ xe, tài xế cẩn thận kiểm tra xem trên xe còn ai, có bỏ quên gì không; nếu cô giáo chủ nhiệm nhận học sinh, điểm danh xem có vắng em nào không và lập tức thông báo với gia đình thì chắc chắn không xảy ra sự việc đau lòng này. 

Chung ta mai me kiem tien de lam gi, khi tai san lon nhat la dua con
Ngôi trường của con nhà có điều kiện với mức học phí ngất ngưởng nhưng ngay khi mới vận hành đã thể hiện sự tắc trách

Đây là trường quốc tế với mức học phí bậc tiểu học là 117 triệu đồng/năm (chưa kể phí học liệu, tiền ăn, đưa đón và phí trông muộn). Cha mẹ các em hẳn đã phải lựa chọn rất kỹ mới yên tâm trao gửi con mình cho một ngôi trường đắt đỏ bậc nhất này. Vậy mà một đứa trẻ đã vĩnh viễn ra đi chỉ vì bị bỏ quên. Lúc này rất nhiều người lớn chúng ta mới hoảng hốt giật mình; mới nhắc nhở nhau phải trông chừng con trẻ, phải quản lý sát sao, phải dạy trẻ những kỹ năng sinh tồn cần thiết. 

Thực tế cho thấy, có rất nhiều cái chết của trẻ nhỏ là do người lớn chúng ta sao nhãng việc trông nom. Ở các miền quê, cha mẹ thường “thả rông” con cái để chúng tự chạy chơi mà không lường trước được những hiểm nguy luôn rình rập. Trẻ con thì luôn tò mò, hiếu động. 

Một cái giếng chưa đậy nắp hay một hố nước đều có thể trở thành nấm mồ chôn trẻ. Huống hồ những ngày hè nóng nực trẻ con thường rủ nhau ra ao hồ, sông suối để tắm mát, vẫy vùng. Nên mới có nhiều đứa trẻ bị chết đuối, khi người thân phát hiện ra thì đã quá muộn. Đau lòng thay, những vụ chết đuối này thường một lúc ba bốn mạng người. Như vụ ba anh em ruột rủ nhau đi tắm sông bị đuối nước hồi tháng Bảy ở Hải Dương. Chỉ vì quá mải mê làm ăn mà cha mẹ đã không để mắt tới con mình; không biết chúng chơi gì, ở đâu, có an toàn không. 

Nhiều gia đình đến bữa cơm không thấy con về mới tá hỏa đi tìm. Tôi cứ tự hỏi, chúng ta mải mê kiếm tiền để làm gì, khi tài sản lớn nhất của cha mẹ bao giờ cũng là những đứa con. Nếu bỏ bê con cái, để mặc chúng chạy xa tầm mắt của mình và tai họa ập đến thì tiền bạc liệu còn có ý nghĩa gì không? Thế nên đừng viện lý do bận bịu mưu sinh hay nghèo khó, cũng đừng tự biện hộ rằng cứ để mặc cho con mình khám phá thế giới xung quanh để con sớm trưởng thành và sớm biết tự bảo vệ bản thân. Bởi trẻ còn quá nhỏ, không thể nào lường trước được những hiểm nguy, tai họa có thể ập đến bất cứ lúc nào. 

Tôi rất sợ đi những đoạn đường chạy qua khu dân cư. Thỉnh thoảng lại có một đứa trẻ bỗng nhiên chạy vụt từ trong nhà băng qua đường không cần biết dòng xe đang lao vùn vụt. Trẻ nhỏ chưa thể nhận biết được hậu quả khi mải đuổi theo một chú mèo hay quả bóng bị đá lạc ra đường. Cũng có nhiều gia đình để mặc con cái mình chạy chơi dưới lòng đường. Họ mặc nhiên coi lòng đường là sân chơi để trẻ đá bóng, tập đi xe, đánh cầu lông, rượt đuổi nhau nghịch ngợm. Lại có người mẹ trước khi ra khỏi nhà đã quên không đóng cửa, cũng không ngoảnh lại phía sau nên đâu biết đứa con đang tập đi của mình vội bò theo mẹ ra giữa đường. Rất nhiều cánh cổng sát mặt đường đã không được khóa lại... Và thế là tai họa sẵn sàng ập đến không đỡ kịp. 

Chung ta mai me kiem tien de lam gi, khi tai san lon nhat la dua con
Tôi cũng bắt đầu dạy con những kỹ năng sinh tồn cần thiết khi bị nhốt trong ô tô. Ảnh minh họa

Nhà tôi cũng ở mặt đường, cũng có con nhỏ nên cổng luôn đóng. Tôi luôn dặn con không được chạy ra đường, không đá bóng ra đường gây nguy hiểm cho mình và người khác. Nếu vô tình bóng lăn ra đường thì không được chạy theo nhặt bóng mà phải nhờ người lớn giúp đỡ. 

Tôi cũng bắt đầu dạy con những kỹ năng sinh tồn cần thiết khi bị nhốt trong ô tô, bị kẹt trong nhà kín hay thang máy. Nó cũng cần thiết như kỹ năng khi gặp hỏa hoạn, động đất hay bị người lạ tấn công.

Tôi biết rằng nơi an toàn nhất của trẻ chính là vòng tay cha mẹ. Nhưng tôi cũng hiểu rằng không phải lúc nào chúng ta cũng có thể ở bên cạnh để bao bọc con mình. Thế nên việc bảo vệ những đứa trẻ không chỉ là trách nhiệm của gia đình mà còn là của toàn xã hội. Chỉ cần người lớn chúng ta không sao nhãng trong việc quản lý trẻ nhỏ thì chắc chắn sẽ không có những sự việc đáng tiếc xảy ra. 

Vũ Thị Huyền Trang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI