Chúng ta có thể thay đổi văn hóa ăn nhậu?

13/07/2022 - 15:39

PNO - Quy định “đã uống rượu, bia thì không lái xe” sẽ làm thay đổi hẳn một nếp văn hóa ăn uống, tiệc tùng ở Việt Nam.

Tôi xem phim Trung quốc, Hàn quốc, Nhật Bản thấy các nhân vật trong phim thù tạc với nhau hàng ngày là chuyện bình thường. Xem ra ăn nhậu với nhau là sự tương đồng về văn hóa của nhiều quốc gia. Có khác chăng là sau khi có hơi men không người nào ở xứ người dám lái xe (2 bánh hoặc 4 bánh). Lái xe khi có nồng độ rượu trong người cao, luật pháp xứ họ xử rất nặng.

Quy định “đã uống rượu, bia thì không lái xe” sẽ làm thay đổi hẳn một nếp văn hóa ăn uống, tiệc tùng ở Việt Nam
Quy định “đã uống rượu, bia thì không lái xe” sẽ làm thay đổi hẳn một nếp văn hóa ăn uống, tiệc tùng ở Việt Nam

Cuối năm 2019 nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt ra đời, mọi người dè chừng việc lái xe đi nhậu. Bởi chẳng ai muốn vi phạm để phải bị xử lý phạt tiền rất nặng theo quy định trong nghị định này. Công ty tôi năm đó trong bữa tiệc tất niên ban tổ chức đãi bia không cồn. Dù cho MC có hò hét đủ cỡ thì không khí các bàn tiệc vẫn thật nhạt nhẽo. Tiệc liên hoan sớm giải tán.

Gần 2 năm đại dịch hàng ăn, quán nhậu đìu hiu. Công cuộc chống dịch có thành quả tốt, kinh tế dần khôi phục, nhà hàng, quán nhậu theo đó mà trở lại như cũ. Việc thực thi kiểm tra nồng độ rượu chưa thấy anh em nào cảnh báo. Mới đây nghe nói  Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08 Công an TPHCM) yêu cầu các chủ quán cam kết đồng hành phòng chống tác hại của rượu bia, và thậm chí là phải gọi điện báo CSGT nếu khách say xỉn mà vẫn tự lái xe về... Ở đâu không biết chứ ở nơi tôi đang sống, chủ quán mà làm vậy chắc là quán sẽ "vắng  như chùa bà Đanh".

Được biết, từ đầu năm 2022 đến ngày 4/6/2022 có đến 118 vụ tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia. Và không khó để tìm các số liệu thống kê về tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia trong những thời gian khác nhau.

Quy định “đã uống rượu, bia thì không lái xe” sẽ làm thay đổi hẳn một nếp văn hóa ăn uống, tiệc tùng ở Việt Nam, khi mà đại đa số người dân dùng phương tiện xe 2 bánh để đi lại. Vấn đề đặt ra là các cá nhân, đơn vị chấp pháp thi hành nhiệm vụ như thế nào, hành xử với người vi phạm ra sao? Khó khăn đầu tiên là xử phạt thế nào với những người vi phạm khi đó là người thân, bạn bè, đồng nghiệp kể cả cấp trên trực tiếp, gián tiếp của người cầm còi. Để cả xã hội tuân thủ thì chuyện “pháp bất vị thân” là điều cần có trước hết.

Tiếp theo là điều kiện vật chất, kỹ thuật hỗ trợ công tác xử lý. Khi người chấp pháp kiểm tra phát hiện người lái xe vi phạm nồng độ cồn, đâu chỉ lập biên bản phạt là đủ. Xe, người lái, tạm giữ hay cử người đưa về nhà? Đâu chỉ lập biên bản xong rồi mặc kệ? Sắp xếp kế hoạch kiểm tra ngắn hạn và dài hạn phải công bằng, hợp lý. Nếu không lại vướng vào thắc mắc: Có tiêu cực không mà sao kiểm tra chỗ này, không kiểm chỗ khác?

Tóm lại, đấu tranh để thay đổi hành vi lái xe sau khi uống rượu, bia là cần thiết. Càng chậm thực thi thì càng có nhiều người lẽ ra vẫn còn được sống một cuộc sống khỏe mạnh lại phải ra đi hay bị tàn tật vĩnh viễn. Vấn đề mọi người, mọi cấp đã sẵn sàng thay đổi một nếp sinh hoạt quen thuộc, sẵn sàng thay đổi phương thức kinh doanh dịch vụ ăn uống hay chưa?

Nguyễn Huỳnh Đạt

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI