Chúng ta có đang “lên đồng” vì điểm số?

27/07/2022 - 06:15

PNO - Là phụ huynh có con thi tốt nghiệp THPT năm nay, tôi chưa thực sự hiểu vì sao Bộ Giáo dục và Đào tạo phải công bố điểm thi vào đúng 0 giờ?

Cùng với thông tin sẽ có kết quả lúc nửa đêm là hàng triệu thí sinh và phụ huynh thao thức trong hồi hộp, hàng trăm nhân viên ngành giáo dục phải thức để cập nhật dữ liệu điểm thi, hàng trăm phóng viên các tòa soạn thức để tác nghiệp… 

Nhiều triệu người mất một đêm ngon giấc, liệu điều đó có thực sự cần thiết? Tại sao không phải là sáng hôm sau, khi mọi người đã thức giấc, ăn uống, sẵn sàng cho việc tra cứu điểm thi - bắt đầu ngày mới bình thường như bao nhiêu ngày khác? Phải chăng việc công bố vào một thời điểm đặc biệt là để tạo hiệu ứng khác biệt, hay thể hiện đây là một sự kiện quan trọng mà tất cả phải thao thức trông ngóng, thậm chí không ít phụ huynh còn ví von như “đón giao thừa”?

Và không chỉ khiến hàng triệu người phải phá vỡ thói quen sinh hoạt một cách phản khoa học, mà tôi có thể chắc chắn rằng sau khi xem điểm xong, gần như không gia đình nào ngủ được. Bởi những em điểm cao sẽ vui đến quên ngủ còn những em điểm thấp, điểm liệt sẽ buồn đến mất ngủ. Cùng với đó, hàng loạt trang báo cập nhật thông tin liên tục suốt đêm đến sáng. Và như một sự tò mò rất đỗi bình thường, các phụ huynh, thí sinh lại tiếp tục hành trình đọc và so sánh điểm số.

Gần như những ngày qua, thông tin quan trọng nhất trên các báo, trang mạng là điểm thi. Nhiều bài viết bắt đầu đếm số điểm 10 của cả kỳ thi, của cả nước, của từng môn, từng địa phương. Rồi một sự so bì địa phương này điểm cao hơn địa phương kia, tỉnh này có nhiều thủ khoa hơn thành phố kia…

Chúng ta tung hô những thí sinh điểm cao mà quên mất nỗi buồn của những em điểm thấp. Chúng ta so sánh những địa phương có điểm trung bình cao mà quên mất ở nhiều vùng khó khăn, việc các em có thể đến trường và vượt qua được kỳ thi đã là một sự nỗ lực đáng ghi nhận. Điểm số một kỳ thi không phải nói lên tất cả về năng lực học tập và sự nỗ lực của một thí sinh. Ngay cả thí sinh học rất giỏi, thì đó cũng không phải là tất cả hành trang để vào đời.

Hằng ngày, vẫn có nhiều bài báo, chuyên gia khuyên không nên quá nặng nề thành tích thi cử, nhưng cứ mỗi kỳ thi, tôi lại như chứng kiến sự “lên đồng” vì điểm số. Sau khi đã tung hô những em điểm giỏi, chúng ta sẽ quay sang an ủi những em thi rớt rằng “điểm số không quan trọng, đại học không phải là tất cả, vẫn còn nhiều con đường để bước tiếp”. Liệu có còn thuyết phục được không?

Chúng ta đang sống trong thời đại mà kiến thức, trí thông minh (chỉ số IQ) không phải là quan trọng nhất, mà để phát triển toàn diện, học sinh cần cả những năng lực khác như khả năng cân bằng về tâm lý, chỉ số cảm xúc EQ, chỉ số vượt qua nghịch cảnh AQ… Bởi vậy, đừng biến kỳ thi trở thành “sống còn” và việc công bố điểm thi là sự kiện trọng đại, mà hãy trả lại đúng nghĩa là một kỳ phân loại học sinh. Sau đó, các em có nhiều hướng rẽ khác nhau phù hợp với điều kiện, năng lực của bản thân và hướng đi nào cũng đáng trân trọng như nhau. 

Phạm Luận (Q.Gò Vấp, TPHCM)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI