*Phóng viên: Những ngày qua, miền Trung hứng chịu thiên tai liên tiếp đi kèm những vụ trượt lở đất gây thương vong lớn. Đây có phải là hậu quả của việc phá rừng hay do đặc điểm riêng về địa chất của khu vực, thưa ông?
-Tiến sĩ Vũ Cao Minh: Không hoàn toàn do đặc điểm địa chất, vì kết cấu đất đá yếu thì ở đâu cũng có, từ Bắc vào Nam. Phá rừng là một phần tác động. Tôi cho rằng, nguyên nhân chính là do chúng ta chủ quan, chưa đánh giá hết mức độ nguy hiểm, ví dụ như vẫn dựng nhà ở những điểm có nguy cơ trượt lở. Mới nhất là trượt lở ở xã Trà Leng và Trà Vân, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.
Theo tôi, cả bà con, cán bộ địa phương và các nhà khoa học chưa đánh giá hết được những nguy hiểm sẽ phải đối mặt trong mùa mưa lũ. Đặc điểm dẫn đến trượt lở nguy hiểm ở một số tỉnh miền Bắc là địa hình dốc, còn ở miền Trung là mưa dài ngày, nên địa hình dù không dốc lắm, vẫn rất dễ xảy ra trượt lở. Với đặc điểm đó thì đất nào, đá nào cũng bị sũng nước và bở, kết cấu bị suy yếu.
Như vừa rồi, Thừa Thiên - Huế mưa suốt gần nửa tháng, lượng mưa trung bình từ 1.600 - 2.200mm. Ở khu vực Vườn quốc gia Bạch Mã, lượng mưa còn lên đến 2.900mm. Với những ngày mưa kéo dài liên tiếp và lượng mưa lớn như thế, nếu không phá rừng thì trượt lở khối lớn vẫn có nguy cơ xảy ra.
* Như ông phân tích, mưa dài ngày là đặc điểm của miền Trung và đó là nguyên nhân chính dẫn đến trượt lở. Vậy tại sao những năm gần đây, hiện tượng này lại gia tăng?
- Có thể là có tăng, bởi con người ngày càng tác động thêm vào. Nhưng chuyện trượt lở khối lớn không phải bây giờ mới có. Trước đó, từ khi rừng còn nhiều, thủy điện còn chưa phát triển, trượt lở lớn cũng đã xảy ra, thậm chí thảm họa trượt lở còn tàn khốc hơn hiện nay.
Ví dụ, tháng 11/1964, mưa lớn kéo dài cả chục ngày ở miền Trung làm khoảng 5.000 người chết và mất tích do lũ lụt và sạt lở. Trong đó, tỉnh Quảng Nam và Quảng Đà (cũ) thiệt hại nặng nhất. Cũng ở tỉnh Quảng Nam năm đó, có những quả núi lở vùi lấp các buôn làng, vùi lấp cả một đại đội lính. Hay vào tháng 7/1992, chỉ trong một đêm, núi Kép Ky ở xã Quang Trung, huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng đã lở, vùi lấp khoảng 500 người.
|
Hiện trường vụ sạt lở khiến 17 người của Thủy điện Rào Trăng 3 mất tích và tử vong hiện có hàng trăm ngàn khối đất đá |
* Khi xảy ra vụ lở núi vùi lấp Trạm kiểm lâm 67 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế), có một số ý kiến cho rằng, thói quen xây dựng nhà cửa tựa lưng vào núi đã gián tiếp gây thảm họa. Ông nhận định thế nào về ý kiến này?
- Đó là một trong những nguy cơ. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh, cái chính vẫn là do chúng ta chủ quan, chưa đánh giá đúng và chưa đánh giá hết được những nguy hiểm. Xem trên ảnh vệ tinh thì Trạm kiểm lâm 67 nằm gần một khe cạn, nên khi núi lở, đất đá trôi theo khe cạn đó và vùi lấp trạm.
* Thời gian qua, Viện Địa chất có nghiên cứu, đánh giá, đưa ra những cảnh báo về sạt lở ở miền Trung chưa?
- Có nhiều rồi. Công tác điều tra, đánh giá nguy cơ rủi ro thiên tai, trong đó có trượt lở và lũ quét, các địa phương đều đã hoặc đang làm, hoặc các cơ quan khoa học được mời làm. Ví dụ, các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên - Huế… đều đã làm, nhưng mới chỉ đánh giá trên phạm vi rộng, chưa đánh giá được cụ thể, chi tiết các điểm, cụm dân cư có nguy cơ trượt lở. Không ít các điểm, cụm dân cư ấy lập nên lại tương đối chủ quan, chưa đánh giá hết những nguy hiểm về thiên tai như trượt lở, lũ bùn, đá lăn, lũ quét.
* Như vậy, nguyên nhân lớn nhất vẫn là yếu tố chủ quan của con người?
- Đúng. Và đây cũng là yếu tố mà tôi muốn nhắc đến nhiều nhất để đề phòng khi mưa bão còn tiếp tục. Như vừa rồi, những vụ trượt lở đều là trượt lở khối lớn, như ở xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị lên đến gần 1 triệu mét khối. Hàng chục vạn mét khối đất đá mới trượt xuống mấy trăm mét và vùi lấp Trạm kiểm lâm 67. Ở khu vực Thủy điện Rào Trăng 3 thì ít hơn, nhưng cũng khoảng mấy vạn mét khối.
Hiện nay, ta chưa xác định chính xác được những vụ trượt lở khối lớn này, vì rất tốn kém, nhưng cũng có những dấu hiệu để có thể tiến tới cảnh báo và phòng tránh. Ví dụ, ở Đồn biên phòng cửa khẩu Cha Lo (tỉnh Quảng Bình) cũng xảy ra trượt lở khối lớn. Trước khi trượt lở, đã có những vết nứt xuất hiện từ sáng, sau đó đến chiều là sập cả mảng sườn núi xuống, kéo theo Quốc lộ 12A bị bẻ gãy. Nhờ dấu hiệu đó mà bộ đội biên phòng đã sơ tán được. Từ biểu hiện đó, nếu phát hiện kịp, ta sẽ có những cảnh giác, cảnh báo thoát hiểm kịp thời.
Hai là trượt lở khối lớn thường không xảy ra ngay sau lưng mà xảy ra cách đó một khoảng nhất định. Tất cả vụ trượt lở lớn đều có tiếng nổ, có các rung chấn. Khoảng cách từ khối trượt đến nhà ở có thể là vài ba trăm đến vài ngàn mét. Nếu thường xuyên cảnh giác, có biện pháp đề phòng thì có thể kịp phản ứng và thoát hiểm.
Như vậy, cảnh giác vẫn là cách tốt nhất trong điều kiện công tác dự báo, phân tích của ta vẫn còn thiếu và yếu. Đối với các điểm dân cư miền núi, cần phải rà soát, xác định xem có ở vị trí nguy hiểm không. Ví dụ, nếu dựng nhà gần núi, mùa khô thì không việc gì, nhưng đã mưa vài ngày rồi là phải nghĩ đến việc đất đá ở đỉnh núi gần mình có thể lở xuống bất cứ lúc nào. Nếu thấy nguy hiểm thì phải di dời. Nếu chưa di dời kịp thì phải có người canh gác để cảnh báo, báo động thoát hiểm. Theo tôi, trước mắt, chúng ta cần phải triển khai phòng tránh sạt lở theo hướng như thế.
* Xin cảm ơn ông.
Uông Ngọc (thực hiện)