"Chúng ta là người như thế nào?"

12/03/2017 - 16:17

PNO - Dạ Ngân không chỉ yêu chồng, tận tâm tận lực vì chồng vì gia tộc chồng, coi con chồng như con mình; chị còn đặc biệt yêu mẹ, trân quý bà.

Tuy đến khá sớm, tôi cùng nhiều người vẫn không thể đặt được chân vào căn nhà của đôi vợ chồng Dạ Ngân - Nguyễn Quang Thân ở tầng 2 lô II cư xá Thanh Đa, nơi đặt linh cữu nhà văn Nguyễn Quang Thân, để được thắp nén nhang tiễn biệt ông. Người đến đưa tiễn nhà văn Nguyễn Quang Thân rất đông. Tôi cùng nhiều người đứng dọc theo cầu thang, để được nghe điếu văn mà nhà văn Dạ Ngân viết. Người đọc điếu văn không dùng micro. Âm thanh lọt qua khung cửa hẹp không trọn vẹn, nghe tiếng được, tiếng mất.

Vợ chồng Dạ Ngân - Nguyễn Quang Thân trong một chuyến du lịch ở Pháp

Lúc chiếc xe chở linh cữu nhà văn Nguyễn Quang Thân sắp chuyển bánh, nhà văn Dạ Ngân ra hiệu cho tôi đến gần. Chị đưa cho tôi bài điếu văn được in kín hai mặt bốn trang giấy A4 gấp đôi, bên ngoài in tấm ảnh chân dung tươi cười của nhà văn Nguyễn Quang Thân, còn mặt sau trang đầu là tấm ảnh ghi lại khoảnh khắc anh chị bên nhau trong một chuyến rong ruổi gần đây.

Đọc bài viết “Chúng tôi là người như thế nào?” được nhà văn Dạ Ngân viết vào đêm qua, viết bên thi thể chồng, viết bên sự quây quần ấm áp của hai gia tộc ngoài bắc trong nam, của hai bề con, cháu có mặt đủ đầy… tôi nghĩ đó không chỉ là điếu văn, dù là một điếu văn đặc biệt, có lẽ chưa từng có trước nay, không chỉ đối với giới văn nhân. Đó còn là một áng văn. Một áng văn thấm đẫm tình yêu của một trái tim tận hiến.

Dạ Ngân không chỉ yêu chồng, tận tâm tận lực vì chồng vì gia tộc chồng, coi con chồng như con mình; chị còn đặc biệt yêu mẹ, trân quý bà. Chị viết: “đâu chỉ có công đức, mẹ anh “hạ gục” anh bằng trí tuệ bẩm sinh minh tuệ, bằng tấm lòng công minh không giới hạn, bằng khả năng diễn giải mọi việc một cách lưu loát và trên hết, bằng sự tri kỷ đặc biệt với con trai mình”. Chị yêu cả tình yêu mà chồng dành cho quê hương “nhớ lần đầu về quê anh bằng ô tô, khi xe bắt đầu qua cầu Linh Cảm, xe chạy song song với rặng núi Thiên Nhẫn, sông lam rồi lát nữa sẽ là Ngàn Phố, anh ngắm quê và liên tục “thuyết trình”, còn tôi thì ngắm anh…”.

Áng văn còn là niềm kiêu hãnh của một người đàn bà vừa là dâu thảo, vợ đảm, người bà chu toàn, mà còn là tri kỷ và là một đồng nghiệp “trên cả tuyệt vời” đối với chồng.

Anh chị biết lắng nghe nhau, phản biện nhau và biết tạo cảm hứng cho nhau. Nhiều lúc đồng nghiệp vợ lùi lại phía sau, lặng lẽ làm thành trì vững chãi và ấm áp cho chồng. Nhiều lúc chị sẵn sàng mang vác bước phăm phăm trước anh, bọc lót cho anh, che chắn cho anh. Hơn ai hết, Dạ Ngân cảm nhận rõ tài năng, khí chất của chồng. Chị muốn anh khỏe mạnh, luôn có một tinh thần mẫn tiệp, tập trung hết trí lực cho trang viết, nhằm để cho anh “gánh vác định mệnh một nhà văn sức vóc nằm trong bốn chữ vàng mà mấy ngày qua, bạn bè làng văn làng báo đặt cho anh: Tài hoa và Tử tế”.

Người đàn bà ở lại

> Nàng đã vào vai người khổng lồ

> Nông Thanh Vân - Lý Tiến Dũng: Bến bờ anh tim dội sóng không cùng


“Tài hoa và Tử tế” nơi nhà văn Nguyễn Quang Thân cũng như trong con chữ của ông, cách này hay cách khác, gián tiếp hoặc trực tiếp, đều hiện diện sự tử tế, sự can trường và cũng không kém tài hoa của người vợ. Nhiệm vụ nào chị cũng chu toàn: Làm vợ. Làm mẹ. Làm bà. Làm nhà văn. Làm nhà báo. Chị còn thật xuất sắc trong vai trò làm bếp. Chị thường dùng từ “phẩm chất bếp núc” khi nói đến điều kiện phải có được của một mái ấm gia đình.

Đôi lần gặp, tôi nghe nhà văn Dạ Ngân nói, làm bếp cũng  thiết kế, cũng đầu tư công phu, từ tâm hồn, nghị lực, thời gian và cả sự đam mê, chẳng khác gì công việc viết văn. Nhưng, làm bếp khác với viết văn là sản phẩm của nó, trước nhất dành cho các thành viên trong nhà, người thân và tạo được sự “tương tác” trực tiếp. “Tác phẩm” có sức lôi cuốn, kéo người thân ngồi lại quanh mâm cơm, cùng ăn, cùng trò chuyện, giãi bày, tâm sự. Chị cho biết, mình cũng đã “kéo” con chồng, anh chị em bên gia đình chồng lại gần với mình, với các con mình và với gia đình bên mình, cũng từ những bữa ăn ngon. Khi chịu ngồi với nhau, cùng ăn chung một ơ cá kho, một tô canh, một nồi cơm, thì mỗi thành viên dần dần sẽ tìm thấy cái chung từ những khác biệt, thành kiến, cố chấp. 

35 năm yêu đương, 24 năm chung sống vợ chồng, từng bước một, với “phẩm chất bếp núc” cùng với tình yêu chân thành, quyết liệt, rạch ròi, chịu sự trả giá, thứ tình yêu tận hiến đến kỳ cùng, nhà văn Dạ Ngân cùng nhà văn Nguyễn Quang thân đã thật sự viên mãn trong hạnh phúc. Anh chị kiến tạo được mái  ấm gia đình chung cho cả hai bề với năm đứa con và mười đứa cháu. Các con cháu “hai bề” yêu thương nhau như ruột thịt và coi chị coi anh như cha đẻ mẹ đẻ của mình.

Bên cạnh những đứa con khỏe mạnh, thông minh, hiếu thảo, nhà văn Dạ Ngân, nhà văn Nguyễn Quang Thân còn có những đứa con tinh thần của riêng mình. Chúng lần lượt ra đời, được đón nhận, được trân trọng. Bởi chúng được hoài thai và được mang hình hài tim óc từ tâm hồn nhân cách của những người “Tài hoa và Tử tế”.

Đã vĩnh viễn không còn “một nửa” của mình trong ngôi nhà đầy ắp hạnh phúc ở cư xá Thanh Đa, nhà văn Dạ Ngân sẽ phải vượt qua nỗi trống vắng bằng tất cả nghị lực và tình yêu của người đàn bà tận hiến. Như nhiều bè bạn, tôi tin nhà văn Dạ Ngân sẽ luôn sống đúng, sống đẹp như những điều "trần tình" gan ruột trong áng văn điếu chồng. Đó còn luôn là những lời thủ thỉ của chị trước vong linh chồng: “Chúng ta từng nói với nhau, đừng hỏi ta là ai, mà chỉ nên hỏi chúng ta là người như thế nào, chỉ nhớ hỏi nhau câu đó là sẽ yên tâm mình đang sống đúng”. Và như thế, anh, “Người yêu dấu” vẫn mãi luôn bên chị. 

Ngày 7/3/2017

Bích Ngân

Chữ trong ngoặc kép là trích từ điếu văn do nhà văn Dạ Ngân viết 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI