Chúng ta đang sống trên 1 triệu tỷ tấn… kim cương

20/08/2019 - 10:00

PNO - Hóa ra, kim cương trên đời này phổ biến hơn nhiều so với chúng ta nghĩ. Ước tính có khoảng 1 triệu tỷ tấn kim cương đang còn nằm sâu bên dưới bề mặt trái đất, theo Viện Công nghệ Massachusetts (MIT, Hoa Kỳ).

Khảo sát mới nhất của một nhóm các nhà nghiên cứu liên ngành sử dụng công nghệ địa chấn (tương tự phương pháp thường được dùng để đo động đất) ước tính rằng có khoảng một triệu tỷ tấn kim cương nằm sâu dưới bề mặt trái đất.

Thế nhưng, đừng mong đợi một cơn sốt kim cương trong nay mai, bởi theo các nhà khoa học, kỹ thuật hiện tại chưa cho phép con người chạm đến “kho báu của mọi kho báu” này.

Chung ta dang song tren 1 trieu ty tan… kim cuong
Ảnh minh hoạ từ CNN

Nằm ở độ sâu 90-150 dặm (145 - 241 km) bên dưới bề mặt trái đất, số kim cương khổng lồ nói trên vượt xa khỏi tầm khai thác của các loại máy móc, thiết bị mỏ hiện nay. Chẳng hạn nếu so với mỏ kim cương Mir ở Nga. Hố nhân tạo hình thành trong quá trình khai thác kim cương ở đây là hố lớn thứ hai thế giới nhưng cũng chỉ sâu khoảng 1/3 dặm (0,4km).

Công nghệ địa chấn cho phép các nhà nghiên cứu sử dụng sóng âm thanh để thực hiện các phép đo. Tốc độ của sóng âm sẽ thay đổi tùy thuộc vào thành phần, nhiệt độ và mật độ của đá cũng như các loại khoáng chất mà chúng đi qua.

Sâu trong lòng đất là những miệng núi lửa, những khối đá có hình dạng những ngọn núi lộn ngược. Khối địa chất này thường mát hơn và ít đậm đặc hơn đá xung quanh, nên sóng âm sẽ đi qua nhanh hơn.

Các nhà khoa học quan sát thấy rằng sóng âm còn đi nhanh hơn khi di chuyển qua đáy của các lớp craton (nền cổ của lớp vỏ lục địa). Vì vậy, họ đã kết hợp các loại đá ảo, được tạo ra từ các tổ hợp vật liệu điện thế, rồi sử dụng các mô hình ba chiều, so sánh vận tốc của âm thanh thông qua các biến thể.

Vì bản chất âm thanh truyền qua kim cương sẽ có tốc độ nhanh gấp đôi so với các loại đá khác. Do đó, nhóm các nhà nghiên cứu cho rằng phải tồn tại loại đá quý này trong các lớp craton.

Thành viên cao cấp của nhóm nghiên cứu Ulrich Faul (thuộc Khoa học Trái đất, Khí quyển và Hành tinh, MIT) cùng các nhà địa lý học và khoa học khác, đã tiến hành tăng nhẹ lượng kim cương trong đá ảo, cho đến khi họ đạt được tốc độ của sóng âm như họ đã đo được bằng cách sử dụng công nghệ địa chấn trên thực tế.

Tiếp theo, nhóm nghiên cứu đã nhân tỷ lệ phần trăm này với tổng khối lượng rễ cratonic của trái đất. Từ đó, cho ra con số kim cương tồn tại trong khối địa chất này lên đến ít nhất gấp 1.000 lần so với con số mà các nhà khoa học dự đoán.

Theo Faul, những viên kim cương ở đáy của các miệng núi lửa có giá trị nhất, vì nó được hình thành thông qua áp suất và nhiệt độ cực cao. Trọng lượng từ tất cả khối đất đá ở trên cung cấp điều kiện lý tưởng cho sự hình thành của chúng khi nằm sâu trong lớp phủ của trái đất.

“Những viên kim cương ở lớp craton có chất lượng vượt trội so với loại mà chúng ta khai thác được - thường dùng làm nữ trang - là loại kim cương nằm ở gần bề mặt trái đất hơn nhờ các vụ phun trào núi lửa”, Faul nói với CNN.

Ngoài MIT, nhóm nghiên cứu đưa ra kết quả trên còn bao gồm các nhà khoa học từ các tổ chức quốc tế và quốc gia khác nhau, như Đại học California tại Berkeley, Đại học Harvard, Đại học Melbourne và Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc.

Quốc Ngọc (Theo CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI