Hôn nhân bế tắc là thực trạng khá phổ biến trong đời sống xã hội hiện nay. Hay nói cách khác, nhiều cặp vợ chồng đang “mắc kẹt” trong hôn nhân ở nhiều mức độ, tính chất riêng. Chất lượng hôn nhân xấu không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần của vợ chồng mà cả con cái. Báo Phụ nữ TPHCM mở diễn đàn Hôn nhân “mắc kẹt” - đâu là lối thoát? nhằm chia sẻ đến bạn đọc những bài viết của người trong cuộc, qua trải nghiệm, mỗi người có cái nhìn, cách xử lý để tìm lối ra cho hôn nhân, cho cuộc đời mình. Bài viết cho diễn đàn xin bạn đọc gửi đến email: toasoan@baophunu.org.vn. |
“Kẹt” là một cách nói của người dân Nam bộ, về trạng thái khó khăn, như: kẹt tiền, kẹt công chuyện, kẹt xe, còn “mắc kẹt” là cái sự kẹt ấy bị mắc ở chỗ nào đó nhùng nhằng mãi không sao thoát ra được. Mắc kẹt hôn nhân thì thật khủng khiếp. Hầu như ai đó bước vào cuộc sống hôn nhân cũng bị mắc kẹt, ít thì vài tuần, vài tháng, nhiều thì vài năm, vài chục năm, thậm chí là cả một đời người.
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Ly hôn không đơn giản là xé tờ hôn thú
Năm 1996, tức là cách đây 30 năm, khi đó tôi làm chủ nhiệm một đề tài nghiên cứu lớn của TPHCM về “Thực trạng và dự báo hôn nhân và gia đình của TPHCM”. Có thể nói, đây là cuộc nghiên cứu lớn nhất ở TPHCM về gia đình vào thời điểm đó. Lần đầu tiên 4.000 hộ gia đình được phỏng vấn trực tiếp. Nhiều điều khi công bố khiến mọi người bàng hoàng. Nhiều dự báo đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Kết quả được công bố trên báo chí, tạp chí và diễn đàn quốc tế.
Trong cuộc hội thảo tại Đại học Tôn Trung Sơn (Trung Quốc), đoàn Việt Nam công bố con số hơn 68% các cặp ly hôn ở Việt Nam vào độ tuổi 45 đến ngoài 60.
Các học giả châu Âu không tin vào kết quả, bởi ở các nước phát triển, tỉ lệ ly hôn cao nhất thuộc nhóm trẻ dưới 35, có nghĩa là nếu thấy không tiếp tục sống được với nhau là họ thoát ra ngay lập tức. Một trong số nguyên nhân chính của sự trì hoãn ấy là ở chỗ: dù tình yêu thương của các cặp vợ chồng đã cạn, gia đình không còn là tổ ấm, nhưng họ thỏa thuận với nhau cố gắng níu kéo (hay đóng kịch) để cho các con trưởng thành ở độ tuổi 18-20 sẽ ly hôn. Khi ấy, ly hôn được cho là ít rủi ro nhất, bởi các con đã trưởng thành về tâm sinh lý, học hết trung học, đại học, có đủ khả năng mưu sinh.
Trong khi các học giả phương Tây còn phân vân thì các học giả Trung Quốc, Nhật Bản tán đồng với kết luận nói trên và cho rằng ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, có một giai đoạn cũng như thế. Họ còn cho rằng, các nước chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng Nho giáo như Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều quốc gia Đông Nam Á đều có những giá trị quốc gia tương đồng nhau, như đề cao gia đình, cộng đồng, tôn trọng người già, coi trọng giáo dục. Vì thế mà khi giải quyết bất cứ điều gì liên quan đến con cái, họ sẽ lấy hệ quy chiếu giá trị ra làm thước đo.
Ngày nay, sự mắc kẹt trong hôn nhân ở các bạn trẻ đối với con cái có phần nhẹ hơn, nhưng vẫn không thoát khỏi cái phông văn hóa truyền thống; bởi ở Việt Nam, hôn nhân không phải là chuyện của chỉ 2 người. Họ cứ bị vướng bùng nhùng trong rất nhiều mối quan hệ: quan hệ giữa vợ - chồng; cha mẹ - con cái; gia đình nhỏ với cha mẹ 2 bên và với dòng họ, làng xóm. Ngoài ra còn có mối quan hệ với bạn bè, với đồng nghiệp. Mỗi mối quan hệ như thế còn có rất nhiều mối tương tác kèm theo. Các quan hệ xã hội chằng chịt khiến nhiều người không làm sao gỡ ra được.
Ly hôn không đơn giản là xé tờ giấy hôn thú. Có người cứ ngần ngừ mãi vì sợ cha mẹ 2 bên buồn, còn cha mẹ lại sợ mất mặt với họ hàng xóm giềng, cho nên mới có những đôi không sao ly hôn được vì phải họp dòng họ để biểu quyết. Có nhiều người lo ngại sự đàm tiếu của bạn bè, của đồng nghiệp trong cơ quan và sợ cả chuyện bị ảnh hưởng con đường tiến thân. Trong số muôn vàn lý do, còn có cả lý do về tôn giáo.
Tôi có người bà con, 2 người ly thân hơn 40 năm, ông chồng đã đi với vài người đàn bà khác, nhưng chị ấy vẫn không đi bước nữa, bởi tôn giáo mà chị đang theo đề cao sự gắn bó vợ chồng.
|
Nhiều người chọn ly thân chứ không ly hôn (ảnh minh họa) |
Để thoát ra, cần bản lĩnh và đôi khi cả sự… liều lĩnh
Chuyện hôn nhân bị mắc kẹt có muôn vàn lý do, sắc độ. Nó liên quan đến chính trị, văn hóa, tôn giáo, kinh tế, lối sống. Trong tình trạng đó, ai cũng khổ, từ vợ chồng, con cái đến người thân. Nhưng làm sao để thoát khỏi tình trạng đó là điều không hề dễ dàng. Có người càng giãy giụa thì càng đau, như con cá mắc trong nơm. Do vậy, rất đông các cặp đôi nhẫn nhịn chờ đợi một điều ngẫu nhiên nào đó xảy ra giúp họ kết thúc trạng thái tồi tệ đó.
Tôi có một người quen bị mắc kẹt ngay khi còn là sinh viên. Nhận thấy 2 người không hợp nhau, nếu lấy nhau chắc chắn sẽ là những ngày đen tối, nhưng cứ mỗi lần chàng trai nói chia tay là cô gái lại cắt tay tự vẫn. Chàng trai sợ hãi, đành nhắm mắt cưới. Rồi cuộc hôn nhân bế tắc ấy cũng không kết thúc được vì mỗi khi bàn đến chuyện ly hôn là kịch bản cắt tay lại diễn ra. Điều đáng sợ là cô ấy không hề chỉ giả vờ theo kiểu dọa dẫm mà lần nào cũng làm thật.
Trong hàng ngàn câu chuyện, có lẽ không hòa hợp với nhau về quan điểm, lối sống là phổ biến nhất và khó gỡ nhất. Một số người cho sự khác biệt đó chỉ là vụn vặt, nhưng thật sự nó lại là vấn đề lớn, nhất là trong giới trí thức, công chức, doanh nhân. Sự khác biệt về thói quen ăn uống, thưởng thức âm nhạc, trang phục, cách thức tiêu tiền và tiết kiệm, cách hành xử với gia đình 2 bên, cách thức tổ chức đời sống gia đình, nuôi dạy con cái, giao tiếp khách khứa, cách thức và thái độ dành cho nhau… chính là khởi đầu của những khoảng cách khó lấp đầy. Chính vì thế mà có những bà đến U70 vẫn nằng nặc ra tòa vì hết chịu đựng được tính cách của chồng.
Ngoài những chuyện trên, còn có cả những chuyện liên quan đến tình dục như không hòa hợp, nhu cầu khác biệt, người chồng hay vợ có cuộc sống tình ái không bình thường, vợ hay chồng thuộc nhóm gay hay les.
Một chuyện có thật và tôi tin là rất nhiều bạn hoặc đã gặp hoặc rơi vào tình trạng tương tự. Một nhà trí thức lớn có vợ kém hơn 20 tuổi, phải chấp nhận cho vợ có quan hệ ngoài luồng chỉ với một điều kiện là đừng bỏ con, đừng để cho người quen biết sự thật. Đó chẳng phải là một sự mắc kẹt đầy nước mắt sao?
Mắc kẹt trong tiền bạc, trong công việc, trong di chuyển… rồi cũng giải quyết được, còn mắc kẹt trong hôn nhân thì thật khó nói khôn dại, hơn kém.
Làm thế nào để thoát khỏi tình trạng nhùng nhằng đó?
Thật sự, chỉ có một số ít người thoát ra được ngay, do có sự đồng thuận của cả hai bên; có người mạnh mẽ ly hôn đơn phương. Nhưng rất nhiều người phải nhẫn nhịn chờ đợi một sự thay đổi nào đó, với hy vọng rất mơ hồ rằng: biết đâu người kia sẽ nghĩ lại.
Rốt cục, nhiều người chờ đợi mãi đến khi người kia chết do bệnh tật, tai nạn mới được giải thoát. Cũng có người thoát ra được khi có người thứ ba can dự, tạo động lực cho cả hai bên cùng muốn kết thúc câu chuyện buồn. Cách nay vài chục năm, nhiều phụ nữ cắn răng chịu đựng mọi ngang trái để tồn tại trong một gia đình được coi là địa ngục.
Ngày nay, phần nhiều họ (cả nam và nữ) tìm ra những cách thức để làm nhẹ nỗi mắc kẹt của mình, bằng cách trốn vào những thú vui và niềm đam mê mới như: học nhạc, họa, làm thơ, làm bánh, tụ tập bạn bè theo sở thích, đi du lịch, tham gia các câu lạc bộ khiêu vũ, dân ca, nhảy hiện đại… Âu đó cũng là cách tự chữa lành và tránh né để không nhìn thấy nhau một cách văn minh nhất.
Thậm chí người ta còn bị kẹt trong nỗi sợ hãi hậu hôn nhân. Để thoát ra, rất cần bản lĩnh và đôi khi là cả sự… liều lĩnh. Người ta thường nói cánh cửa này đóng lại, cánh cửa khác mở ra, nhưng ai biết được sau cái cánh cửa mở ra kia là hoa thơm cỏ lạ hay lại là một vực thẳm, một vũng lầy đầy chông gai? Mắc kẹt là thế đấy!