Chúng ta có kham nổi đời mình?

01/08/2020 - 19:26

PNO - "Đời nhẹ khôn kham" - ngay tựa đề đã mang đầy triết lý nhân sinh - là những lát cắt mỏng về từng cuộc đời, từng tính cách với những từ ngữ đầy tính hình ảnh táo bạo.

Dịch bệnh, bạo loạn… xã hội càng ngổn ngang, người ta lại càng đặt câu hỏi về đời mình, như những nhân vật của Đời nhẹ khôn kham. Họ, như đang mắc kẹt, cái mắc kẹt của kẻ mang cảm thức di cư - luôn thấy mình không thuộc về đâu; của người vừa muốn yêu và chiếm hữu nhưng lại khao khát tự do, không ràng buộc…

Sự mắc kẹt rất người

Suốt những năm tháng sống cùng Tereza, bác sĩ phẫu thuật Tomas luôn tự hỏi bản thân rằng anh có thật sự yêu cô đến mức từ bỏ sự phóng đãng của mình - kẻ lên giường với hơn 200 phụ nữ và chưa bao giờ ngủ trọn một đêm cùng ai? Hay đó thật ra chỉ là lòng trắc ẩn, để mỗi khi nghĩ về cô, trước mắt anh đều xuất hiện hình ảnh một đứa trẻ nằm trong chiếc cũi trôi theo dòng nước - để anh chở che như với một thực thể hoàn toàn không có chút phản kháng?

Tomas không có câu trả lời. Anh mắc kẹt trong câu hỏi ấy ngày này qua ngày khác. Ngay cả khi chính Tereza chọn cách rời xa anh, chấm dứt nỗi đau không thể đặt tên của mình, anh lại chủ động tìm cô vì không thể nào chịu đựng nổi viễn cảnh cô đẩy cửa bước vào ngôi nhà xưa kia của hai người và ở đó một mình. Cũng như, anh luôn không thể thoát khỏi sự giằng xé giữa khao khát được giữ nguyên vẹn sự riêng tư đến cô độc và ước muốn có Tereza can dự vào đời mình.

Thực tế, không chỉ Tomas mắc kẹt. Tereza biết tất cả mỗi khi Tomas lại quay cuồng nhục dục với một cơ thể khác trước khi đặt chân vào thềm nhà, nhưng cô vẫn ở đó. Cô bị mắc kẹt với nỗi bơ vơ, vì Tomas là tất cả những gì cô có trên cõi đời, sau những ám ảnh với một tuổi thơ song hành cùng người mẹ cay nghiệt và vì tình yêu đau đớn mà cô dành cho anh.

Cô vừa được Tomas cứu rỗi, vừa bị anh làm dày thêm những vết cắt trong tận thẳm sâu. Cô vừa muốn được ôm anh ngủ mỗi tối, vừa vùng vẫy thoát ra nỗi ám ảnh rằng mình chỉ là một cơ thể phụ nữ nằm chồng trên những cơ thể phụ nữ khác mà Tomas đã vần vè. “Vì sao em cứ trông đợi anh khác đi mà không thể chấp nhận anh như anh vốn thế?” - câu hỏi đó cũng chính là khe kẹt mà cô mắc vào. 

Ngay cả Sabina - một họa sĩ tài ba, người tình cuồng nhiệt và thấu hiểu cơ thể Tomas nhất - cũng mắc kẹt trong những cuộc trao đổi ngôn ngữ cơ thể đầy phản bội, cùng Franz. “Franz cưỡi lên Sabina, phản bội vợ mình; Sabina cưỡi lên Franz, phản bội chính Franz”. 

Đó còn là sự mắc kẹt của giới trí thức Tiệp Khắc khi đoàn xe tăng và quân đội Liên Xô cùng Khối hiệp ước Warsaw đặt chân vào Tiệp Khắc, tháng 8/1968. Đi hay ở? Sống một cuộc đời bị khuất phục, bị “xét lại” trên quê hương hay làm kẻ di cư tự do - sự tự do vì không có nơi thuộc về? Tất cả họ đều không thể thoát ra, những nặng - nhẹ của đời mình. 

Cảm thức tha hương

Ngay khi ra mắt vào năm 1984, Đời nhẹ khôn kham (The Unbearable Lightness of Being) đã gây nên một cơn sửng sốt, tiếp sau đó là những tranh cãi. Milan Kundera là nhà văn Tiệp Khắc, Đời nhẹ khôn kham mang bối cảnh Tiệp Khắc những năm 1960 - 1970 nhưng lại được viết bằng tiếng Pháp. Cộng với việc đề cập đến đời sống xã hội Tiệp Khắc trong giai đoạn chính trị nhạy cảm, cuốn sách đã không được xuất bản.

Không chỉ thế, toàn bộ các tác phẩm của Milan Kundera đều không được phát hành, bởi những tư tưởng và sự lựa chọn lưu vong khỏi Tiệp Khắc của ông, mãi cho đến cuộc cách mạng Nhung ở nước này.Dẫu vậy, cho đến nay, dù bất kỳ quốc gia nào cũng lấy làm tự hào khi có chút “dính líu” với ông, thì ở Tiệp Khắc, tác phẩm của ông vẫn đang được “xem xét” một cách nhỏ giọt. 

Như mọi tác phẩm khác, Milan Kundera không chủ ý khai thác tâm lý, dù các nhân vật của ông bao giờ cũng tầng tầng lớp lớp những cuộc giằng xé nội tâm. Đời nhẹ khôn kham - ngay tựa đề đã mang đầy triết lý nhân sinh - là những lát cắt mỏng về từng cuộc đời, từng tính cách với những từ ngữ đầy tính hình ảnh táo bạo.

Tình dục - khía cạnh xuyên suốt từ đầu đến cuối tác phẩm - trở thành thứ ngôn ngữ ẩn dụ cho mọi con đường đi tìm bản ngã của các nhân vật. Bàn về “sự nhẹ tênh của cuộc sống” nhưng, với một xã hội đầy biến động của những đấu tranh và mâu thuẫn của các triết lý đấu tranh, cái tôi trong mỗi người đã khiến cuộc sống trở nên nặng nhọc và nghiệt ngã, đớn đau. “Cái gì chỉ xảy ra một lần thì tốt nhất đừng bao giờ xảy ra. Chúng ta chỉ có thể sống một lần, tốt hơn là đừng bao giờ sống” - chính triết lý ấy đã khiến “đời nhẹ” bỗng trở nên “khôn kham”. 

Và, giống như các nhân vật của mình, như điều luôn luôn thấy trong bất kỳ tác phẩm nào của chính ông, Milan Kundera luôn mang trong mình cảm thức tha hương. Ông đến Pháp năm 1975, đến năm 1981 thì thật sự trở thành công dân Pháp và cuộc truy tìm bản thân xuyên suốt trong ông kể từ ngày rời đất nước. Nói tiếng Pháp và hít thở bầu không khí Pháp nhưng ông biết, ông đã thất lạc cõi người… 

Tomas và Tereza trong phim
Tomas và Tereza trong phim

Có lẽ đó cũng là lý do ông không bao giờ nói nhiều về mình, ngoài những dòng tiểu sử cơ bản: sinh năm 1929 tại Tiệp Khắc, sống ở Pháp từ năm 1975.

Nỗi oan “bộ phim khiêu dâm”

Như một điều tất yếu, Đời nhẹ khôn kham, sau khi gây chấn động văn đàn, được chọn chuyển thể điện ảnh, với sự tham gia của Daniel Day-Lewis và Juliette Binoche - hai tượng đài của nhiều thế hệ diễn viên. Đó là dự án khá hấp dẫn, với cả Milan Kundera. Ông dành rất nhiều thời gian cố vấn cho phim, chấp nhận cả việc tên mình không được ghi vào credit vì lý do chính trị, thậm chí còn viết riêng cho bộ phim bài thơ mà Tomas thầm thì vào tai Tereza khi cô đang ngủ thiếp đi. Tuy nhiên, sau khi bước ra khỏi rạp vào năm 1988, ông tuyên bố đây sẽ là bộ phim đầu tiên và cũng là cuối cùng được làm từ tác phẩm của Milan Kundera.

Các giải thưởng Milan Kundera đã nhận được:

1973: Giải Médicis cho tiểu thuyết nước ngoài.
1985: Giải Jerusalem. Bài diễn văn nhận giải này của ông được in trong cuốn tiểu luận 
L’art du Roman (Nghệ thuật tiểu thuyết).
1987: Giải quốc gia Áo cho Văn học châu Âu.
1993: Giải Thời nay.
2001: Giải thưởng lớn Văn học của Viện Hàn lâm Pháp.

Bởi tình dục là biểu tượng chính của tác phẩm, nên Đời nhẹ khôn kham ngồn ngộn những cảnh nóng táo bạo. Đến mức, nhiều nhà phê bình dè dặt đặt câu hỏi về ranh giới giữa một tác phẩm nghệ thuật và một bộ phim khiêu dâm. Nhưng đây không phải là nguồn cơn nỗi thất vọng của Milan Kundera. Nhà biên kịch Pháp danh tiếng Jean-Claude Carrière đã có một kịch bản điện ảnh gần nhất với nguyên tác nhưng kịch bản ấy đã bị băm nát, thêm thắt bởi đạo diễn Philip Kaufman, để tăng tính thương mại cho phim. Ngày đọc được kịch bản ban đầu, Kundera đã thốt lên: lẽ ra nó (bộ phim - PV) nên được làm như thế này!

Dẫu thế, bộ phim dài ba tiếng nhận được không ít lời ca ngợi, dù chỉ thu về 10 triệu USD (kinh phí sản xuất là 17 triệu USD). Phim nhận được hai đề cử ở hạng mục Quay phim xuất sắc nhất và Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất ở Oscar 1988, được gọi là “bộ phim gợi tình nhất thời đại”. Viện phim Mỹ sau đó xếp Đời nhẹ khôn kham vào danh sách 100 bộ phim tình cảm hay nhất của điện ảnh Mỹ.

Chinh Hàn

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI